Loay hoay giải bài toán khó

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) huyện Mê Linh những năm qua đã góp phần thay đổi căn bản diện mạo vùng đất này.

Tuy nhiên, mục tiêu xây dựng NTM của Mê Linh hiện đang đứng trước nhiều thách thức, đặc biệt là nguồn vốn cho phát triển hạ tầng giao thông nông thôn (GTNT).

Vất vả qua đường liên thôn 

Chạy xe dọc tuyến đường xã Thanh Lâm, có thể nhận thấy sự xuống cấp nghiêm trọng của nhiều tuyến giao thông liên thôn. Điển hình như tuyến Phú Nhi - Yên Vinh. Đây là con đường rất quan trọng nối liền 2 thôn nhưng lại đang trở thành nỗi ám ảnh của người dân. Mặt đường mấp mô, ngày càng nhiều ổ trâu, ổ gà, và thường xuyên ứ đọng nước. Người và phương tiện di chuyển  qua đây hết sức vất vả, nhất là vào những ngày trời mưa.
Đường liên thôn xã Thanh Lâm ngập úng khi trời mưa
Đường liên thôn xã Thanh Lâm ngập úng khi trời mưa
Cùng chung nỗi khổ đường sá xuống cấp là cư dân ở xóm 6, thôn Văn Quán (xã Văn Khê) đang ngày ngày phải đi trên con đường gồ ghề, lõng bõng nước khi trời mưa và bụi bay mù mịt mỗi khi trời nắng. Dù đoạn tuyến từ đê tả Hồng về giữa thôn đã được bê tông hóa, nhưng đoạn nối từ giữa thôn ra cánh đồng thì vẫn là đường đất. Người dân nhiều lần kiến nghị huyện, xã đầu tư hoàn thiện nốt đoạn tuyến, nhưng đến nay vẫn “đâu vào đấy”.

Không chỉ ở 2 xã Thanh Lâm, Văn Khê, nhiều tuyến đường liên thôn ở các xã Kim Hoa, Chu Phan, Tam Đồng… hiện cũng chưa được bê tông hóa. Đường giao thông ngổn ngang, xuống cấp không chỉ khiến việc đi lại khó khăn, mà việc sản xuất của người dân cũng bị ảnh hưởng.

Cần cơ chế khuyến khích xã hội hóa

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nguồn vốn hạn hẹp khiến mục tiêu xây dựng NTM của huyện Mê Linh nói riêng, trên địa bàn TP nói chung đứng trước thách thức lớn. Ông Phùng Minh Chiến – Trưởng phòng Kinh tế huyện Mê Linh cho biết, GTNT hiện là tiêu chí đạt thấp nhất trong bộ tiêu chí xây dựng NTM của huyện. Theo thống kê, Mê Linh mới chỉ có 4/16 xã đạt tiêu chí về giao thông. Phần lớn các xã còn lại, tỷ lệ bê tông hóa đường GTNT mới đạt từ 50 – 70%. Về nguyên nhân, ông Chiến cho hay, khó khăn lớn nhất vẫn là bài toán về vốn. Do đó, địa phương đã kiến nghị TP bố trí vốn thường xuyên cho công tác xây dựng NTM, đồng thời, xem xét hỗ trợ 100% vốn đầu tư hoàn thiện hạ tầng GTNT cho các xã còn nhiều khó khăn.

Thực tế, với nhiều địa phương, vốn đầu tư cho xây dựng NTM được huy động từ nguồn xã hội hóa và đấu giá đất. Tuy nhiên, với Mê Linh, nguồn kinh phí này lại vô cùng hạn hẹp. Chủ tịch UBND xã Văn Khê Lưu Xuân Quân bộc bạch, điều kiện kinh tế địa phương còn nhiều khó khăn vì là xã thuần nông. Do đó, việc huy động nguồn vốn xã hội hóa là điều không dễ. Trong khi đó, tiền từ đấu giá sử dụng đất cũng rất hạn chế. Trừ các khu đất đẹp, gần các trục đường lớn thì những khu đất xen kẹt khác đều khó bán, hoặc có bán được thì giá cũng rất “bèo”.

Giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của bất cứ địa phương nào. Thực tế, những khó khăn về nguồn vốn đầu tư hiện tại của huyện Mê Linh cũng là bài toán khó của không ít địa phương khác trên địa bàn TP. Chính vì vậy, bên cạnh việc tiếp tục quan tâm đầu tư, TP cần có những cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích việc xã hội hóa đầu tư, đặc biệt là tại những địa phương hiện còn nhiều khó khăn.