Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Loay hoay...quản lý lễ hội

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 18/1, Bộ VHTT&DL đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết công tác quản lý và tổ chức lễ hội 2012, đề ra phương hướng nhiệm vụ năm 2013.

Ngay khi mở đầu hội nghị, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Huỳnh Vĩnh Ái đã khẳng định, mấy chục năm nay tổ chức và quản lý lễ hội luôn là vấn đề nhạy cảm và khó thực hiện.
 
 "Mổ xẻ" câu chuyện lễ hội Đền Trần

Một lần nữa, câu chuyện phát ấn của lễ hội Đền Trần (Nam Định) lại được "mổ xẻ" và trở thành mối quan tâm của cuộc họp bàn về tổ chức và quản lý lễ hội. Năm 2012, cùng với Viện Văn hóa Nghệ thuật (VHNT) Việt Nam, UBND tỉnh Nam Định đã xây dựng phương án không phát ấn vào tối ngày 14 tháng Giêng, mà phát vào 7 giờ sáng ngày 15 cho đến khi hết ấn. Tuy nhiên, năm đầu thí điểm mô hình tổ chức mới vẫn xảy ra nhiều tệ nạn. Đền Trần ngày chính hội không còn cảnh chen nhau đến ngạt thở, nhưng chỉ 3 ngày sau, số lượng ấn phát ra đã cạn kho. Ông Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện VHNT Việt Nam công nhận: "Mùa lễ hội 2012 ở đền Trần đã xảy ra tình trạng một số người dân đăng ký "ôm" từ 500 đến 1.000 bản ấn, chờ lúc hết ấn, bán ra với giá cao".

Loay hoay...quản lý lễ hội - Ảnh 1

Cuộc điều tra xã hội của Viện VHNT Việt Nam đối với 800 người dân đã cho kết quả: 72% người được hỏi cho rằng ấn Đền Trần có tác dụng đem lại sự bình an, hạnh phúc trong gia đình và chỉ có 15,2% quan niệm treo ấn giúp được thăng quan tiến chức. Nhưng có tới 52,5% ý kiến người dân đồng ý với đánh giá có nhiều quan chức đi lễ Đền Trần để cầu thăng quan tiến chức.

Theo ông Khúc Mạnh Kiên, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Nam Định: "Năm 2013, lễ hội Đền Trần sẽ tổ chức mô hình lễ hội năm ngoái. Dự kiến, số lượng ấn phát ra sẽ cao hơn, và BTC sẽ tìm ra một số biện pháp kinh doanh ấn". Ông Nguyễn Chí Bền khẳng định: "Lễ hội Đền Trần là nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân. Chúng ta không thể sử dụng phương pháp không quản lý được là cấm. Biện pháp quan trọng là phải thay đổi mô hình quản lý lễ hội ở ngôi đền có tiếng là thiêng này, phải cương quyết, mạnh dạn giải bài toán giữa cái cũ và mô hình mới". Thực tế, để đáp ứng nhu cầu ban ấn của nhân dân, một vài năm trước, Ban quản lý Đền Trần dựa trên các nghiên cứu khoa học, sáng tạo một chiếc ấn giống ấn đã có. Và để tìm lời giải cho giá trị thực của những chiếc ấn, hiện Viện VHNT Việt Nam đang có đề án khoa học nghiên cứu ấn cung đình ở các chùa miền Bắc. Dự kiến, vào giữa năm 2013, đề án này sẽ hoàn thành và công bố rộng rãi.

Chưa tìm được tiếng nói chung

Tại hội nghị, Thứ trưởng Huỳnh Vĩnh Ái đã yêu cầu Vụ Tài chính sớm hoàn thành Thông tư liên tịch về việc quản lý tiền công đức. Tuy nhiên, đây là yêu cầu không dễ thực hiện. Bởi từ năm 2009, Bộ VHTT&DL đã đưa ra những chính sách nhằm quản lý minh bạch nguồn tiền huy động từ nhân dân của đền, chùa lễ hội, nhưng giữa cơ quan quản lý văn hóa và ban quản lý di tích chưa bao giờ tìm được tiếng nói chung.

Bộ VHTT&DL vừa ban hành Chỉ thị số 18/CT-BVHTT&DL chỉ đạo thủ trưởng các cơ quan trực thuộc Bộ thực hiện tốt các nhiệm vụ, phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Quý Tỵ an lành, tươi vui. Theo chỉ thị này, Bộ đề nghị các cơ quan, đơn vị và các Sở VHTT&DL tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và đột xuất, ngăn chặn và xử lý nghiêm các biểu hiện tiêu cực, lợi dụng lễ hội để hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc, thu lợi bất chính và các biểu hiện không lành mạnh khác.

"Hầu hết các sư trụ trì đền chùa cho rằng: Phật tử và người dân địa phương sẽ là "người giám sát" tốt nhất, không chỉ về đạo đức tu hành của vị sư mà còn cả những vấn đề thu chi từ tiền công đức. Vậy thì đặt vấn đề "ai quản lý" tiền công đức trong phạm vi nhà chùa là thừa, vì như thế chẳng khác gì dùng "quản lý" để chồng lên "quản lý", nói một cách cụ thể là "thế tay thợ đẽo". Đó là chưa kể, dự thảo của thông tư quản lý tiền công đức mới chỉ đề cập ở các di tích của phật giáo, còn các tôn giáo khác thì bỏ ngỏ", bà Hoàng Thị Quỳnh Anh - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Nghệ An cho biết.

Theo các thống kê, lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang) trong năm 2012 đã thu về hơn 70 tỷ đồng tiền công đức, còn lượng tiền công đức tại Đền Trình (Chùa Hương, Hà Nội) chỉ trong 3 tháng của năm 2012 đã lên tới hơn 30 tỷ đồng. Rõ ràng, một nguồn tiền rất lớn như vậy cần được minh bạch thu chi, để số tiền này được sử dụng đúng mục đích - điều được đông đảo người dân quan tâm. Tuy nhiên, cả việc quản lý tiền công đức lẫn việc xử lý mối quan hệ giữa chính quyền và cộng đồng trong lễ hội, vẫn là vấn đề nan giải mà ngành văn hóa đang loay hoay tìm hướng giải quyết.