Nói dễ hơn làm Chuyên gia giao thông Nguyễn Mạnh Thắng cho hay: “Nguyên nhân cơ bản nhất dẫn đến bùng phát xe khách “trá hình” đã được chỉ rõ từ cách đây gần 4 năm rồi”. Ông Thắng phân tích, bộ khung quản lý hoạt động vận tải khách bằng xe ô tô quan trọng nhất là Nghị định 86/2014/NĐ - CP và Thông tư 63/2014/TT - BGTVT đều tồn tại một lỗ hổng rất lớn. Đó là, từ 1/7/2015, chỉ yêu cầu xe hợp đồng từ 10 chỗ trở lên phải báo cáo các thông tin như: Hành trình, danh sách khách, điểm đón trả... về Sở GTVT địa phương trước khi thực hiện hợp đồng. Còn xe dưới 10 chỗ thì không phải báo cáo. “Từ kẽ hở này, loại hình xe hợp đồng dưới 10 chỗ mà chúng ta vẫn quen gọi là xe Limousine, xe VIP mới có điều kiện phát sinh ngày càng nhiều” - ông Thắng khẳng định.Trên thực tế, hiện có hàng nghìn chiếc xe Limousine, xe VIP xuất hiện trên khắp cả nước, vô tư đưa đón khách liên tỉnh theo tuyến cố định. Mỗi khi bị lực lượng chức năng kiểm tra, lái xe chỉ cần xuất trình ra một bản hợp đồng khống là... xong.
Đại diện Thanh tra Sở GTVT Hà Nội chia sẻ: “Họ xuất trình ra hợp đồng hợp lệ, có kèm danh sách khách đầy đủ thì không biết xử phạt họ lỗi gì”. Vị này thông tin thêm, hiện nay, nhiều DN vận tải còn liên kết với các văn phòng du lịch, để văn phòng đứng ra nhận đặt chỗ thu tiền của khách rồi ký với họ hợp đồng vận chuyển. Do không có báo cáo từ trước khi thực hiện hợp đồng để đối chiếu nên Thanh tra GTVT không cách gì bắt lỗi được dù biết rõ xe đang vận chuyển khách liên tỉnh.Thế nhưng, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về đảm bảo trật tự, ATGT diễn ra ngày 30/3 vừa qua, Vụ trưởng Vụ Vận tải, Bộ GTVT Trần Bảo Ngọc lại cho rằng, các quy định của pháp luật đã đủ để xử lý xe khách “trá hình”, vấn đề là các địa phương không quản lý chặt chẽ. Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, giả sử là một Thanh tra viên kiểm tra xe hợp đồng dưới 10 chỗ với đầy đủ phù hiệu, hợp đồng cần có, lãnh đạo Vụ Vận tải sẽ dựa vào quy định pháp lý nào để xử phạt được chủ xe?Tranh cãi không giải quyết được vấn đềLỗ hổng pháp lý trong quản lý xe hợp đồng dưới 10 chỗ là rất lớn và đã tồn tại từ lâu. Vấn đề hiện nay không phải là tranh cãi và đùn đẩy trách nhiệm mà phải lấp lỗ hổng để xử lý triệt để xe khách “trá hình”. Ông Nguyễn Mạnh Thắng đề xuất: “Cần xem xét hạ thấp hơn nữa số ghế tại quy định bắt buộc báo cáo thông tin hợp đồng trước khi vận chuyển. Có thể là xe hợp đồng từ 9 chỗ trở lên đã phải báo cáo”. Bên cạnh đó, cần tăng cường giám sát, kiểm soát hành trình của các xe hợp đồng dưới 10 chỗ; nếu phát hiện số lượt chuyến quá dày trên một lộ trình cố định trong nhiều ngày thì phải kiểm tra, xử lý. Cách tốt nhất để kiểm soát được là thông qua giám sát hành trình.Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà cho biết, tuy nói đã đủ quy định để xử lý xe khách “trá hình” nhưng lãnh đạo Vụ Vận tải cũng thừa nhận cần sửa đổi các quy định về quản lý xe hợp đồng, trong đó có xe hợp đồng dưới 10 chỗ. Trước mắt, khi kiểm tra, lực lượng chức năng cần quyết liệt hơn, làm rõ từng bản hợp đồng đó là thật hay giả, ký với cá nhân hay tổ chức. Những người có tên trong hợp đồng có thực sự là cùng một đoàn hay chỉ là khách lẻ được tập hợp lại từ nhiều nơi.Một số chuyên gia tỏ ra đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, rất có thể hiện nay đang có một bộ phận cán bộ trong lực lượng chức năng, thừa dịp luật còn bất cập để “đục nước béo cò”, làm ngơ cho xe khách “trá hình” lộng hành.
Để dần triệt tiêu xe khách "trá hình", các địa phương tăng cường hơn nữa việc giám sát hoạt động của những văn phòng, chi nhánh DN vận tải, du lịch để kịp thời phát hiện những vi phạm biến tướng thành bến “cóc”, phòng vé. Nếu phát hiện, cơ quan chức năng cần đình chỉ hoạt động ngay lập tức.Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Hà |