Lợi bất cập hại

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có thể nói, thành công nhất định của bộ phim truyền hình 176 tập “Cô gái xấu xí” năm 2008 (chuyển thể từ tác phẩm “Betty la Fea” của truyền hình Colombia) đã khai màn cho trào lưu phim truyền hình mua bản quyền nước ngoài ở nước ta.

Thế nhưng, sự xuất hiện rầm rộ một cách thái quá các bộ phim ngoại được Việt hóa trên VTV đang bị coi là “thuốc độc” giết chết sự sáng tạo của giới làm phim trong nước.

Việt hóa nửa vời

Không phủ nhận những bộ phim Việt hóa đã tạo nên làn gió mới trên màn ảnh nhỏ. Tuy nhiên, đây không phải là cách làm hay để phản ánh hiện thực đời sống, tinh thần người Việt. Mặt khác, sự xuất hiện ồ ạt của những bộ phim Việt hóa với cách làm phim còn vụng về, gượng gạo dần khiến khán giả ngán ngẩm trước những sản phẩm “nửa Tây, nửa ta” này. 

“Cầu vồng tình yêu” là phim Việt hóa duy nhất làm nên một cơn sốt trong năm 2013 và được công chúng đánh giá là hay hơn phiên bản gốc. Được chuyển thể từ kịch bản phim truyền hình “Vinh quang gia tộc” của Hàn Quốc, phim thu hút được cả những người trẻ tuổi, các bà nội trợ và khán giả lớn tuổi. Dù chưa hẳn là bộ phim xuất sắc nhất, vẫn còn có những hạt sạn trong phim, những cảnh quay chưa đạt, vẫn có những vai diễn còn sống sượng, thế nhưng có thể nói ở thời điểm hiện tại, đây chính là một trong những phim Việt "mượn" kịch bản nước ngoài thành công nhất, đưa khán giả Việt tới gần với phim truyền hình nước nhà. 
 Một cảnh trong phim “Cầu vồng tình yêu”.
Một cảnh trong phim “Cầu vồng tình yêu”.
 
Trong khi đó, là phiên bản Việt của bộ phim Hàn Quốc từng "làm mưa làm gió" - Full house, cộng thêm bàn tay "nhào nặn" của đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, “Ngôi nhà hạnh phúc” từng được người hâm mộ ngóng trông từng ngày tới thời điểm ra mắt. Nhưng không ít người cảm thấy thất vọng với “Ngôi nhà hạnh phúc” - phiên bản Việt của bộ phim Hàn “Full house” từng “làm mưa làm gió” ở nhiều quốc gia. Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, diễn viên Minh Hằng và Lương Mạnh Hải từng nhận không ít “gạch, đá” từ chính những khán giả mê phim. Tiếp đến, dù cũng được chuyển thể từ bộ phim ăn khách một thời của truyền hình Hàn Quốc, “Lối sống sai lầm” cũng bị chê nhiều “sạn”. Với kịch bản được mua từ Argentina, cộng thêm dàn diễn viên trẻ đẹp, “Cô nàng bất đắc dĩ” cũng không “qua mặt” được bản gốc. Mới đây, 24 tập phim “Váy hồng tầng 24” – phim được Việt hóa từ một bộ phim truyền hình ăn khách “Unbeatable – Beauties Around” của Đài Loan từng được kỳ vọng sẽ làm nên cơn sốt cho phim Việt giờ vàng. Thế nhưng trái lại, bộ phim đã gây nên nhiều nỗi thất vọng cho người xem, phim bị chê tơi tả ngay từ những ngày đầu lên sóng. Lý do vì cách xây dựng nhân vật, câu chuyện khiên cưỡng, bối cảnh chưa được Việt hóa hoàn toàn, lời thoại dài dòng, xa rời đời thường…

Tới đây, bộ phim truyền hình hài hước ăn khách bậc nhất lịch sử phim truyền hình xứ kim chi “My Girl” sẽ được Việt hóa với tựa đề “42 độ đạm”. Hy vọng, bộ phim xoay quanh những câu chuyện về tình cảm, tình yêu với mô típ chuyện tình tay ba và quan hệ hợp đồng sẽ mang nhiều dấu ấn Việt hơn.

“Thuốc độc” của sự sáng tạo

Sở dĩ trào lưu phim truyền hình Việt hóa nở rộ như hiện nay là vì kịch bản phim truyền hình trong nước nghèo nàn, không có nhiều tình tiết hấp dẫn, trong khi những bộ phim nước ngoài đã có một lượng khán giả nhất định. Chính vì thế, việc Việt hóa phim ngoại giúp nhà sản xuất dễ dàng thu hút được quảng cáo, lợi nhuận cao mà không phải đầu tư nhiều cho khâu truyền thông. Thế nên ngày càng có nhiều phim ăn khách nước ngoài được Việt hóa.

Thực tế, những bộ phim được Việt hóa không hề có nội dung xấu, nhưng chúng lại vô tình tạo ra những giá trị văn hóa, thẩm mỹ ngoại lai không phù hợp với người Việt, đặc biệt là giới trẻ. Đáng buồn hơn, trào lưu làm phim Việt hóa sẽ gián tiếp thui chột động lực sáng tạo của các nhà viết kịch bản nói riêng, giới làm điện ảnh Việt nói chung. Bởi lẽ, khi nhà sản xuất không có “cầu” thì nguồn “cung” tất yếu sẽ giảm. Trong khi đó, các đạo diễn, diễn viên dễ bị sa đà và đi theo lối mòn của cách làm, diễn xuất trong phiên bản gốc, nên những sáng tạo thường hạn chế hơn khi thực hiện một bộ phim thuần Việt. Mặt khác, tư tưởng ăn sẵn luôn thường trực cùng cách làm dễ dãi, không cần đầu tư quá nhiều tâm huyết, tư duy mà vẫn có tác phẩm sẽ khó có thể cạnh tranh với những bộ phim mới từ ngoại quốc được nhập về phát sóng, thậm chí là thua cả phim Việt. Ví như bộ phim “thuần” Việt “Yêu đến tận cùng” của đạo diễn Đức Thịnh đang phát sóng trên VTV3 trong khung giờ vàng (tối thứ Tư và Năm hàng tuần). Không cần “chiêu trò”, không hiệu ứng hình ảnh quá đặc biệt, nhưng cuộc chiến đấu với “cái chết trắng” và khả năng diễn xuất tự nhiên của dàn diễn viên chính trong phim đã khiến khán giả phải ngóng đợi từng tập.

Rõ ràng, làm phim Việt từ những kịch bản phim ăn khách ở nước ngoài đã phần nào khỏa lấp được thực trạng thiếu kịch bản phim truyền hình ở nước ta hiện nay. Song, nếu lạm dụng với kiểu Việt hóa nửa vời sẽ chỉ mang đến sự nhàm chán, lạc lõng cho khán giả và vô tình làm mất bản sắc của điện ảnh Việt.