Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 1 - 8/9, Hà Nội ghi nhận 1.669 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 540 trường hợp so với tuần trước đó, thêm 1 ca tử vong là bệnh nhân nữ 20 tuổi, huyện Quốc Oai.
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn TP ghi nhận 8.362 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022, số mắc tăng gấp 4 lần.
Đáng nói là các ca mắc sốt xuất huyết mới trên địa bàn Hà Nội được ghi nhận ở toàn bộ 30 quận, huyện, thị xã. Những nơi có nhiều bệnh nhân trong tuần qua là Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Trì, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Cầu Giấy, Chương Mỹ, Phú Xuyên, Thanh Xuân, Phúc Thọ…
Cũng theo nhận định của CDC Hà Nội, số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần này có thể tiếp tục gia tăng. Dự báo, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trong những ngày tới.
Để chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch, không để dịch bùng phát, kéo dài, Bộ Y tế cũng đã có Công văn số 5480/BYT-DP đề nghị UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương quan tâm, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện công tác phòng, chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn.
Một trong những biện pháp mà ngành Y tế yêu cầu các địa phương thực hiện tích cực là vận động toàn thể người dân cùng tham gia các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt bọ gậy (loăng quăng) trên địa bàn. Đây được coi là biện pháp quan trọng để xóa bỏ tận gốc nguyên nhân gây ra dịch sốt xuất huyết với khẩu hiệu: "Không có bọ gậy thì không có sốt xuất huyết"!
Đây không phải lần đầu tiên Hà Nội đứng trước nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát. Do chưa có vaccine phòng ngừa cũng như thuốc đặc trị, sốt xuất huyết gần như là căn bệnh đến hẹn lại lên ở Việt Nam và Hà Nội cũng không là ngoại lệ. Song có lẽ cũng vì thế mà nảy sinh tâm lý chủ quan, lơ là trong cả việc phòng ngừa cũng như điều trị của người dân đối với căn bệnh này.
Trở lại công tác phòng, chống nguy cơ dịch sốt xuất huyết bùng phát trong thời gian tới. Như một nếp đẹp của đời sống cộng đồng, từ nhiều năm qua ở
Hà Nội đã hình thành phong trào thực hiện tổng vệ sinh toàn TP vào 6h30 mỗi sáng thứ Bảy hằng tuần.
Vào thời điểm đó, tất cả cơ quan, DN, đơn vị lực lượng vũ trang của địa phương và trung ương đóng trên địa bàn Hà Nội, các cộng đồng dân cư, các hộ gia đình trong toàn TP tổ chức tổng vệ sinh nhà cửa, sân vườn, đường ngõ, công sở và khu vực cư trú, quét rác, thu dọn phế thải tồn đọng, khơi thông cống rãnh, hố ga và hàm ếch thoát nước...
Công việc này càng được phát huy mỗi khi có nguy cơ bùng phát dịch bệnh, nhất là dịch bệnh do muỗi lan truyền như sốt xuất huyết, như là một giải pháp phòng chống hữu hiệu.
Với sự tham gia của mọi người, từ các vị lãnh đạo, cán bộ, công chức đến người dân các khu dân cư, làng xóm, việc thực hiện tổng vệ sinh toàn TP không chỉ là làm sạch môi trường, ngăn ngừa mầm bệnh mà còn làm cho người dân ý thức rõ hơn về nguy cơ dịch bệnh bùng phát cũng như sự cần thiết của việc giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường sống trong sạch của gia đình mình và cộng đồng. Xem ra như vậy là lợi cả đôi đường.
Tuy nhiên một nếp đẹp mang đến lợi ích thiết thực như vậy thời gian gần đây không phải nơi nào, lúc nào cũng được thực hiện thường xuyên, thậm chí bị lãng quên.
Vậy nên cũng phải nhắc lại điều đã hơn một lần được đề xuất: không chỉ trong thời điểm dịch sốt xuất huyết đe dọa bùng phát như hiện nay mà việc thực hiện tổng vệ sinh toàn TP vào mỗi sáng thứ Bảy hằng tuần cần được khôi phục, duy trì thường xuyên, góp phần làm Thủ đô ngày càng xanh, sạch, đẹp.