70 năm giải phóng Thủ đô

Lối cũ ta về…

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Dù sân khấu hội đủ ca, múa, kịch, xiếc - những môn nghệ thuật có sức hấp dẫn trẻ nhỏ… nhưng các chương trình nghệ thuật cho thiếu nhi năm nay vẫn theo "lối cũ ta về", không có nhiều đổi mới trong hình thức, kết cấu cũng như nội dung.

“Người năm cũ”

Có vẻ phong phú và rôm rả hơn những năm trước, các chương trình nghệ thuật dành cho thiếu nhi đã phủ kín lịch diễn ở các sân khấu lớn Hà Nội trong hai ngày trăng tròn 14 và 15 tháng 8 âm lịch (tức 29 và 30/9). Chương trình "Ông trăng ơi, xuống đây chơi" vào Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội và rạp 11 Ngô Thì Nhậm, "Cổ tích cười 2" chọn rạp Hồng Hà, "Diêm Vương đại náo cung trăng" chiếm lĩnh sân khấu Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ, "Bay cùng chú Cuội, chị Hằng và Đại hội xiếc thú - ảo thuật đặc biệt" vào Rạp xiếc T.Ư. Kể cả hai sân khấu ở Công viên Hồ Tây cũng lên lịch cho 2 chương trình "Trung thu ngọt ngào cho bé" và "Đêm hội trăng Rằm", sân khấu của Nhà hát Múa rối Thăng Long, Nhà hát Múa rối T.Ư… 

Lối cũ ta về… - Ảnh 1

Một cảnh trong vở "Huyền thoại Thạch Sanh"

Chương trình kín các sân khấu biểu diễn như vậy, song điểm mặt các "bầu show" của những chương trình bán vé này vẫn toàn "người năm cũ". Ấy là Nhà hát Tuổi trẻ, Liên đoàn Xiếc Việt Nam, Công ty CP giải trí Hồ Tây, Công ty Đông Đô Show, với những cái tên nghệ sĩ "ăn khách": Chí Trung, Hồng Kỳ, Xuân Bắc, Tự Long… Trong số này, Nhà hát Tuổi trẻ có tới 3 chương trình ca múa nhạc kịch tung ra cùng một lúc: "Diêm Vương đại náo cung trăng", "Cổ tích cười" và "Ông trăng ơi, xuống đây chơi". Không có sự phân chia trên thị trường kinh doanh nghệ thuật, song cứ như mặc định, góc thị phần dành cho thiếu nhi nằm trong tay các "ông bầu" này đã nhiều năm nay. Và cứ đến Trung thu, Quốc tế thiếu nhi là các chương trình "đến hẹn lại lên".

Lối mòn

Dễ đến 5 năm nay, chương trình Trung thu nào của Đoàn Ca múa nhạc Nhà hát Tuổi trẻ đều chung một "form" hoạt cảnh ca múa nhạc với sự xuất hiện của những nhân vật hoạt hình, cổ tích và các bài hát thiếu nhi. Năm nay cũng vậy, "Ông trăng ơi, xuống đây chơi" là trận chiến giữa "chú Cuội" và "thằng Bờm", những bài hát của Hồng Kỳ, Hoài Phương, Tường Văn, Tuấn Nghĩa, Hải Yến… Tất nhiên, một "form" riêng sẽ mang lại tính cách, thương hiệu riêng, song với điều kiện các tiểu tiết trong đó phải đặc sắc và hấp dẫn. Tuy nhiên, lời phàn nàn "càng ngày càng nhạt" dành cho các hoạt cảnh thiếu nhi do đơn vị này thực hiện đã hiện diện không ít trong lời nhận xét của công chúng.

Chương trình hài kịch cho thiếu nhi "Cổ tích cười 2" thì trọng tâm là một vở diễn đã lên sân khấu nhiều lần "Huyền thoại Thạch Sanh" kèm theo "râu ria" là những tiết mục xiếc chó, múa sư tử và trò chơi giao lưu. Ngó sang các chương trình xiếc, quanh đi quẩn lại chỉ là xiếc thú với khỉ, voi, trăn, ngựa và ảo thuật - những trò diễn cũ đem ra diễn lại trong một cái tên mới nghe rất hoành tráng "Đại hội xiếc thú - ảo thuật đặc biệt". Đấy là chưa kể sự ghép nối của "Ông trăng ơi, xuống đây chơi" với xiếc và kịch để thành chương trình mang tên "Bé vui Trung thu". Ở đó vẫn là các nghệ sĩ Hồng Kỳ, Hoài Phương, Tuấn Nghĩa, Tường Văn… trong các hoạt cảnh cùng xiếc thú và tiểu phẩm nhỏ. Các chương trình múa rối nước thì càng không thể mới hơn, ngoài việc đem các trò rối cũ ra diễn lại… Có lẽ mới hơn cả trong dịp Trung thu năm nay chỉ có vở kịch vui "Diêm Vương đại náo cung trăng" do NSUT Chí Trung dàn dựng - một câu chuyện kể về cuộc hành trình lên cung trăng kết bạn với Hằng Nga của Diêm Vương và những đệ tử của mình, dù ở đó vẫn là mô típ của các nhân vật hoạt hình và cổ tích.

Vậy là bàn tiệc nghệ thuật dành cho thiếu nhi đã được quan tâm hơn, bày biện đẹp mắt hơn và số lượng nhiều hơn. Nhưng rõ ràng, sự đầu tư để chế biến những món ăn ngon trên bàn tiệc ấy vẫn còn rất sơ sài.