Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lỗi của ngành giáo dục

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Học sinh (HS) không yêu thích môn Lịch sử là lỗi của ngành giáo dục. Muốn khôi phục...

Kinhtedothi - Học sinh (HS) không yêu thích môn Lịch sử là lỗi của ngành giáo dục. Muốn khôi phục vị thế, chức năng của môn này, chúng ta cần phải làm gì? Nhân sự kiện Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tuyên dương và trao giải cho HS đoạt giải môn Lịch sử kỳ thi chọn HS giỏi quốc gia năm 2013, GS Phan Huy Lê đã có những chia sẻ tâm huyết xung quanh vấn đề này.

Thay đổi nhận thức
Lỗi của ngành giáo dục - Ảnh 1

Thưa GS, có rất ít HS chọn môn Lịch sử để thi tốt nghiệp THPT. Vậy, làm thế nào để chúng ta khôi phục vị thế và chức năng của môn học này?

- HS không yêu thích môn Lịch sử là lỗi có tính chất hệ thống. Tôi nghĩ, điều đó chỉ thực hiện được trong việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, trong đó có giáo dục phổ thông. Riêng môn Lịch sử phải có thay đổi rất căn bản, trước hết là thay đổi nhận thức. Nói nôm na là dạy Lịch sử để làm gì, từ đó xác định học cái gì và như thế nào. Trên cơ sở đó, xây dựng lại chương trình và biên soạn lại sách giáo khoa (SGK), đồng thời cải cách những phương thức đào tạo đội ngũ giáo viên giảng dạy ở trường phổ thông. Rồi, thay đổi cả phương pháp dạy và học Lịch sử. 

GS có tin tưởng vào việc khôi phục vị thế môn Lịch sử trong giảng dạy? 

- Tôi muốn nói, HS không yêu thích môn Lịch sử không phải bởi các em mà là ngành giáo dục. Chúng ta có đầy đủ khả năng để khắc phục. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam đã có bản ghi nhớ với Bộ GD&ĐT ở hai nội dung, đó là phản biện những cái chúng tôi cho là chưa đúng của ngành; đồng thời tham gia vào cải cách môn Lịch sử từ xây dựng và tổ chức biên soạn chương trình SGK cho đến phương pháp dạy trong trường phổ thông. Đó là kỳ vọng của chúng tôi. 

Truyền đam mê

Trên thế giới, môn Lịch sử có được coi trọng không, thưa GS? 

- Các nước phát triển, ngay cả Mỹ rất coi trọng môn Lịch sử. Tất nhiên, cũng có xu hướng cải cách để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Nhưng chức năng của môn Lịch sử không bị phủ nhận. Tùy theo từng nước, có nơi xếp Lịch sử vào môn cơ bản hoặc môn cơ sở, nhưng họ phổ biến dùng từ "môn bắt buộc". Rất tiếc, Việt Nam chưa xác lập được vị thế cho môn Lịch sử dẫn đến có năm thi tốt nghiệp THPT, có năm không, nay lại lựa chọn. Mà lựa chọn, trong tình trạng dạy hiện nay chắc chắn các em sẽ bỏ. Điều này rất đáng tiếc trong trách nhiệm giáo dục phổ thông là đào tạo lớp trẻ không chỉ có kiến thức mà còn nhân cách, bản lĩnh và đặc biệt là năng lực. Muốn đào tạo lớp trẻ để trở thành công dân thì không thể thiếu Lịch sử. Và, cần coi trọng tất cả các môn học phổ thông, bởi nó như mắt xích trong chuỗi vận hành, nếu thiếu một bộ phận thì không hoạt động được. 

Theo GS, phương pháp dạy Sử như thế nào để các em có niềm đam mê? 

- Ngay từ đầu tôi đã xác lập cho mình cách dạy theo phong cách riêng được sinh viên thích thú và đồng nghiệp trân trọng. Không bao giờ tôi giảng Sử nhằm truyền đạt kiến thức. Cái tôi quan tâm là kiến thức, mới là căn bản. Tức là tư duy của HS là phương pháp nghiên cứu, niềm say mê hứng thú trong tìm tòi và sáng tạo. Dạy học ở phổ thông phải tạo cho các em niềm say mê, hứng thú và yêu thích môn Lịch sử. Trên cơ sở đó, chúng ta tạo cho các em một số hiểu biết cơ bản, cần thiết. Nhưng quan trọng là đào tạo nên những người công dân sáng tạo, có ước mơ, hoài bão, có năng lực thực sư, nhất là phương pháp tư duy. Sử học là một trong những bộ môn góp phần rất quan trọng để xây dựng năng lực và nhân cách ấy cho thế hệ trẻ. 

Theo GS, cần phải thay đổi phương pháp kiểm tra môn Lịch sử như thế nào?

- Thi cử không phải là đo kiến thức, mà quan trọng hơn là hiểu biết thực sự của HS, là cái đã lắng đọng vào tâm trí, biến thành hiểu biết thực sự của các em. Nhất là cách vận dụng kiến thức đó để xử lý những vấn đề đặt ra. Tức là cách phân tích, tổng hợp, suy luận. Nói tóm lại, đó là tư duy sử học và nhân cách, phẩm giá của các em. 

Xin cảm ơn GS!