Xanh, đỏ bất thình lình
Hệ thống đèn tín hiệu giao thông đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an toàn giao thông, điều tiết và phân luồng trên các tuyến đường hay các nút giao cắt. Tuy nhiên, thực tế trên địa bàn TP Hà Nội, tại một số vị trí, đèn giao thông đột ngột chuyển tín hiệu khiến người tham gia giao thông gặp khó khăn hơn.
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, tại nút giao Đại Mỗ - Tố Hữu (Hà Đông), đèn tín hiệu liên tục thay đổi bất thường. Khi đèn đỏ đếm ngược về 00, hàng xe đầu tiên theo thói quen vọt lên qua vạch dừng. Tuy nhiên đèn không lập tức chuyển sang xanh mà kéo dài thêm khoảng 10 giây khiến nhiều lái xe “việt vị”, vô tình phạm lỗi vượt đèn đỏ.
Có lúc đèn đỏ chưa đếm ngược hết, còn khoảng 8 giây đã thình lình chuyển sang xanh. Nhiều lái xe, nhất là những người ở hàng sau còi inh ỏi thúc giục, trong khi người tài xế hàng đầu “đơ” người không phản ứng kịp, gây nên sự hỗn loạn trong khoảng vài giây.
Tương tự, tại nút giao Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Chí Thanh cũng xuất hiện tình trạng đèn đếm ngược về 00 nhưng vẫn đỏ khiến không ít người tham gia giao thông theo quán tính di chuyển qua vạch dừng trở thành phạm luật hoặc cản trở hướng lưu thông khác.
Anh Nguyễn Trung Kiên (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Thỉnh thoảng mình đi qua nút giao Huỳnh Thúc Kháng - Nguyễn Chí Thanh, không để ý đèn hết đếm giây nhưng vẫn đỏ nên đi quá. Vừa qua vạch kẻ mới nhận ra, phải phanh gấp xong lại lùi lại. Đèn thay đổi đột ngột như vậy rất dễ gây ra va chạm cho người tham gia giao thông”.
Nhiều tài xế ô tô đã gặp tình trạng “dở khóc dở cười" khi theo tín hiệu đèn đếm ngược, ra giữa nút giao bỗng nhận ra vẫn còn đèn đỏ, phải dừng lại giữa đường.
Anh Nguyễn Tú (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã một lần thấy đèn đỏ nhảy về 00, theo phản xạ đạp ga đi. Vừa đi qua vạch kẻ đường cho người đi bộ thì đèn thì lại nhảy hơn 30 giây đèn đỏ tiếp. Thế là phải dừng gần giữa đường, không biết có bị camera ghi lại, phạt nguội hay không”.
Đèn tín hiệu thay đổi đột ngột là nỗi lo chung của nhiều người điều khiển phương tiện giao thông. Vốn mục đích của tín hiệu đèn, biển báo giao thông là tạo điều kiện để người dân tham gia giao thông di chuyển được thuận lợi và an toàn. Nhưng với những tình huống “ú oà" của đèn tín hiệu như hiện nay, không ít tài xế phải thót tim phanh gấp, dừng vội.
Các lỗi bất thường xuất hiện trên những cột đèn tín hiệu giao thông khiến hệ thống này chưa phát huy hết tác dụng điều tiết, thậm chí còn có thể tạo ra ùn tắc, xung đột giao thông rất lớn. Thêm nữa, gần đây tình trạng mưa lớn xuất hiện thường xuyên trên địa bàn Hà Nội có lẽ cũng phần nào gây ảnh hưởng đến các cột đèn tín hiệu giao thông.
Cần sớm khắc phục triệt để
Đại diện Đội CSGT số 3, Công an TP Hà Nội cho biết: “Về tình trạng đèn tín hiệu chập chờn, nhảy đột ngột, màu đèn không thống nhất… lực lượng CSGT làm nhiệm vụ trên địa bàn đã nắm được và báo cáo với Trung tâm điều khiển giao thông để kiểm tra, có sự thay đổi, điều chỉnh phù hợp, không gây ảnh hưởng tới người dân”.
Không nhảy tín hiệu bất thường nhưng một số cột đèn giao thông trên địa bàn Thủ đô không đếm số cũng gây bất tiện cho người tham gia giao thông.
Đèn giao thông tại nút giao Văn Cao - Thuỵ Khuê có hai bảng điện tử nhảy số giây đếm ngược, một bảng trên cột dọc, bảng còn lại trên thanh cột ngang. Nhưng điểm chung là cả hai bảng điện tử này đều không nhảy thời gian.
Chị Nguyễn Thị Xuân (Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: “Nút giao Văn Cao - Thuỵ Khuê là ngã tư lớn, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông nhiều, đặc biệt là vào giờ cao điểm. Tuy nhiên đèn tín hiệu giao thông ở đây không hiển thị số khiến người tham gia giao thông không có sự chuẩn bị trước khi gặp đèn xanh, đèn đỏ. Nhiều khi thành vượt đèn đỏ, rất dễ xảy ra va chạm với các xe đi từ hướng khác".
Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008, khi thấy tín hiệu đèn vàng, người tham gia giao thông phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì mới được đi tiếp.
Chia sẻ về bất cập gặp phải với đèn tín hiệu giao thông, anh Võ Hoài Nam (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết: “Khi đi qua đèn tín hiệu không hiện số giây đếm ngược, mình thấy khá bất cập. Nếu đi với tốc độ tầm 40km/h mà đèn chuyển từ xanh sang đỏ, không hiển thị giây thì khó phanh kịp.
Thêm nữa, gặp camera phạt nguội là thành vượt đèn đỏ, mức phạt rất cao so với thu nhập của lái xe như mình. Theo mình đèn tín hiệu rất cần thiết để người tham gia giao thông có thời gian chuẩn bị ngừng hoặc đi, đảm bảo an toàn”.
Theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 123/2021/NĐ-CP, nếu đèn vàng bật sáng mà người điều khiển phương tiện chưa đi quá vạch dừng xe nhưng vẫn cố tình đi tiếp thì sẽ bị tính là không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông và bị xử phạt như vượt đèn đỏ.
Tuy nhiên, nếu không có sự rõ ràng trong việc hiển thị số giây ở các cột tín hiệu đèn giao thông, người tham gia giao thông sẽ gặp khó trong việc chấp hành luật.
Để đảm bảo an toàn, thuận lợi cho người tham gia giao thông, các đơn vị chức năng cần thường xuyên rà soát, kiểm tra, điều chỉnh những cụm đèn tín hiệu gặp trục trặc. Hơn nữa cần có giải pháp xử lý triệt để lỗi nhảy đèn bất thình lình khiến người tham gia giao thông hoang mang.
Mặt khác, với những trường hợp do đèn tín hiệu hỏng mà bị xử phạt nguội, cần kiểm tra, đối chiếu kỹ càng, tránh gây thiệt thòi cho người tham gia giao thông.