Lợi dụng dịch bệnh để truyền bá mê tín dị đoan bị xử lý thế nào?

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong lúc đại dịch Covid-19 đang hoành hành, tính từ đợt dịch lần thứ tư bùng phát (từ ngày 27/4), cả nước có 672.592 ca mắc Covid-19, có 445.594 ca được công bố chữa khỏi. Riêng TP Hồ Chí Minh tính đến ngày 19/9, số ca mắc Covid-19 được công bố là 326.795 trường hợp, số ca chữa khỏi hơn 166.564 người.

Tuyên truyền mê tín dị đoan bị xử hành chính và hình sự
Vừa qua trên mạng xã hội Youtube xuất hiện tài khoản Lương Gia Long tự xưng mình là “Ngọc hoàng đại đế”, xuống trần gian để cứu nhân độ thế. Trong đoạn clip ông Long cho rằng sau khi vợ chồng ông ta dời TP Hồ Chí Minh, thì tại địa phương này các chỉ số, trong đó có chỉ số tử vong (vì dịch Covid-19 - PV) giảm đến mức tối thiểu trong tháng vừa qua. Người này cũng nói lúc 10 giờ sáng ngày 17/9, hai thầy trò vào TP Hồ Chí Minh để… làm việc với TP này nhằm tiếp tục giảm đại dịch Covid-19.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế và Đô thị về việc ông Long xưng là “Ngọc hoàng đại đế”, từ cõi trên xuống để “trấn yểm” nhằm giảm đại dịch Covid-19. Hành vi của ông Long có phải đang truyền bá mê tín dị đoan? Hành vi này phạm tội gì, bị xử lý ra sao? Ngoài ra, ông Long cho rằng đã cùng học trò đi xuyên Việt để “hành nghề” từ ngày 6/9 - 17/9, đặc biệt tại TP Hồ Chí Minh đang áp dụng “nội bất xuất, ngoại bất nhập” nhưng ông này không bị cách ly, thì phải xử lý thế nào?
Luật sư Đào Kim Lân, Giám đốc Công ty Luật TNHH An Thuận Phát (Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh), cho biết trước hết phải khẳng định pháp luật nước ta ghi nhận và bảo vệ “quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng” của mỗi người dân. Mỗi công dân có quyền tự do theo hoặc không theo bất cứ một tôn giáo nào. Đồng thời pháp luật ghi nhận quyền bình đẳng giữa các tôn giáo với nhau. Tuy nhiên, cần phải phân biệt giữa quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng với việc tuyên tuyền, truyền bá mê tín dị đoan.
Trên thực tế, ranh giới giữa hai vấn đề này rất nhỏ, có thể hiểu mê tín dị đoan là các hành vi như bói toán, đồng bóng, yểm bùa, gọi hồn... hay các hành vi khác mang hình thức mê tín, dị đoan tin vào một điều không có căn cứ, không có cơ sở khoa học một cách mù quáng. Nhiều tôn giáo cũng tin vào những điều không có thật, hư cấu nên việc phân biệt giữa hai vấn đề này rất khó khăn. Như đã phân tích thì pháp luật Việt Nam bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của mỗi người. Nhưng pháp luật cũng xử phạt đối với những hành vi hành nghề mê tín, dị đoan làm thu nhập kiểm sống chính hoặc lợi dụng mê tín, dị đoan để trục lợi. Tùy vào từng mức độ mà có thể xử lý hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan theo hai phương thức hành chính và hình sự.
Phạt tù từ 6 tháng đến 10 năm
“Theo những gì thể hiện trên hàng loạt clip đăng tải trên tài khoản Youtube mang tên Lương Gia Long, đã thể hiện người này đang hành nghề mê tín dị đoan. Những hành vi của nhóm ông Long không phải là tự do tín ngưỡng mà là truyền bá mê tín dị đoan dựa trên những điều vô căn cứ như: Xưng là “Ngọc hoàng đại đế”, “Xem bói… tâm linh”, và còn có hành vi hăm dọa “yểm bùa”, “trấn ếm” những người phản đối ông ta”, luật sư Đào Kim Lân, khẳng định.
 Ông Long đang giới thiệu mình cùng học trò lên đường vào TP Hồ Chí Minh vào ngày 17/9. Ảnh cắt từ clip.
Về hình thức xử lý, theo luật sư Đào Kim Lân căn cứ theo điểm g khoản 3, điều 5 Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013 của Chính phủ về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Phòng, chống tệ nạn xã hội; Phòng cháy và chữa cháy; Phòng, chống bạo lực gia đình”, thì phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng đối với hành vi lợi dụng quyền tự do dân chủ, tự do tín ngưỡng để lôi kéo, kích động người khác xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Ngoài ra, nếu hành vi tuyên truyền mê tín dị đoan kéo dài, liên tiếp và được coi là hành nghề tạo thu nhập chính và có các dấu hiệu khác như đã bị xử phạt vi phạm hành chính, đã bị kết tội chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể tại điều 320 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định về tội “Hành nghề mê tín, dị đoan” có thể bị phạt tiền từ 10 - 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tù từ 3 - 10 năm nếu có các dấu hiệu: Làm chết người; Thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
Về việc ông Long khoe mình cùng “học trò” đi xuyên Việt để “hành nghề” thì cần phải kiểm chứng kiểm chứng ông ta đi từ đâu đến đâu, đi với những ai bằng phương tiện gì, sử dụng giấy tờ gì để “thông chốt”, có vào vùng đang cách ly, phong tỏa hay không, tiếp xúc với ai…, và có làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch Covid-19 hay không? Nếu có, các cơ quan chức năng phải xem xét, xử lý nghiêm hành vi này.
Theo tìm hiểu của phóng viên báo Kinh tế và Đô thị, tài khoản Lương Gia Long trên Youtube, có tên thật là Nguyễn Gia Long (SN 1979, ngụ đường Xuân Đỉnh, phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), người này còn có tên khác là Lương Chính Khang.
Không ai đeo khẩu trang!
Mới đây trên trang facebook cá nhân của người có nick là “Thích Nhật Từ”, thông tin về lễ cầu nguyện cho vaccine Nanocovax. Theo clip thể hiện một số nhà sư có mặt tại trụ sở Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen, trụ sở ở quận 9 (TP Hồ Chí Minh) cầu nguyện cho vaccine Nanocovax sớm được ban hành để điều trị Covid-19.
Điều đáng nói, trong lúc TP Hồ Chí Minh đang thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, bắt buộc mọi người phải thực hiện nghiêm 5K, trong đó phải đeo khẩu trang. Thế nhưng, clip thể hiện khoảng 10 người… không ai đeo khẩu trang!
Có thể thấy, đời sống tâm linh muôn hình vạn trạng, trong đó mê tín dị đoan là một tệ nạn làm ảnh hưởng văn hóa, trật tự xã hội. Do đó, không thể đánh đồng tự do tín ngưỡng tôn giáo với những hành vi, nhận định vô căn cứ, nhất là trong lĩnh vực khoa học.
Theo công bố của Bộ Y tế, trong vòng 7 ngày qua, trung bình số ca tử vong do Covid-19 được ghi nhận là 250 người/ngày. Tổng số ca tử vong do Covid-19 tại Việt Nam tính đến nay là 16.857 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4% so với tỷ lệ tử vong trên thế giới (2,1%).
Hiện tại, số bệnh nhân nặng đang điều trị là 5.447 ca, trong đó thở oxy qua mặt nạ (3.494 ca), thở oxy dòng cao HFNC (916 ca), thở máy không xâm lấn (232) ca, thở máy xâm lấn (771 ca), ECMO (34 ca).