Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lời giải nào cho sự suy thoái đạo đức trong xã hội?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Người lãnh đạo phải ứng xử có văn hóa, may ra tình trạng báo động suy thoái đạo đức,...

Kinhtedothi - Người lãnh đạo phải ứng xử có văn hóa, may ra tình trạng báo động suy thoái đạo đức, khủng hoảng thẩm mỹ… mới có thể thay đổi – đó là ý kiến của hầu hết đại biểu dự Hội nghị tìm giải pháp triển khai Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, diễn ra sáng 22/1.

Lẫn lộn “rác” và văn hóa

Lấy ví dụ về một loạt hiện tượng phản cảm xảy ra trong thời gian gần đây như trường hợp bộ phim sitcom “Căn hộ 69”, hay cảnh giẫm đạp tại đầm sen Hồ Tây để ghi lại những hình ảnh nhức mắt, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái gọi đó là “sự sụp đổ về giá trị thẩm mỹ”. Nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng: Đã có những hiện tượng báo động khi tiêu cực xã hội gia tăng, hay những vụ án nghiêm trọng liên tiếp xảy ra. Ở đó không chỉ đơn thuần là sự “biến dạng” của nhân cách, mà là sự tan vỡ của nhiều hệ giá trị đạo đức truyền thống như quan hệ trong gia đình, quan hệ thầy trò và nhiều quan hệ xã hội khác.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Thực tế, nhiều người đang tiếp nhận ảnh hưởng văn hóa từ bên ngoài với thái độ lệch lạc, hào hứng “nhặt về” nhiều sản phẩm mà không biết được “rác” và văn hóa. Sự sụp đổ về thẩm mỹ sẽ gây hệ lụy khó lường, kéo theo sụp đổ một số giá trị tinh thần khác. Từ một góc nhìn khác, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái mong muốn ngành văn hóa có giải pháp chế ngự những vấn đề bức bối có thể tạo nên bi kịch, những khủng hoảng về các giá trị thẩm mỹ, có thể mang đến tổn thương cho xã hội.

Đúng như tinh thần của GS Trần Ngọc Vương, khoan hãy bàn đến giáo dục công chúng vì đó là câu chuyện dài cần lộ trình. Mà để ngăn chặn tình trạng suy thoái về văn hóa, trước hết nhà văn hóa phải làm khuôn mẫu, người cầm quyền phải ứng xử một cách có văn hóa đích thực. “Phải tạo ra bằng được nhữngkhuôn mẫu văn hóa của thời đại mới qua chính những mẫu người văn hóa” – GS Trần Ngọc Vương nhấn mạnh.

Vẫn là ý tưởng “trên trời”

Tại hội nghị sáng 22/1, không ít đại biểu thẳng thắn nhận xét rằng, mọi hiện tượng được coi là mặt trái xảy ra trong văn hóa, lỗi chính thuộc về cán bộ văn hóa. Năng lực quản lý, năng lực dự báo các vấn đề của ngành văn hóa gần như không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển. Theo bà Trần Thị Thanh Thảo – Phó Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ: “Đào tạo đội ngũ cán bộ cần một con đường dài”. Trước mắt, để nâng cao năng lực đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên, Bộ VHTT&DL đã chủ trương thay đổi hình thức đào tạo, thay vì đào tạo trong các trường cao đẳng, đại học, các nhà hát chèo, tuồng, cải lương đã có các lớp dạy diễn xuất ngay tại nhà hát.

 GS.TS Đinh Xuân Dũng (Hội đồng Lý luận T.Ư) chỉ ra rằng, lâu nay chúng ta rơi vào tình trạng bàn lý thuyết nhiều, đi vào thực tiễn thì không đến đâu, quá nhiều ý tưởng “trên trời”. Ông Dũng lấy ví dụ: Ý tưởng “nghệ sĩ chuyên nghiệp có thể sống và tiếp tục sáng tạo chủ yếu bằng nhuận bút” về cơ bản đã không trở thành hiện thực sau rất nhiều năm các Nghị quyết về văn hóa, văn học, nghệ thuật được ban hành. Một trong những lỗi của việc đưa ra ý tưởng cao sang này được nhà báo Quang Hưng (báo Thời Nay) nhận xét là vì “Các dự thảo của ngành ít khi đến được với báo chí. Khiếm khuyết bất cập chỉ được báo chí đề cập sau khi đã ban hành”. Trong khi đó, đã có bài học về sự thành công nếu ngành văn hóa phối hợp tốt với báo chí như việc di dời sư tử ngoại lai, thực hiện Nghị định 79/2014/NĐ-CP.

Không phủ nhận, Nghị quyết số 33-NQ/TW được ban hành tại Hội nghị lần thứ IX của Ban Chấp hành T.Ư Đảng khóa XI là một văn kiện có ý nghĩa chiến lược về văn hóa và con người Việt Nam, là bước phát triển quan trọng trong tư duy của Đảng, thể hiện quyết tâm của Đảng trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Tuy nhiên, chúng ta đang đứng trước quá nhiều thực trạng cần phải giải quyết. Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hồ Anh Tuấn cho rằng, sau hội nghị này, ngành văn hóa sẽ thực hiện từng hội nghị giải pháp chuyên đề để làm theo tinh thần của Nghị quyết một cách hiệu quả nhất với cuộc sống.