Nhằm hỗ trợ kịp thời cho các doanh nghiệp giữa giai đoạn dịch bệnh căng thẳng quản lý nhân sự để duy trì hoạt động, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP Hà Nội (Hanoisme) phối hợp cùng MISA tổ chức hội thảo trực tuyến với chủ đề “Quản trị nhân sự - Duy trì hiệu suất làm việc từ xa” ngày 18/8. Bài toán cấp thiết đã tạo nên sức nóng cho sự kiện và thu hút tới gần 1.000 các nhà quản lý, người làm nhân sự của các doanh nghiệp tham gia.
Quản trị doanh nghiệp bao gồm các hoạt động quản lý chuỗi cung ứng, kinh doanh, cơ sở sản xuất cho đến hoạt động của đội ngũ nhân sự, nên với điều kiện phải làm việc từ xa, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, các doanh nghiệp cần thay đổi tư duy, nắm bắt công nghệ... tự tạo cơ hội trong cuộc chơi công nghệ số, nhất là trong lúc ảnh hưởng của dịch càng minh chứng cho điều đó. Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh |
Thách thức không nhỏ
Từ thực tế của Cách mạng 4.0, các chuyên gia và doanh nghiệp tại tọa đàm đều cho rằng, các giải pháp về công nghệ sẽ là “lời giải” cho bài toán về quản trị doanh nghiệp và nhân sự.
Theo Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh, kể cả giai đoạn chưa có dịch bệnh cũng có rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp vấn đề trong quản trị nhân sự. Nhìn ở khía cạnh tích cực, Covid-19 tạo ra một bối cảnh mới, vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp chậm lại, nhìn nhận vấn đề trong bộ máy, trong quy trình quản trị và ứng dụng công nghệ để đổi mới tổ chức, tối ưu hiệu quả hoạt động.
Tại sự kiện, Chuyên gia nhân sự Phan Sơn - Giám đốc chuyên môn tại Học viện quản trị HRD Academy đã chỉ ra các thách thức khi làm việc từ xa. Bên cạnh việc bị ảnh hưởng bởi môi trường xung quanh, ông Sơn nhận định: “Những rào cản từ việc không có hệ thống quy trình, quy định, văn hóa doanh nghiệp và công cụ quản lý từ xa là thách thức lớn nhất cho tổ chức. Bởi trước Covid-19, hầu hết các doanh nghiệp Việt đều chưa có thói quen làm việc từ xa, tương tác hoàn toàn trên môi trường trực tuyến”.
Nhiều dẫn chứng cụ thể về hiệu quả duy trì hiệu suất trong bối cảnh ảnh hưởng của Covid-19. Ảnh: Hoàng Anh |
Thêm vào đó, giảm hiệu suất không phải nhân viên không làm được việc mà vấn đề nằm ở việc thiếu thông tin do khoảng cách giữa nhân viên với lãnh đạo và người làm nhân sự khiến thông tin truyền đạt thiếu sự đồng nhất, thông suốt và bị trễ. Bởi vậy, họ khó tiếp cận với mục tiêu của doanh nghiệp, bị rời rạc và thiếu sự tập trung hơn, gây ảnh hưởng đến hiệu suất và giảm sút về doanh số.
“Online hóa” đảm bảo năng suất
Theo diễn giả Phan Sơn, hiệu suất của nhân sự khi làm từ xa sẽ chịu tác động từ 4 yếu tố chính: Hệ thống quy trình, quy định; công nghệ, năng lực nhân viên; văn hóa doanh nghiệp và ảnh hưởng từ lãnh đạo. Trong đó, ông Sơn nhấn mạnh ứng dụng công cụ phần mềm quản lý và triển khai công việc là bước tiên quyết để vận hành doanh nghiệp từ xa. Bởi không thể tương tác trực tiếp thì chỉ khi sử dụng các ứng dụng mới đảm bảo tính kết nối để có sự gắn kết, tạo động lực làm việc cho nhân viên ngay trên môi trường số.
Chia sẻ kinh nghiệm của mình, Tổng Giám đốc Công ty CP MISA Đinh Thị Thúy cho rằng, bộ giải pháp quản lý nhân sự trên Nền tảng Quản trị doanh nghiệp hợp nhất MISA AMIS là công cụ để MISA vận hành doanh nghiệp từ xa với gần 2.500 nhân sự toàn quốc, đồng thời, đang giúp hơn 12.000 doanh nghiệp sử dụng để duy trì hiệu suất khi làm việc tại nhà.
“Quản lý nhân sự, Chính sách lương thưởng và phúc lợi, Tuyển dụng, Đào tạo và phát triển. Nhờ kết nối với các hệ thống nội bộ như quản lý bán hàng, kế toán… và tích hợp các đối tác thứ 3 như sàn tuyển dụng, cơ quan bảo hiểm xã hội/thuế… mà người làm công tác nhân sự có thể làm việc được ở bất cứ đâu” - Bà Thúy nhấn mạnh bộ giải pháp quản lý nhân sự của MISA được xây dựng với đầy đủ các mảng nghiệp vụ.
Đồng thời, hệ thống cũng tự động ghi nhận các dữ liệu liên quan như doanh số từng nhân viên, thông tin hồ sơ ứng viên/nhân viên, tính lương, thuế thu nhập… giúp người làm nhân sự tiết kiệm được tối đa thời gian.
Khi “online hóa” toàn bộ quy trình như vậy cũng mang tới trải nghiệm làm việc từ xa tốt nhất cho nhân viên. Việc báo cáo từ xa dễ dàng hơn, nhân viên được ghi nhận thành tích chính xác, khách quan và nhanh chóng. Nhà quản lý cũng nắm bắt được tiến độ chung của bộ phận, dễ phát hiện “điểm nóng” để xử lý kịp thời hơn.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng dễ dàng xây dựng văn hóa doanh nghiệp trên môi trường số nhờ những ứng dụng như AMIS mạng xã hội nội bộ doanh nghiệp. Đây chính là những công cụ không thể thiếu để không chỉ là quản lý mà còn là gắn kết nhân sự, đảm bảo duy trì hiệu suất trong bối cảnh làm việc từ xa như hiện nay.