Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Giải pháp về thuế và hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp năm 2022” được Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội (Sở KH&ĐT), Công ty CP Đào tạo và Phát triển nhân lực Dgroup tổ chức mới đây với mục đích đồng hành cùng các chủ doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn trong giai đoạn cấp thiết phục hồi và phát triển kinh tế.
Ưu đãi thuế hỗ trợ doanh nghiệp
TS. Phạm Minh Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tổng cục Thuế cho biết: “Giai đoạn 2020 – 2021 là thời điểm doanh nghiệp chịu tổn thất trong quá trình kinh doanh, giải pháp về thuế được gọi là giải pháp hỗ trợ. Tuy nhiên, năm 2022, trong một bối cảnh mới, chúng ta đã mở cửa các hoạt động, Chính phủ cũng đưa ra những biện pháp thiết thực hơn. Năm 2022, Quốc hội có kỳ họp thông qua Nghị quyết 43 rất đặc biệt áp dụng trong 2 năm 2022, 2023 có những giải pháp tài khóa, tiền tệ đầu tư, trong đó có giải pháp về thuế”.
Theo đó, có hai giải pháp chính: Một là, giảm thuế suất thuế GTGT áp dụng từ ngày 1/2 - 31/12/2022. Hai là, cho phép tính vào chi phí được trừ khi tính vào thuế thu nhập doanh nghiệp đối với những khoản chi tài trợ cho hoạt động hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.
Giảm 2% thuế GTGT cho những hàng hóa đang áp dụng thuế suất 10%. Trong năm 2021 có chính sách giảm thuế suất tương tự, Nghị quyết 406 và Nghị định 92 của Chính phủ là giảm thuế GTGT và giảm 3% thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng chỉ dành cho một số hàng hóa dịch vụ cụ thể. Sang năm 2022, giảm 2% thuế GTGT có một số nhóm ngành nghề loại trừ với những hàng hóa dịch vụ không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, cũng không cần giải pháp kích cầu, như: Viễn thông, công nghệ thông tin, bảo hiểm, bất động sản, khai khoáng,... Ngoài ra, chính sách giảm thuế không chỉ áp dụng với việc bán hàng trong nước mà còn ở cả khâu nhập khẩu.
Việc giảm thuế được kiểm soát dựa trên hóa đơn. Tuy nhiên, điều này cũng còn một số vướng mắc nhất định. Một số ngành nghề như siêu thị, trung tâm thương mại nếu lập nhiều loại hóa đơn khác nhau với các mức thuế suất khác nhau gây khó khăn cho doanh nghiệp. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ cũng đã đồng ý cho Bộ Tài chính chỉnh sửa. Với các hóa đơn lập với nhiều mức thuế suất khác nhau được chấp nhận cho giai đoạn áp dụng việc giảm thuế năm 2022. “Trong tháng 4 này các nội dung sửa đổi sẽ được hoàn thiện tạo điều kiện cho doanh nghiệp áp dụng dễ dàng” - TS. Phạm Minh Hiền nhấn mạnh.
Trên thực tế có một số trường hợp: Các doanh nghiệp ký hợp đồng đã bao gồm thuế kí trước thời điểm ngày 1/2/2022 thì lúc đó thuế suất vẫn là 10% nhưng sau khi có chính sách giảm thuế vẫn duy trì hợp đồng và thu từng đó tiền, nếu thanh toán với nhau theo giá trị hợp đồng thì đã cao hơn quy định. Do đó, TS. Phạm Minh Hiền khuyến cáo, bản thân doanh nghiệp cần có thỏa thuận với khách hàng về việc thu thuế GTGT và cơ quan thuế sẽ căn cứ vào đó để xem xét. Việc giảm thuế hiện tại mới chỉ có quyết định áp dụng cho năm 2022, bởi vậy doanh nghiệp cần nhanh chóng tận dụng tốt.
Cơ hội nhận miễn phí hóa đơn điện tử
Song song với các giải pháp thuế, theo TS. Phạm Minh Hiền, hóa đơn điện tử cũng được đẩy mạnh sử dụng trong công cuộc chuyển đổi số. Nghị định 123 quy định về hóa đơn điện tử không chỉ cơ quan thuế thực hiện mà tất cả các cơ quan cần thực hiện. Khi cơ quan quản lý thị trường kiểm tra sẽ được cấp một tài khoản để truy cập vào và xác định hàng hóa đi theo hóa đơn điện tử nào nên không cần chuyển sang hóa đơn giấy. Tất cả nội dung hóa đơn nằm trong cơ sở dữ liệu của cơ quan thuế có thể tra cứu khi có tài khoản.
Thời điểm lập hóa đơn theo việc phát sinh chuyển giao hàng hóa dịch vụ hoặc thu tiền theo quy định của pháp luật khi lập hóa đơn. Thời điểm ký số trong điều 10 quy định trong nghị định 123. “Một tờ hóa đơn phải có đầy đủ các nội dung, nhất là chữ kí của người bán thì mới có giá trị. Tuy nhiên, trong Nghị định 123 có quy định hóa đơn có thời điểm kí số khác với thời điểm lập thì thời điểm khai thuế là thời điểm lập hóa đơn” - TS. Phạm Minh Hiền nói.
Là đơn vị tiên phong mang đến các giải pháp chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hiện tại MobiFone đã xây dựng và triển khai thành công hóa đơn Điện tử Mobifone invoice, được Tổng cục Thuế chấp nhận theo Thông tư 78, truyền nhận dữ liệu. Phụ trách Giải pháp CNTT KHDN (Công ty dịch vụ MobiFone Khu vực 1) Nguyễn Quang Thành đã đưa ra các giải pháp phần mềm đồng hành chuyển đổi số trong doanh nghiệp của MobiFone.
Đó là, MobiFone tạo ra nhiều giải pháp thiết thực cho các doanh nghiệp như: Họp trực tuyến với các tính năng rất hữu ích bao gồm lên lịch, điểm danh, lấy ý kiến,… văn bản điện tử, quản lý công việc, lịch họp trong doanh nghiệp. Với sự đồng hành đó, trong suốt hơn 2 năm qua, MobiFone đã giúp cho hàng ngàn doanh nghiệp Việt tiếp tục duy trì được các kết nối giữa các thành viên và đạt được những bước chuyển biến tích cực.
Nhận định về những giải pháp mới này, CEO Lê Dung – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đào tạo và phát triển Nhân lực Dgroup chia sẻ: “Có cơ hội đi cùng rất nhiều doanh nghiệp trong thời gian qua và cũng là người trực tiếp dẫn dắt doanh nghiệp của mình, Lê Dung thấu hiểu về tất cả những gì mà chúng ta đang phải trải qua. Những giải pháp về thuế và hóa đơn điện tử trong năm 2022 chính là một trong những cơ hội chưa từng có để doanh nghiệp có thể khôi phục và từng bước phát triển. Áp dụng tốt những điều này, doanh nghiệp cũng chạm gần hơn đến với chuyển đổi số và hòa nhập vào nền kinh tế toàn cầu”.
Trưởng Phòng Ươm tạo và Phát triển doanh nghiệp, kiêm Giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp chế biến thực phẩm Hà Nội (Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội) Hồ Sỹ Thường thông tin, năm 2022, Trung tâm vẫn là đơn vị được UBND TP Hà Nội và Sở KH&ĐT giao đầu mối triển khai Chương trình hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số cho các doanh nghiệp thành lập mới: Hỗ trợ kinh phí dịch vụ chứng thực 1 chữ ký số và khởi tạo, cài đặt phần mềm hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới năm 2022. Trung tâm đã triển khai đấu thầu và lựa chọn đơn vị thực hiện hỗ trợ là Liên danh Tổng Công ty Dịch vụ viễn thông (Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông quân đội) – Công ty Cổ phần MISA – Công ty Cổ phần Bkav – Công ty TNHH hệ thống thông tin FPT (Liên danh VNPT VinaPhone – Viettel – MISA – BKAV – FIS).
Để nhận được hỗ trợ, ông Hồ Sỹ Thường cho biết, các doanh nghiệp có thể đăng ký: Tên doanh nghiệp; Mã số doanh nghiệp; Ngày cấp đăng ký doanh nghiệp; Địa chỉ trụ sở chính; Người đại diện theo pháp luật/người được ủy quyền; Điện thoại liên lạc; Địa chỉ email.
Nội dung hỗ trợ: Miễn phí gói dịch vụ chứng thực 1 chữ ký số cho doanh nghiệp trong năm đầu thành lập và hỗ trợ khởi tạo, cài đặt phần mềm hóa đơn điện tử kèm 500 hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp thành lập mới năm 2022. Để kích hoạt sử dụng dịch vụ và hoàn thiện hồ sơ, doanh nghiệp có thể liên hệ: 024.22.158.258.