Đó là chia sẻ của Giám đốc Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội Hoàng Thị Hòa với báo Kinh tế & Đô thị.
Lắp camera quan sát ruộng đồng
Bà đánh giá như thế nào về tính ưu việt, lợi ích của ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp?
- Ứng dụng công nghệ vào quản lý vùng sản xuất có ưu điểm khắc phục tình hình bất cập trong quản lý chất lượng nông sản; minh bạch hóa sản phẩm, chống gian lận tiêu chuẩn, quy trình, trà trộn sản phẩm thông thường với các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, hữu cơ.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ vào quản lý vùng sản xuất tạo ra sản phẩm an toàn chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo tính công khai, minh bạch trong quá trình sản xuất, tạo lòng tin cho người tiêu dùng.
Tôi nói đơn cử như tính minh bạch của sản phẩm ứng dụng công nghệ có sự quản lý của nhà nước, thể hiện qua việc thay nhật ký giấy thủ công bằng nhật ký điện tử kết hợp camera hiện trường. Phương thức này cho phép kiểm chứng công khai bất kỳ công đoạn nào trong quá trình sản xuất.
Đặc biệt, người tiêu dùng, chủ hợp đồng tiêu thụ có thể tiếp cận thông tin minh bạch từ xa về sản phẩm qua nhật ký điện tử, qua thông tin về cơ sở, minh chứng sản phẩm an toàn. Các cơ sở sản xuất được chứng nhận cơ sở đủ tiêu chuẩn sản xuất an toàn, hữu cơ, tuân thủ tiêu chuẩn, quy trình, không có dư lượng độc hại trong sản phẩm và được cấp tem Qr Code eGap chứng nhận, xác thực chất lượng.
Đối với người sản xuất có công cụ để minh bạch chất lượng sản phẩm, được kết nối thị trường và được thị trường tín nhiệm, được hướng dẫn, nhắc nhở quy trình kỹ thuật, các cảnh báo thời tiết, thiên tai, sâu bệnh qua các phương tiện công nghệ. Về phía cơ quan quản lý nhà nước nắm rõ tiến độ, tình hình diễn biến thực tế sản xuất, tiêu chuẩn sản xuất, quy mô, tiến độ, năng suất, sản lượng.
Vậy trong năm 2022, Trung tâm Phát triển nông nghiệp Hà Nội đã triển khai ứng dụng công nghệ 4.0 vào thực tế sản xuất trên địa bàn TP ra sao, thưa bà?
- Năm 2022, Trung tâm tiếp tục phối hợp cùng Liên hiệp hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam đưa công nghệ 4.0 vào quản lý vùng sản xuất lúa hữu cơ tại Hợp tác xã Nông nghiệp hữu cơ Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) trên quy mô 20ha. Quản lý, giám sát vùng trồng bằng camera tự động, cập nhật quy trình sản xuất bằng sổ nhật ký điện tử đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Với công nghệ này, chứng minh khả năng quản lý, giám sát chuỗi sản xuất lúa hữu cơ theo thời gian thực tới tận hộ, lô sản xuất, từ các khâu vật tư, giống đầu vào, quá trình canh tác cho tới khi thu hoạch có sự giám sát, xác thực của bên thứ 3, của cơ quan quản lý nhà nước.
Tôi cũng xin nhấn mạnh về hiệu quả ứng dụng công nghệ trong sản xuất lúa hữu cơ tại Nam Phương Tiến. Địa phương này có điều kiện sinh thái rất tốt, gần núi nên đảm bảo nguồn nước sạch. Năng suất lúa hữu cơ qua các vụ đạt trung bình 5,6 - 5,8 tấn/ha. Canh tác lúa hữu cơ cho giá trị kinh tế cao gấp 2 lần so với canh tác lúa thông thường, cho thu lãi đến cả chục triệu đồng/ha/năm. Sản xuất lúa hữu cơ không chỉ giúp người nông dân tăng thu nhập mà còn góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.
Song song với đưa công nghệ vào sản xuất, chúng tôi đã kết nối với DN để tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Bằng hình thức bán thóc tươi tại bờ ngay sau khi thu hoạch, nông dân không phải lo khâu phơi sấy, sơ chế, bảo quản và vơi nỗi lo “được mùa, mất giá”.
Phun thuốc trừ sâu bằng máy bay không người lái
Thưa bà, biến đổi khí hậu ngày càng ảnh hưởng rõ rệt đến sản xuất nông nghiệp, gây thiệt hại không nhỏ cho người nông dân. Trước thực tế này, Trung tâm đã triển khai những giải pháp gì để hỗ trợ nông dân ứng phó, giảm thiểu rủi ro?
- Thực tế, biến đổi khí hậu thể hiện không chỉ về diễn biến thời tiết bất thường cực đoan mà còn là các đối tượng sâu bệnh hại phát sinh phát triển mạnh, không tuân theo quy luật.
Chẳng hạn như năm 2022, sâu cuốn lá nhỏ và sâu đục thân 2 chấm phát sinh gây hại mạnh trên lúa vụ Mùa và liên tục gối lứa kết hợp thời tiết mưa nắng xen kẽ kéo dài, đã gây khó khăn không nhỏ trong công tác phòng trừ dịch hại.
Trung tâm đã chỉ đạo cán bộ chỉ đạo kỹ thuật thường xuyên bám sát mô hình, điều tra theo dõi tình hình diễn biến sâu bệnh hại trên đồng ruộng. Trong năm 2022, Trung tâm đã phát hành 4 hướng dẫn kỹ thuật và 12 thông báo tình hình sâu bênh hại và hướng dẫn phòng trừ sâu bệnh cho các điểm sản xuất.
Để công tác phòng trừ dịch hại đạt hiệu quả cao, Trung tâm đã phối hợp với các hợp tác xã lựa chọn đơn vị cung cấp dịch vụ phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái để phun thuốc phòng trừ dịch hại. Khi điều tra sâu bệnh đến ngưỡng phòng trừ, tiến hành tổ chức phun thuốc bằng máy. Cụ thể, Trung tâm đã tổ chức triển khai phun thuốc bảo vệ thực vật bằng máy bay không người lái cho 890 ha lúa tại 13 hợp tác xã, thuộc 5 huyện: Thanh Oai, Thạch Thất, Phúc Thọ, Mê Linh, Sóc Sơn.
Kết quả ứng dụng công nghệ phun thuốc BVTV bằng máy bay không người lái vừa tiết kiệm được chi phí nhân công, an toàn cho người lao động, thời gian phun thuốc tập trung và đúng thời điểm nên hiệu quả phòng trừ sâu bệnh rất cao. Nông dân các địa phương rất phấn khởi vì vừa được hưởng 50% chi phí phòng trừ dịch hại, vừa phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả cao, năng suất, sản lượng cây trồng được đảm bảo.
Xin trân trọng cảm ơn bà!
Sau sản xuất lúa hữu cơ, Trung tâm sẽ tiếp tục phối hợp cùng Liên hiệp hợp tác xã Kinh tế số Việt Nam đưa công nghệ 4.0 vào quản lý vùng sản xuất khoai tây, đỗ tương hữu cơ. Dự kiến các mô hình này sẽ mang lại giá trị kinh tế cao gấp 5 lần so với sản xuất lúa hữu cơ.