Tuy nhiên, muốn tạo đột phá để hút khách quốc tế, việc mở rộng thị trường được miễn visa vào Việt Nam vẫn là “át chủ bài”.
Tạo sự đột phá
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ 1/1/2017, Việt Nam sẽ thí điểm cấp visa điện tử trong vòng 2 năm. Theo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, toàn bộ quá trình từ nộp hồ sơ, xem xét giải quyết và thông báo kết quả cấp thị thực đều thực hiện bằng phương tiện điện tử. Theo Bộ Công an, cấp thị thực điện tử sẽ tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí, tiết kiệm thời gian cho người nước ngoài, cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh; thuận lợi cho người nước ngoài vào Việt Nam, nhất là góp phần phát triển du lịch, thu hút đầu tư.
|
Khách nước ngoài làm thủ tục tại sân bay quốc tế Nội Bài. Ảnh: Phạm Hùng |
Ở góc độ nhà quản lý, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho rằng, quy định này sẽ đem đến “lợi ích kép” cho du lịch. Bởi người muốn xin cấp thị thực vào Việt Nam không cần có thư mời như trước đây sẽ tạo thuận lợi cho du khách, doanh nhân muốn đến tham quan, tìm hiểu các cơ hội hợp tác kinh tế tại Việt Nam mà không có người bảo lãnh. Thứ hai, công dân có hộ chiếu hợp pháp từ các nước muốn đến Việt Nam đều có thể đăng ký làm visa trực tiếp qua mạng. Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam có thể trực tiếp cấp thị thực cho người nước ngoài vào Việt Nam. Việc cấp thị thực điện tử sẽ không cần sự hiện diện trực tiếp của người muốn được cấp thị thực, lệ phí được trả thông qua các tài khoản ngân hàng. “Điều này giảm thiểu nhiều thủ tục hành chính trong quá trình xin cấp thị thực đối với người đang ở nước ngoài, tạo sự minh bạch, tạo thuận lợi cho khách muốn nhập cảnh vào Việt Nam” - ông Tuấn phân tích.
Miễn visa mới là “át chủ bài”
Đánh giá về tiện ích khi cấp visa điện tử, Giám đốc Công ty Du lịch Hàng không Việt Nam (Avitour) Nguyễn Trung Quân nhìn nhận: Đây là bước đi đột phá, là một trong những giải pháp thể hiện sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ để giúp du lịch phát triển. “Đứng ở góc độ DN, tôi thấy đề xuất này rất thuận lợi cho du lịch. Đó là, thời gian cấp visa điện tử được tiến hành trong 3 ngày; thời hạn của visa điện tử là 30 ngày và gần như không bị giới hạn bởi thị trường. Du khách muốn đến Việt Nam không cần thư mời vẫn được làm thủ tục xin cấp visa. Nhờ đó, DN sẽ giảm được nhiều chi phí và nhân sự cho việc làm visa cho khách. Thủ tục làm visa đơn giản là một trong những yếu tố thu hút khách quốc tế đến Việt Nam. Vì thế, có thể thấy, những nút thắt cơ bản về chính sách visa đã được gỡ bỏ” - ông Quân phân tích.
Đồng quan điểm đó, song Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, áp dụng visa điện tử có thể giúp thu hút du khách từ những nước chưa được miễn visa vào Việt Nam. Tuy nhiên, không nên kỳ vọng quá lớn, vì trong lượng khách đến Việt Nam vẫn có những đối tượng không phù hợp với visa điện tử như: Chưa quen sử dụng internet hoặc thích được cấp visa giấy. Bên cạnh đó, việc cấp visa điện tử chỉ là công cụ cho khách tiếp cận dễ dàng hơn chứ không thể thay thế “át chủ bài” là miễn visa để thu hút du khách.
Theo ông Bình, để tạo thuận lợi hơn nữa cho du lịch, Chính phủ cần tiếp tục mở rộng các thị trường được miễn visa vào Việt Nam. Bởi dù áp dụng visa điện tử, mức độ cạnh tranh và thuận lợi vẫn chưa thể sánh với những quốc gia đã “mở toang” cửa để đón khách. Chẳng hạn, Thái Lan đã miễn visa cho 58 nước, Malaysia: 158 nước, Philippines: 168 nước, Indonesia: 169 nước... Cùng với cấp visa điện tử, ông Quân cho rằng: “Tới đây, Việt Nam cũng nên thực hiện cấp hộ chiếu điện tử. Bởi khi có hộ chiếu điện tử, việc làm visa điện tử và di chuyển tới các nước cũng đơn giản hơn”.