Theo số liệu của Sở NN&PTNT Hà Nội, hiện nay Hà Nội có hơn 157.000ha đất sản xuất nông nghiệp. Giai đoạn từ năm 2014 - 2017, lượng thuốc BVTV được sử dụng trên địa bàn TP chỉ bằng 25 - 30% so với bình quân toàn quốc. Cụ thể, lượng thuốc BVTV sử dụng cho 1ha sản xuất nông nghiệp trung bình từ 1,6 - 2kg. Nhờ đó, Hà Nội tiết kiệm được khoảng 200 tỷ đồng/năm. Có những địa phương sử dụng ít thuốc BVTV hoặc không sử dụng thuốc phòng trừ sâu, bệnh như: Thanh Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ, Ứng Hòa, Thường Tín, Phú Xuyên… đã giúp giảm chi phí sản xuất, bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm an toàn cung ứng cho người tiêu dùng.Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV Hà Nội Lê Xuân Trường cho biết, thời gian qua, để hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp, Chi cục đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đơn cử như, tổ chức các lớp đào tạo giảng viên, lớp học đồng ruộng, hội nghị đầu bờ nhằm nâng cao kiến thức, kỹ năng canh tác, nhận thức về hệ sinh thái cho nông dân. Trong đó, cốt lõi là tổ chức lớp học đồng ruộng về quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), hệ thống thâm canh lúa cải tiến (SRI) trên lúa, rau, hoa, quả cho nông dân.Đến nay, Chi cục đã tổ chức được 5.011 lớp học đồng ruộng về IPM cho hơn 124.000 nông dân. Đồng thời, triển khai được 205 mô hình SRI với diện tích hơn 4.200ha. Thực tế cho thấy, việc tham gia các lớp học đồng ruộng về IPM còn có ý nghĩa tích cực tác động làm thay đổi nhận thức và tập quán canh tác của nông dân. Hiện, toàn TP có khoảng 60% diện tích ứng dụng từng phần và toàn phần SRI, hơn 5.000ha rau được chứng nhận đủ điều kiện sản xuất hơn 5.000ha, rau hữu cơ hơn 50ha. Qua đó vừa giúp giảm lượng giống, phân bón, thuốc BVTV, nước tưới vừa giảm chi phí, tăng năng suất, nâng cao hiệu quả canh tác.Bên cạnh đó, Chi cục BVTV chú trọng công tác dự tính, dự báo chính xác, phối hợp địa phương hướng dẫn bà con nông dân sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “sáu đúng” (đúng địa điểm, đúng thời điểm, đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng nồng độ, đúng cách và đúng thời gian cách ly). Các trạm BVTV thường xuyên tham mưu cho UBND cấp huyện, xã thành lập các tổ liên ngành kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp, rau, hoa, quả để xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm.