Tuy nhiên, cả cách tiếp cận giải pháp cho những vấn đề kinh tế - xã hội lẫn mục đích và cấu trúc của chương trình này đều không khác gì nhiều so với vô số chương trình tương tự đã được thực hiện ở Nhật Bản từ một vài thập kỷ nay.
Nhật Bản đang phải đối phó với những thách thức lớn như giảm phát và đồng nội tệ mạnh, nợ công rất cao và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế giảm, môi trường kinh tế đối ngoại không thuận lợi và các cuộc cải cách xã hội trì trệ.
Tuy mức độ nợ công hiện đã lên tới 240% GDP và hơn một nửa ngân sách Nhà nước hàng năm phải dùng để trả nợ, ông Abe vẫn cho rằng giải pháp chỉ có thể là tiếp tục vay nợ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Logic suy tính của ông Abe là có tăng trưởng kinh tế thì mới có thu nhập và thu thuế, nhờ đó mới có thể trả nợ.
Với chương trình mới trên, ông Abe hy vọng sẽ tạo ra 600.000 chỗ làm mới và đạt mức độ tăng trưởng kinh tế 2%. Ông Abe không chỉ lần theo lối mòn cũ với kế hoạch kích cầu này, mà còn cả trong cách thức tìm kiếm nguồn tài chính cho chương trình đó.
Theo những gì đã được ông Abe tuyên cáo, Chính phủ sẽ buộc Ngân hàng T.Ư Nhật Bản phải đồng hành và chấp nhận mất bớt tính độc lập về chức năng. Ngân hàng này phải tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ lỏng lẻo, lãi suất cơ bản thấp, giúp Chính phủ phát hành trái phiếu Nhà nước mới và can thiệp để làm cho đồng nội tệ yếu đi.
Hệ luỵ không tránh khỏi là mức độ nợ công sẽ còn tăng. Ngoài ra, chương trình như vậy không có tác dụng lâu dài mà chỉ trong thời gian nhất định. Cho nên không ai dám chắc là lợi sẽ nhiều hơn hại. Xem ra, ông Abe chưa tìm ra được lối đi mới nên buộc phải tin vào lối mòn cũ.