Ít ngày nay, rộ lên trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội những tranh luận về việc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị UBND TP Hà Nội và Cục Đường sắt Việt Nam xử lý dứt điểm tình trạng buôn bán, chụp ảnh tại các tụ điểm cà phê đường tàu cũng như quyết định của UBND quận Hoàn Kiếm tạm đóng cửa “phố cà phê đường tàu”, thu hồi giấy phép các hộ kinh doanh vi phạm hành lang an toàn đường sắt.
Việc đóng cửa “phố cà phê đường tàu” nhận được những ý kiến trái chiều. Trong khi các chuyên gia giao thông cho rằng cần quyết liệt dẹp bỏ hàng quán quanh khu vực này để đảm bảo an toàn đường sắt thì chuyên gia du lịch, đại diện các đơn vị lữ hành lại mong muốn tìm ra phương án phát triển sản phẩm du lịch phố đường tàu. Trên mạng xã hội còn xuất hiện những ý kiến của một số người phản bác quyết định trên với những lời lẽ khá nặng nề, thậm chí xúc phạm các cơ quan chức năng khi họ thực thi nhiệm vụ.
Đây không phải lần đầu tiên câu chuyện này được bàn thảo. Tháng 10/2019, UBND TP Hà Nội cũng đã yêu cầu xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường sắt, ngăn chặn, giải tán các điểm tụ tập đông người, uống cà phê trong lòng đường sắt. Với yêu cầu này, các quán cà phê tại đây đã buộc phải đóng cửa. Tiếp đó, ảnh hưởng của dịch Covid-19 cũng khiến khu vực này trở về vẻ bình lặng vốn có.
Tuy nhiên, mấy tháng trở lại đây, phố đường tàu hoạt động sầm uất trở lại, là một trong những điểm đến thu hút du khách quốc tế. Một số tờ báo, trang du lịch nổi tiếng quốc tế đã bình chọn đây là điểm đến độc đáo, không thể bỏ qua tại Hà Nội.
Như vậy, mặc dù có lệnh cấm, các hoạt động của phố cà phê đường tàu vẫn ngang nhiên tồn tại, thậm chí còn sầm uất hơn xưa. Dù có biện hộ thế nào, đây cũng là một biểu hiện của sự coi thường pháp luật, xem thường kỷ cương phép nước, trong khi chúng ta luôn nhắc đến khẩu hiệu thượng tôn pháp luật.
Để diễn ra tình trạng nhờn luật này, thẳng thắn mà nói, ngoài sự lơ là của chính quyền các cấp, không thể không nói đến trách nhiệm của truyền thông. Không phải ngẫu nhiên mà du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài tìm đến tụ điểm này.
Có một thực tế là không ít cơ quan báo chí đã vô tình cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật này bằng những hình ảnh, bài viết đầy tính “hấp dẫn” như kiểu “Khách Tây đội mưa, đổ bộ phố đường tàu Hà Nội “săn” khoảnh khắc tàu qua phố” hay “Phố đường tàu đông kín khách du lịch ngày cuối tuần”, “Khách Tây thất vọng khi phố cà phê đường tàu bị đóng”… Những tin, bài, ảnh kiểu này vô hình trung đã tạo dư luận không tích cực, thậm chí có thể coi là khuyến khích các hành vi xem thường pháp luật. Vậy phải chăng lỗi một phần cũng tại truyền thông?
Cần nhớ là với các tuyến đường sắt đang khai thác, bất kỳ hành vi nào ảnh hưởng đến hành lang an toàn chạy tàu đều phạm luật. Ở một góc độ khác, một chuyên gia về quản lý đô thị nhận xét: Khách du lịch có thể thấy lạ vì tò mò, nhưng việc mở quán cà phê hay buôn bán trên đường ray thực sự rất nguy hiểm, khó có thể xem là một nét văn hóa!
Về phía các cơ quan chức năng, ông Nguyễn Anh Quân - Phó Chủ tịch Thường trực UBND quận Hoàn Kiếm chia sẻ: Nhu cầu mưu sinh của người dân là nhu cầu tất yếu. Thu hút khách du lịch cũng là nhiệm vụ quan trọng của quận Hoàn Kiếm.
Tuy nhiên, chúng ta phải lấy luật pháp làm tôn chỉ. Những hành vi đi lại, thậm chí nằm trên đường ray không chỉ tiềm ẩn nguy hiểm, mất an toàn đường sắt mà còn là hình ảnh xấu, ảnh hưởng quá trình tuyên truyền pháp luật!
Chính quyền đã thấy rõ và kiên quyết khắc phục tình trạng lộn xộn trên phố đường tàu. Hy vọng rằng các cơ quan truyền thông cũng sẽ thấy trách nhiệm của mình, ủng hộ quan điểm trên, cũng là góp phần chữa dứt căn bệnh nhờn luật lâu nay dường như đã trở thành mãn tính!