Cụ thể, dù doanh thu thuần 3 tháng đầu năm tăng 10% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.564 tỷ đồng, giá vốn hàng bán của Habeco lại tăng với tốc độ cao hơn là 18%. Điều này khiến lợi nhuận gộp của doanh nghiệp giảm 13%, xuống còn 334 tỷ đồng.
Ảnh minh họa |
Trong văn bản giải trình về việc lợi nhuận quý I giảm mạnh, ban lãnh đạo Habeco thừa nhận một trong những nguyên nhân là sản lượng tiêu thụ của công ty bị sụt giảm so với cùng kỳ 2018.
Năm 2019, Habeco đặt mục tiêu lợi nhuận sau thuế thấp kỷ lục trong một thập kỷ qua, ở mức 310 tỷ đồng. Sau 3 tháng đầu năm, Habeco đã hoàn thành 21% chỉ tiêu lợi nhuận.
Trong thực tế, bức tranh kinh doanh "ảm đạm" của Habeco đã kéo dài một thời gian. 5 năm qua, lợi nhuận sau thuế của Habeco giảm dần đều. Năm 2014, Habeco thu lãi 1.101 tỷ đồng nhưng kết thúc năm 2018, lợi nhuận doanh nghiệp đã giảm hơn một nửa, chỉ còn 484 tỷ đồng.
Theo Sách trắng 2019 của Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), có 4 công ty sản xuất bia lớn đang chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam là Habeco, Sabeco, Heineken N.V và Nhà máy bia Huế, cùng chia nhau nắm giữ 90% thị phần.
Năm 2018, Thai Beverage đã chi đến 4,84 tỉ USD để mua Sabeco, giữ quyền kiểm soát các nhãn hiệu bia Việt lâu đời như Bia Sài Gòn và 333.
Hiện tại, mã SAB của Sabeco đang dẫn đầu thị trường về giá giao dịch, ghi nhận ở thời điểm giao dịch hiện tại là 249.000 đồng/cổ phiếu. Còn mã BHN của Habeco đang giao dịch ở mức giá 86.000 đồng/cổ phiếu.