KTĐT - Các ngân hàng vẫn phải đứng trước một áp lực là lợi ích của các cổ đông, thay vì một con số nặng về tính khả thi và an toàn.
Có những cỗ máy đang tiến gần về đích. Nhưng cũng có những ngân hàng sẽ phải chờ đến phút cuối để xác định có hoàn thành kế hoạch lợi nhuận hay không.
Đã gần hết tháng 10 nhưng số ngân hàng công bố kết quả kinh doanh quý 3 và 9 tháng đầu năm chỉ đếm trên đầu ngón tay; số có báo cáo tài chính cụ thể lại càng ít.
Trong những trường hợp đã hé mở đó, một thực tế đã có trong năm 2009 đang có khả năng lặp lại.
Đường phía trước còn xa
Khá đều đặn, Ngân hàng Thương mại Cổ phần An Bình (ABBank) là thành viên cập nhật sớm kết quả lợi nhuận qua mỗi tháng. Có thể yếu tố thuận lợi trong kết quả là một động lực để công bố.
Sau 9 tháng đầu năm, ABBank đã đạt 546,2 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Hồi đầu năm, chỉ tiêu lợi nhuận của ngân hàng này trình đại hội cổ đông là 580 tỷ đồng và được ban lãnh đạo nâng lên 630 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận trước thuế tính đến hết tháng 9/2010 đã đạt 86,7% kế hoạch cả năm, tăng 94,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một thành viên khác cũng cập nhật khá đều thời gian gần đây là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đại Dương (OceanBank). Theo thông báo ngày 15/10 vừa qua, năm 2010 OceanBank đặt kế hoạch thu 520 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, và lũy kế 9 tháng đầu năm đã đạt 530 tỷ đồng.
Chưa cập nhật kết quả tháng 9, nhưng thông báo trước đó của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Quân đội (MB) cũng cho biết đã hoàn thành 77% kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm (1.700 tỷ đồng) sau 7 tháng…
Những trường hợp trên đã vượt hoặc đang thuận lợi trong việc hoàn thành kế hoạch lợi nhuận năm 2010. Ngược lại, đến lúc này, một quãng đường dài vẫn đang đợi những thành viên khác, khi thời gian còn lại chỉ 3 tháng.
Năm 2010 là năm khá đặc biệt đối với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Việt (Navibank): thực hiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu và tăng 200% vốn điều lệ. Đi cùng với tăng vốn, báo cáo tài chính hợp nhất vừa công bố cho thấy lợi nhuận sau thuế quý 3/2010 của Navibank tăng mạnh so với cùng kỳ 2009, đạt 58,2 tỷ đồng, tăng tới 175%.
Thế nhưng, lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của Navibank mới đạt 113,54 tỷ đồng, tức mới chỉ hoàn thành 43,16% kế hoạch cả năm 2010 (263,039 tỷ đồng, theo như giới thiệu trong bản cáo bạch).
Cuối tuần qua, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á châu (ACB) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3/2010. Điểm nổi bật trong báo cáo này là nhiều nguồn thu cơ bản trong quý 3 và lũy kế 9 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm 2009; lợi nhuận sau thuế theo đó giảm nhẹ trong cùng so sánh.
Theo báo cáo, 9 tháng đầu năm, tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của ACB đạt 2.000,684 tỷ đồng. Kết quả này tương ứng với việc thực hiện được 55,5% kế hoạch cả năm (3.600 tỷ đồng theo nghị quyết đại hội cổ đông thông qua ngày 10/4/2010). Khoảng 44,5% còn lại của kế hoạch là một thách thức, khi dồn cho 3 tháng cuối năm.
Tương tự, quãng đường lợi nhuận vẫn còn dài đối với Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank). Thông tin công bố đầu tháng này cho biết, tổng lợi nhuận trước thuế 9 tháng đầu của DongA Bank (không bao gồm các công ty trực thuộc ) là 515,36 tỷ đồng, ứng với thực hiện lũy kế so với kế hoạch năm 2010 mới chỉ là 46,85%.
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi trong năm 2009, đến “phút cuối” cả ACB lẫn DongA Bank mới hoàn thành suýt soát kế hoạch (cùng đạt 105% kế hoạch lợi nhuận trước thuế).
Kế hoạch là tương đối?
Không chỉ riêng Navibank, ACB hay DongA Bank, hẳn còn những thành viên khác cũng đang đứng trước thách thức lấp đầy kế hoạch lợi nhuận năm nay. 3 tháng còn lại liệu sẽ có một sự đột phá thần kỳ, hay có những khoản “của để dành” lộ diện, hay yếu tố “mùa vụ” như thường thấy vào cuối năm…? Câu trả lời còn ở phía trước.
Còn nhìn lại thời gian qua, thực tế việc thực hiện kế hoạch của các ngân hàng có nhiều trở ngại.
Trong báo cáo hồi đầu năm, ACB cũng đã nhận thấy 2010 sẽ là một năm khó khăn trong hoạt động; “các nghiệp vụ kinh doanh đặc trưng của ngân hàng phần nào bị thu hẹp, khả năng tăng trưởng mạng lưới hoạt động bị giời hạn trong khi các loại rủi ro đều gia tăng (thanh khoản, tỷ giá, pháp lý, vận hành)”.
Thực tế, có thể nhận thấy những lường định đó đã thể hiện rõ ở nguồn thu từ kinh doanh vàng và ngoại hối (với sự kiện trong năm - đóng cửa các sàn giao dịch vàng), từ hoạt động dịch vụ, từ đầu tư chứng khoán, hay ngay cả từ nguồn thu nhập cổ tức ở các khoản góp vốn mua cổ phần… Sự sụt giảm của những nguồn thu cơ bản này đều dễ nhận thấy đều đặn ở báo cáo kết quả kinh doanh quý 1, 2 rồi 3 ở nhiều thành viên.
Một giải pháp trọng tâm mà các ngân hàng đưa ra là nâng cao cả chất lượng và số lượng tăng trưởng tín dụng để tăng thu từ lãi. Nhưng, bên cạnh tỷ lệ lãi biên chật hẹp, tăng trưởng tín dụng cũng gặp khó khăn khi diễn biến chung chậm chạp kéo dài từ đầu năm, thay vì mạnh như năm 2009.
Ngay cả với ACB, một ngân hàng có dịch vụ phát triển mạnh trong thời gian qua cũng đặt giải pháp cải tổ hoạt động thẻ để gia tăng thị phần và tăng nguồn thu dịch vụ. Thế nhưng, cũng trong năm 2010, thị trường này chứng kiến áp lực cạnh tranh lớn dần từ sự nhập cuộc của những thành viên mới.
Ở “rủi ro” pháp lý, năm 2010 nổi bật là sự chật vật của nhiều thành viên trong việc thực hiện những yêu cầu đặt ra trong Thông tư 13 và Điều 9 của Quyết định 493 - những chính sách tăng điều kiện an toàn hoạt động có ảnh hưởng lớn đến nguồn vốn các ngân hàng…
Tất nhiên, kế hoạch lợi nhuận là tương đối. Thông thường, các con số đưa ra để định hướng cho các nỗ lực, cân đối các chỉ số và trong đó đã lường định các yếu tố cơ hội, rủi ro hoạt động trong năm.
Nhưng qua năm 2009 và thực tế 2010 đang dần định hình, liệu chỉ tiêu kế hoạch năm tới của nhiều thành viên sẽ càng thận trọng hơn? Dù thế, các ngân hàng vẫn phải đứng trước một áp lực là lợi ích của các cổ đông, thay vì một con số nặng về tính khả thi và an toàn.