Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lợi nhuận ngân hàng năm 2020 khả quan

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, song hoạt động của ngành ngân hàng (NH) năm 2020 vẫn được đánh giá có nhiều gam màu sáng.

Khách hàng giao dịch tại VIB, chi nhánh Hà Nội. Ảnh: Trần Việt
Vượt chỉ tiêu đề ra
Ngày đầu năm 2021, TPBank là NH đầu tiên công bố kết quả kinh doanh 2020. Kết thúc 2020, tổng tài sản của NH đạt 206.316 tỷ đồng, tăng 24,47% so với năm 2019 và vượt hơn 14% kế hoạch năm. Tổng huy động đạt 184.953 tỷ đồng, tăng 25,15% so với năm trước, trong khi dư nợ tăng trưởng khá cao so với toàn ngành. Tổng thu nhập hoạt động năm 2020 được ghi nhận ở mức 10.368 tỷ đồng, tăng 22,4% so với năm 2019. Nhờ tiết giảm chi phí, hưởng lợi từ ngân hàng số nên dù gặp nhiều tác động từ dịch Covid-19 và giảm lãi suất để chia sẻ khó khăn với khách hàng, lợi nhuận trước thuế của TPBank vẫn tăng 11% so với năm trước và vượt gần 8% so với kế hoạch. NH duy trì được hiệu quả kinh doanh cao khi chỉ số ROA và ROE tương ứng là 1,89% và 29,5%...

Ngoài ra, Sacombank, VIB, LienVietPostBank cũng cho hay đã sớm hoàn thành và vượt chỉ tiêu lợi nhuận năm 2020. Như VIB đạt 4.560 tỷ đồng trước thuế sau 10 tháng, chính thức hoàn thành 100% chỉ tiêu đưa ra, vượt mức lợi nhuận đạt được của cả năm 2019 là 4.080 tỷ đồng. Thậm chí, sau 9 tháng năm 2020, LienVietPostBank đạt lợi nhuận trước thuế 1.741 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2019 và vượt chỉ tiêu đề ra cho cả năm... Tổng Giám đốc ABBank Lê Hải cho biết, với số liệu sơ bộ cập nhật vào cuối tháng 11, trong năm nay NH sẽ vượt xa các chỉ tiêu kinh doanh đã được đại hội đồng cổ đông thông qua và đang sẵn bắt nhịp khi nền kinh tế bước vào giai đoạn phục hồi. Hết tháng 11/2020, ABBank đạt 1.378 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, hoàn thành 101% kế hoạch lợi nhuận 2020. RoE đạt 18,28%; RoA đạt 1,6%; chỉ số an toàn vốn CAR đạt 10,64%. Tại MSB, sau 11 tháng của năm 2020, lợi nhuận trước thuế đạt 2.302 tỷ đồng, tăng 116% so với cùng kỳ và vượt 60% kế hoạch năm.

Trước đó, trong ngày chốt cuối cùng của 2020, SHB cho biết, đã hoàn tất 3 trụ cột của Hiệp ước vốn Basel II trước thời hạn. Với mốc này, SHB không chỉ đáp ứng các yêu cầu về tỷ lệ an toàn vốn mà còn đáp ứng các yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế. LienVietPostBank cũng kịp hoàn thành 3 trụ cột của Hiệp ước vốn Basel II trước thời hạn vào 31/12/2020. HDBank cũng hoàn thành sớm cả 3 trụ cột của Basel II về hệ thống quản trị NH theo chuẩn mực quốc tế. NH này cũng vừa hoàn thành tăng vốn lên hơn 16.088 tỷ đồng thông qua chi trả cổ tức và cổ phiếu thưởng.

Rủi ro nợ xấu, lãi suất khó giảm sâu

Lợi nhuận tốt, tăng cường quản trị, niêm yết trên sàn chứng khoán… tiếp tục là xu hướng của NH trong 2020. Bên cạnh đó, dòng chảy số hóa tiếp tục sẽ được đẩy mạnh. Tại Vietcombank, nợ xấu tính đến cuối quý III/2020 đã tăng 36% so với đầu năm, lên gần 7.885 tỷ đồng buộc NH mạnh tay trích lập dự phòng. Nợ xấu của NH MB cũng tăng hơn 39% lên 4.036 tỷ đồng, khiến tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay tăng từ 1,16% lên 1,5%. BIDV cũng tăng trích lập dự phòng để xóa nợ 4.600 tỷ đồng trong quý III/2020, tăng 84,7% so với quý II và tăng 42% so với cùng kỳ 2019.

Các chuyên gia cũng cho rằng, quý III và quý IV/2020 sẽ là thời điểm ngành NH “ngấm đòn” tác động của dịch Covid-19, thách thức, khó khăn lớn nhất sẽ là vấn đề nợ xấu nhưng việc xử lý nợ xấu được dự báo sẽ gặp khó khăn hơn do tác động của đại dịch Covid-19. Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, tổng nợ xấu của 14/16 NHTM đã tăng khoảng 30% sau 9 tháng năm 2020 và dự báo sẽ còn tăng nếu nền kinh tế còn chịu tác động của đại dịch Covid-19.

Rủi ro nợ xấu của các NH vẫn còn hiện hữu và có thể bộc lộ rõ hơn trong năm 2021 và ngành NH vẫn nặng gánh nợ xấu trích lập dự phòng rủi ro được Fitch Ratings nhận định sẽ tiếp tục tăng do khủng hoảng dịch kéo dài. Điều này đồng nghĩa lãi suất sẽ khó giảm sâu trong năm 2021.

Nhiều DN cho hay đang rơi vào tình trạng lãi vay giảm không tương xứng với lãi suất huy động vì NH đã chốt chặn "lãi suất sàn". Hiểu nôm na là lãi suất sau thời gian cố định, chẳng hạn 3 tháng, sẽ được tính lại dựa trên lãi suất huy động cộng với biên độ dao động từ 3,5 - 4,5%/năm nhưng lại không được thấp hơn mức sàn lãi suất cho vay hiện tại. Do vậy muốn hưởng lãi suất thấp hơn, DN buộc phải xoay được dòng tiền để trả nợ trước hạn, nếu không đành chịu lãi suất cao.
Nếu dịch Covid-19 được kiểm soát tốt trên thế giới, Việt Nam sẽ có cơ sở có một năm phục hồi mạnh hơn, trong đó, NH vốn đang được xem là một trong những lĩnh vực sáng giá sẽ có sự tăng trưởng tốt trong năm 2021 và ngược lại. Tuy nhiên, nguy cơ nợ xấu tiềm ẩn nhiều rủi ro cho hệ thống NH gia tăng.

Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu