Lợi nhuận trước thuế của MSB đạt trên 974 tỷ đồng

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dù chịu ảnh hưởng nhất định của Covid-19, trong 6 tháng đầu năm, tuy nhiên Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) đạt lợi nhuận trước thuế đạt trên 974 tỷ đồng, tăng gần 72% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận trước thuế của MSB đạt trên 974 tỷ đồng. Ảnh minh họa

Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất 6 tháng đầu năm 2020 sau kiểm toán. Theo đó, kết quả kinh doanh hợp nhất 6 tháng đầu năm sau kiểm toán của ngân hàng này cho thấy, dù chịu ảnh hưởng từ Covid-19, MSB vẫn bứt phá về kinh doanh khi lợi nhuận trước thuế đạt trên 974 tỷ đồng, tăng gần 72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 774 tỷ đồng, tăng 66%. Tổng tài sản gần 165.000 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái. Động lực chính đến từ định hướng chiến lược rõ ràng cùng cơ cấu nguồn vốn tốt.

Cơ cấu nguồn vốn của ngân hàng ghi nhận sự tăng trưởng tiền gửi không kỳ hạn (CASA) khá ấn tượng, lần lượt tăng 26% và 12% so với cùng kỳ năm trước và cuối năm 2019.

Tỷ trọng CASA trên tổng tiền gửi khách hàng đạt trên 21%, có xu hướng tiếp tục tăng nhờ các chiến lược sản phẩm kinh doanh linh hoạt. Nguồn vốn từ CASA và việc cơ cấu hiệu quả nguồn vốn huy động là nhân tố quan trọng giúp MSB giảm chi phí vốn và đem lại sự tăng trưởng trong tổng thu nhập thuần từ lãi và phí của ngân hàng 6 tháng đầu năm 2020.

Tổng thu thuần trong 2 quý đạt 3.022 tỷ đồng, tăng gần 67% so với cùng kỳ, trong đó lãi thuần và thu nhập từ phí đạt gần 1.978 tỷ đồng và 326 tỷ đồng, tăng lần lượt 68% và 73% so với cùng kỳ năm trước.

Với tổng thu nhập thuần tăng trưởng tốt, chỉ số chi phí trên doanh thu (CIR) của nhà băng này đã giảm còn 51,6% so với mức 53% của cả năm 2019. Các chỉ số thể hiện hiệu quả hoạt động ngân hàng như ROAE, ROAA cho 4 quý gần nhất đều ghi nhận mức tăng trưởng khoảng 23% so với số liệu cả năm 2019.

Tiếp tục bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, MSB đã triển khai gói vay 7.000 tỷ, các chương trình miễn giảm phí giao dịch cũng như chính sách tín dụng phù hợp để hỗ trợ khách hàng, đồng hành vượt qua khó khăn do đại dịch.

Việc triển khai đồng loạt các giải pháp đã mang tới kết quả kinh doanh tích cực. Cụ thể, sau 6 tháng đầu năm, cho vay khách hàng của MSB đạt trên 70 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 26% so với cùng kỳ 2019 và hơn 10% so với cuối năm 2019. Trong khi đó, tiền gửi khách hàng đạt hơn 83 nghìn tỷ, tăng gần 22% so với cùng kỳ.

Bên cạnh các giải pháp tài chính hữu ích, MSB cũng tích cực triển khai việc cơ cấu nhóm nợ, điều chỉnh thời gian trả nợ và lãi theo Thông tư 01 của NHNN. MSB đánh giá đây là giải pháp hỗ trợ hiệu quả để khách hàng cá nhân và khách hàng doanh nghiệp có thể dần tháo gỡ nút thắt trong hoạt động, cùng khách hàng vượt qua thời kỳ khó khăn này.

Tỷ lệ nợ xấu giảm so với quý I/2020 và giữ ở mức 1,74%. Việc giảm này là do tổng dư nợ tín dụng tăng nhanh trong quý II, đồng thời ngân hàng áp dụng triển khai các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát chặt nhằm hạn chế tối đa nợ xấu phát sinh.

Hoạt động xử lý nợ trái phiếu đặc biệt VAMC cũng được MSB tập trung ưu tiên xử lý. Tính đến hết tháng 6/2020, tổng mệnh giá trái phiếu VAMC đã giảm 63% so với cùng kỳ năm trước và giảm 23% so với cuối năm 2019, cho thấy những nỗ lực của MSB trong việc hoàn thành mục tiêu tất toán các khoản nợ tại VAMC trong năm nay.

Bên cạnh hoạt động kinh doanh, MSB cũng tập trung đầu tư phát triển công nghệ để tăng tốc trên hành trình chuyển đổi số. MSB chú trọng vào việc không ngừng nâng cao trải nghiệm cho khách hàng thông qua việc nâng cấp và cải tiến kênh giao dịch hiện đại như: Internet Banking, Mobile Banking, thúc đẩy thanh toán qua QR Code, Samsung Pay, Contactless bên cạnh việc dùng thẻ, ưu tiên triển khai phương thức xác thực thông minh bằng sinh trắc học, soft token…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần