Lỗi ở chính mình

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chị khóc, chị nói là anh độc ác, anh đã chán chị, không còn thương chị, anh đã có người khác nên không thiết gì đến nhà cửa...

Anh nghe mà thấy vừa buồn, vừa bực, anh chỉ mong chị hiểu thật rõ câu người ta vẫn nói "Đàn bà xây tổ ấm". 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Không ít lần anh đã thẳng thắn chia sẻ với chị là anh cần một người vợ biết chăm lo cho chồng con, biết tổ chức cuộc sống gia đình, chứ không phải một người vợ chỉ biết nói, nói từ trong nhà ra đến ngoài ngõ. Để rồi mỗi tối chồng về, thay vì được ngồi bên vợ bên con ăn một bữa cơm, anh lại phải nghe chị giảng giải, than phiền rằng chồng đã hết yêu vợ, không thông cảm và hiểu cho những cống hiến của vợ cho ngôi nhà này, đi làm về chẳng bao giờ giúp vợ một tay, mình vợ phải đảm đương mọi việc. Anh cũng biết, chị vốn xuất thân là con một trong gia đình khá giả, chẳng phải đụng chân đụng tay làm việc gì nên khá lười nhác và luộm thuộm. Bởi thế, căn nhà dù không lớn, nhưng lúc nào cũng bừa bộn, lộn xộn.

Anh cũng biết công việc nội trợ không nhẹ nhàng gì, nhưng anh đi làm cũng đâu phải chỉ là ngồi điều hòa, vắt chân chữ ngũ để cuối tháng nhận lương. Đổ mồ hôi sôi nước mắt, vắt óc suy nghĩ, vất vả vậy mà về đến tổ ấm, tưởng được nghỉ ngơi, nhưng chị lại muốn anh phải chia sẻ việc nhà. Đành rằng đó cũng là việc chung, nhưng trước hết chị nên cố gắng hết sức làm tròn công việc của mình đã, bởi có việc không ai làm thay được, anh có giúp cũng chỉ mang tính hỗ trợ.

Từ ngày lấy nhau, chị chưa từng đi làm. Anh bảo chị đi học kiếm cái nghề để đi làm cho đỡ buồn, chị lại bảo làm kinh doanh mới mau giàu. Anh cũng đồng ý, nhưng cửa hàng thì chưa mở được, vốn liếng chị cũng làm tiêu tan hết. Rồi nghe lời mọi người, chị chấp nhận ở nhà làm nội trợ, yên tâm sinh đẻ rồi nuôi con... Nhưng từ ngày con trai ra đời, chị thấy mình oai và lấy làm hãnh diện. Chị coi như thế là đủ rồi, tiền nuôi con đã có bố mẹ cho, trông con thì cũng đã có bà lo. Ngày ngày chị hết lang thang mua sắm, ngó nghiêng phố phường, đến rủ bạn bè quán xá buôn chuyện. Nhà cửa, chồng con với chị dường như không phải là mối bận tâm.

Thằng bé con cứng cáp, bà ngoại bảo bà phải về chăm ông, bà khuyên chị nên gửi con để đi kiếm việc mà làm. Chị quyết tâm lắm, làm gì cũng đươc, miễn có tiền nuôi con. Chị cũng xin đi làm nhân viên văn phòng, nhưng không quen việc, không quen thời gian, chỉ được hai tháng mệt mỏi, căng thẳng, nhà cửa thì như cái nhà hoang, thằng bé cũng không còn được bà trông non yếu hẳn đi. Chị lại xin nghỉ việc về nhà và tiếp tục lối sống cũ, cứ gửi con đi lớp là chị lang thang, vui vẻ khắp các nơi chỉ có nhà mình là bỏ quên. Không những thế, chị còn ghen bóng ghen gió với các mối quan hệ của anh. Mối quan hệ gì không bằng lòng là chị ca thán đến khi nào chồng nhận lỗi mới thôi, có những chuyện không có gì đáng phải ầm ĩ, nhưng chị cứ nói cho sướng miệng. Anh ái ngại với gia đình mình và với mọi người. Mọi chuyện đúng hay sai thì cuối cùng anh cũng phải là người xin lỗi, còn chị thì không bao giờ thừa nhận sai lầm của mình.

Lúc đầu anh cũng nhẹ nhàng khuyên bảo, nhưng mãi chẳng thấy vợ tiến bộ anh đành đổi chiến thuật hai vợ chồng cùng làm nhưng cuối cùng chỉ có mỗi anh trở thành "ông nội trợ đảm đang". Hết cách, anh chẳng thèm quan tâm nữa. Cuối giờ làm, anh tìm những niềm vui bên bạn bè ở những quán nhậu. Bởi anh đã chán cảnh nhìn nhà cửa bừa bộn, bị vợ ca thán. Anh tự hỏi không biết chị có hiểu được rằng trước khi trách người khác hãy nhìn lại chính mình.

Mỗi khi về nhà, nhìn đứa con mới 2 tuổi ngủ ngon lành, anh thấy thương con vô hạn. Biết mình lấy "nhầm" vợ, nhưng chẳng nhẽ lại ly dị. Mấy lần viết đơn nhưng rồi anh lại xé. Anh chưa bao giờ hết yêu chị, nhưng anh không thể yêu được cái cách sống này, cái tổ ấm toang hoác chị tạo ra. Anh chỉ mong chị bớt than phiền và hiểu rằng, ngôi nhà không thể trở thành mái ấm nếu không có bàn tay chu toàn của người phụ nữ.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần