Lợi thế nghề dệt thảm Phụng Thượng

Bài, ảnh: Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ưu tiên phát triển nghề dệt thảm ở Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ là một hướng đi đúng trong việc nâng cao thu nhập và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Nghề dệt thảm xuất hiện ở Phụng Thượng khoảng 30 năm trở lại đây. Nghề này có nhiều ưu điểm như tận dụng được phế liệu của ngành may mặc (vải vụn, vải tồn kho, sợi nỉ, mút, cao su…), có thể làm thêm tại nhà, phù hợp với nhiều lao động, nhiều lứa tuổi. Đặc biệt quan trọng hơn cả là người làm nghề không cần vốn lớn… Chính những ưu điểm trên đã thu hút đông đảo người dân ở Phụng Thượng tham gia. Chỉ từ những miếng vải vụn hay những miếng đệm, mút… qua bàn tay khéo léo của người thợ đã biến thành những sản phẩm hữu dụng trong sinh hoạt mà bất cứ gia đình nào cũng cần.

Chị Trần Thị Khẩn, thôn Tây, Phụng Thượng đang may thảm tại gia đình.

Thảm Phụng Thượng hiện nay khá phong phú và đa dạng, cả về chủng loại, mẫu mã. Nếu phân loại theo cách làm thì có các loại thảm dệt, thảm cuốn, thảm may. Còn phân theo mục đích sử dụng thì có thảm sàn, thảm cầu thang, thảm chùi chân, thảm lót xoong nồi… Để tạo nét thẩm mỹ, người Phụng Thượng đã cải tiến thiết kế thảm với nhiều màu sắc, hình dáng khác nhau như thảm hình tròn, hình chữ nhật, hình trái tim… Hiện nay, sản phẩm của làng nghề đã có chỗ đứng vững chắc và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường cả nước. Để nâng cao hiệu quả của làng nghề, nhiều cơ sở ở địa phương đã đứng ra cung ứng nguyên liệu, thu mua bao tiêu sản phẩm, tất cả tạo thành một quy trình khép kín.Chị Cấn Thị Thìn, một hộ chuyên cung ứng các loại nguyên liệu cho làng nghề chia sẻ, nguyên liệu làm thảm khá rẻ, một số loại thảm có thể tận dụng được phế liệu của ngành dệt may. Có những loại nguyên liệu có giá chỉ từ 5.000 - 6.000 đồng/kg. Do nguyên liệu đầu vào thấp nên một số loại thảm của làng nghề có giá chỉ từ 3.000 - 12.000 đồng/chiếc. Khi đưa ra thị trường, ngoài những ưu điểm về chất lượng, mẫu mã, sản phẩm của Phụng Thượng còn có tính cạnh tranh cao về giá cả, vì vậy đầu ra của sản phẩm khá thuận lợi.Do nghề làm thảm khá đơn giản nên chỉ cần lao động chính đi học nghề, sau đó có thể về truyền dạy cho các thành viên còn lại trong gia đình. Lao động chính thường đảm nhận công đoạn may, các em nhỏ pha cắt nguyên liệu, còn những người già không sử dụng được máy có thể làm các loại thảm cuộn.Trong một cửa hàng tạp hóa nhỏ, chị Trần Thị Khẩn, thôn Tây tận dụng đặt 2 chiếc máy để may thảm. Đang trong dịp nghỉ hè nên cả hai con chị đều tham gia giúp mẹ làm nghề. Cậu con trai mới 8 tuổi ngồi cặm cụi cắt những mảnh vải vụn, cô chị lớn hơn thì tay thoăn thoắt may những chiếc thảm đủ màu sắc. “Làm nghề này mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu, mà thu nhập cũng khá” - chị Khẩn vui vẻ nói.Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Thượng Vũ Văn Hanh cho biết, Phụng Thượng vốn là một xã thuần nông. Trước đây, cuộc sống của người dân chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp, nên thu nhập rất thấp và không ổn định. Sự ra đời của nghề dệt thảm chính là cơ hội giúp địa phương giải quyết được nhiều vấn đề. Đó là giải quyết việc làm cho người dân, nâng cao thu nhập, ổn định đời sống, giúp người dân “ly nông mà không ly hương”. Hiện nay, toàn xã có khoảng 150 hộ sản xuất thảm, thu hút hàng trăm lao động tham gia, với đủ các lứa tuổi. Với lao động thường xuyên có thể thu nhập từ 100.000 - 120.000 đồng/người/ngày. Đối với những lao động làm tranh thủ cũng thu nhập khoảng 2 triệu đồng/người/tháng. Nhờ phát triển nghề phụ mà đời sống vật chất, tinh thần của người dân Phụng Thượng ngày một nâng cao. Hiện, mức thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 26,5 triệu đồng/năm. Theo ông Hanh, để làng nghề phát triển và phát huy hết tiềm năng, tới đây, chính quyền xã sẽ tăng cường mở các lớp dạy nghề, quảng bá giới thiệu sản phẩm… Ngoài ra, xã cũng đã xây dựng đề án phát triển điểm tiểu thủ công nghiệp, để tạo điều kiện cho các DN phát triển, mở rộng sản xuất.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần