Lối thoát cho khủng hoảng?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau gần 2 tháng chìm trong khủng hoảng vì không thành lập được Chính phủ, thế bế tắc trên chính trường Italia hứa hẹn sẽ được giải quyết sau khi ông Giorgio Napolitano chấp nhận tiếp tục đảm nhiệm cương vị Tổng thống.

Đúng như cam kết, nhà lãnh đạo cao tuổi bậc nhất châu Âu này đã chấm dứt tình trạng "Chính phủ treo" bằng cách chỉ định chính trị gia cánh tả Enrico Letta, 47 tuổi làm Thủ tướng.

Từ hôm 25/4, ông Letta thuộc đảng Dân chủ (PD) đã bắt đầu tiến hành các cuộc đàm phán với các đảng khác để thành lập Chính phủ liên minh tinh gọn, dự kiến gồm 18 Bộ trưởng giàu kinh nghiệm. Chính phủ mới được dự đoán sẽ bao gồm các chính trị gia lão luyện từ đảng PD, Đảng Nhân dân Tự do (PDL) của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, cùng nhóm ôn hòa của Thủ tướng tiền nhiệm Mario Monti. Nếu đàm phán thành công, Chính phủ liên minh sẽ phải vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Quốc hội vào đầu tuần tới.

Lối thoát cho khủng hoảng? - Ảnh 1

Thủ tướng được chỉ định Enrico Letta phải giải quyết bài toán thành lập Chính phủ liên minh.

Phát biểu trên cương vị Thủ tướng mới của Italia, ông Letta nhấn mạnh sẽ không cố gắng thành lập Chính phủ "bằng mọi giá", đồng thời cảnh báo nếu các đảng không chịu thỏa hiệp, ông sẽ rút lui. Theo tân Thủ tướng Italia, nền kinh tế lớn thứ 3 của khu vực đồng tiền chung châu Âu đang phải đối mặt với một tình huống không thể chấp nhận được trong khi Chính phủ phải trả lời những câu hỏi cấp bách về việc làm, đói nghèo và khủng hoảng. Thủ tướng Letta cũng khẳng định sẽ lựa chọn một nhóm các Bộ trưởng, bao gồm một nhóm chính trị gia và các nhà kỹ trị, theo hướng dẫn của Tổng thống Napolitano nhằm đưa Italia vượt qua các vấn đề nghiêm trọng về nợ công và tăng trưởng chậm hiện nay. Chính phủ mới sẽ chủ yếu nhận được sự ủng hộ của đảng cánh tả PD và đảng PDL của cựu Thủ tướng Silvio Berlusconi, người trước đó kiên quyết không hợp tác với 2 đảng còn lại để thành lập Chính phủ mới.

Tuy đã nhận được sự hậu thuẫn từ hai chính đảng lớn nhất là PDL và PD nhưng nỗ lực thành lập Chính phủ liên minh của ông Letta vẫn đang vấp phải sự phản đối của đảng "Phong trào 5 sao" (M5S) lớn thứ ba trong Quốc hội. Đại diện của PDL cũng phát đi thông điệp nếu muốn nhận được sự ủng hộ của đảng này trong việc thành lập đại liên minh, ông Letta phải cam kết dành các ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và cắt giảm thuế.

Với bề dày hoạt động chính trị và có nhiều bạn bè trên chính trường cũng như với cương vị là cháu của ông Gianni Letta, người từng là lãnh đạo của cựu Thủ tướng Berlusconi, nhiều người tin tưởng ông Letta sẽ phá vỡ được thế bế tắc chính trị kéo dài suốt gần 3 tháng qua của Italia.