Bưu điện chuyển tới món quà từ Quảng Trị thân thương: Cuốn “Về bến sông xưa” với lời đề tặng thân tình của tác giả, nhà báo Trương Đức Minh Tứ. Vì cuốn sách đến đúng dịp, nên tôi cứ mặc nhiên coi đó là món quà sinh nhật của mình, khi bước sang tuổi 69, năm Nhâm Dần này.
Cầm cuốn sách được xuất bản nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng Quảng Trị trên tay, bao kỷ niệm chợt ùa về. Vậy là đã 50 năm, kể từ ngày tôi cùng mấy thằng bạn đồng hương Hà Nội, cùng ra đi từ mái trường cấp III Thăng Long, tổ chức lễ sinh nhật tuổi 18 ở mảnh đất đang bời bời bom đạn. Mấy cái kẹo Hải Hà, bao thuốc Tam Đảo… dành dụm từ đợt phát nhu yếu phẩm trước ngày vào chiến trường, thêm bát chè xanh… đã thành một bữa tiệc sinh nhật nho nhỏ mà ấm cúng.
Mấy nhành hoa giấy tím đỏ, cắm trong vỏ đạn pháo 37 làm bữa tiệc sinh nhật trang trọng hẳn lên. Lính Hà Nội là thế, dù chỉ một khoảnh khắc bình yên giữa bom rơi đạn nổ vẫn tổ chức sinh nhật, và sinh nhật không thể không có hoa. Cả lũ đang gõ bát nghêu ngao hát, bỗng một đứa thắc thỏm: Mùa này Hà Nội đang rộ hoa loa kèn. Không khí chợt lắng xuống, nghe rõ cả tiếng thằng OV10 đang vo ve săm soi đôi bờ sông Hiếu.
Đây không phải lần đầu tôi nhận được sách tặng của Tứ. Còn nhớ, lần nhận và đọc cuốn “Dòng sông ký ức”, xuất bản nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Giải phóng Quảng Trị, tôi đã bày tỏ trong một bài viết: Đọc Trương Đức Minh Tứ, có cảm nhận như đang được một người bạn tâm tình, dắt tay đi giữa đất trời Quảng Trị…
Có vẻ như càng ngày, người bạn ấy của tôi càng đằm thắm hơn. Sự đằm thắm làm nên sức hấp dẫn của từng trang sách. Dù là ở phần chân dung nhân vật hay trong bút ký dài hơi “Về bến sông xưa”, chất văn thủ thỉ tâm tình mà dường như có lửa của Tứ vẫn cuốn hút, cho người đọc những cảm xúc chân thực, sâu sắc mà không kém phần lãng mạn về mảnh đất, con người Quảng Trị.
Chân thành mà nói, tôi có chút e ngại, sự e ngại của một gã bạch đinh được xếp nhầm chỗ, vào chiếu các cụ tiên chỉ giữa chốn đình trung, khi được Tứ dành cho ít trang trong cuốn sách, bên những tên tuổi lẫy lừng trong làng văn, làng báo như nhà báo lão thành Phan Quang, bậc đàn anh Ngô Thảo, những cây bút nổi tiếng như Văn Công Hùng, Lê Bá Dương…
Nếu có điểm chung nào đó thì là sự gắn bó ít nhiều, là tình yêu tha thiết với Quảng Trị, cũng là bởi có được sự quý mến của tác giả, một cây bút gạo cội của Quảng Trị. Dù đã từng đọc, biết đến các tên tuổi lẫy lừng ấy, nhưng qua các chân dung mà Tứ tạo dựng, tôi được thấy họ dưới góc độ khác, được soi chiếu từ tình yêu, sự gắn bó với Quảng Trị, dù là người sinh ra trên mảnh đất này hay từ nơi khác tới. Và tôi thấy đồng cảm với tâm tình sâu nặng ấy.
Ví như một chia sẻ của nhà thơ Văn Công Hùng: “Chả hiểu sao Đông Hà với tôi cứ như là tiền định. Lần nào về tới Huế rồi cũng ngứa ngáy muốn chạy ngay ra Đông Hà. Tôi đã có nhiều lần chạy xe máy từ Huế ra Đông Hà như thế, có khi dưới mưa như trút nước, có khi nắng nhòe trời, có lần chạy xe máy ra đến lúc về đường vợi xa lại vác cả xe máy lên xe đò quay lại….”.
Hay như của Nguyễn Minh Châu: “Cái mảnh đất Quảng Trị gần như tôi si mê nó, hình như trong con người tôi và mảnh đất ấy có chung một sợi dây thần kinh mà hễ cứ chạm đến đấy thì cả con người tôi rung lên. Tôi đã gắn bó với nó - quê hương chiến tranh và khổ ải ấy - hơn cả với quê mình”.
Không dám so sánh, nhưng quả thật, mỗi năm không về được Quảng Trị một lần, thấy lòng như bứt rứt không yên. Và không bao giờ để lỡ khi có thể về lại vùng đất mà tôi đã coi là quê hương thứ hai của mình ấy.
Thú thực, mang tiếng là lính Quảng Trị năm 1972, nhưng thời gian xông pha bom đạn của tôi không nhiều, chỉ gói gọn trong một mùa Hè đỏ lửa. Chỉ ngần ấy thời gian, song lại rơi vào những thời điểm đáng nhớ với mọi cung bậc của cảm xúc, nên để lại trong tôi những ấn tượng khó phai. Đó là lần đầu tiên gặp biển, mà lại là biển Cửa Tùng – “Nữ hoàng của các bãi biển”.
Là sinh nhật lần thứ 18, thay cho hoa loa kèn trắng của Hà Nội là những bông hoa giấy đất Cam Lộ thắm đỏ, nồng nàn như lửa. Là những chuyến đưa phà đầu tiên qua Cửa Tùng dưới ánh pháo sáng tưởng như rõ từng ngọn cỏ, là lần đầu tận mắt thấy đồng đội hy sinh để rồi chính mình cũng chỉ tránh được lưỡi hái tử thần trong gang tấc.
Và không chỉ có thế, đó còn là ấn tượng của những khoảnh khắc bình yên hiếm hoi trong chiến tranh, những lúc đầm mình trong làn nước xanh trong mát lành của dòng Hiếu đôi bờ rợp bóng tre xanh mướt, là bát canh măng cay xè mà đậm đà nhận từ cô gái con bác chủ nhà, cả sự bối rối khi lần đầu chợt nhận ra mình vừa ngắm vẻ đẹp lồ lộ của người con gái với ánh mắt một người đàn ông…
Có lẽ những trải nghiệm ấy khiến tôi đọc những trang viết “Về bến sông xưa” với một sự thấu cảm sâu sắc, niềm say mê không dứt nổi. Lại một lần nữa, tôi như được bạn mình dắt tay đi giữa đất trời Quảng Trị, với những góc nhìn khác hơn, xa hơn, sâu hơn về mảnh đất, con người, quá khứ, hiện tại và cả tương lai của vùng đất đầy nắng và gió này…
Mỗi phần của cuốn sách, chân dung các nhà báo, nhà văn Phan Quang, Ngô Thảo, Văn Công Hùng… hay bút ký “Về bến sông xưa” với biết bao nhân vật, từ người cha thân yêu đến người thầy đầu tiên sau ngày giải phóng, từ bạn bè thời cấp III, một thời Văn khoa Đại học Tổng hợp Huế đến những tình yêu đầu đời… tất cả đều thấm đượm một tình yêu mộc mạc, chân thành mà sâu nặng.
Thân thiết với nhau nhiều năm, tôi vẫn luôn thích cái giọng thủ thỉ, nhẹ nhàng của Tứ, cả khi nhậu cùng nhau lẫn trong văn chương, báo chí. Trong “Về bến sông xưa” cũng vậy. Vẫn thủ thỉ, tâm tình nhưng trong những trang viết ấy như có lửa. Lửa của chàng sinh viên cùng bạn bè vượt qua những cam go thời bao cấp đói cơm, rách áo mà vẫn đầy chất hào hoa.
Lửa của chàng trai Quảng Trị lập nghiệp nơi cao nguyên đại ngàn, lửa của những tình cảm anh em, bạn bè, đồng nghiệp và tình yêu đôi lứa. Và hòa quyện, xuyên suốt là ngọn lửa của tình yêu quê hương, niềm đam mê nghề nghiệp, ý thức trách nhiệm của người làm báo, sự yêu thương cái đẹp đẽ, tốt lành, căm ghét những gì xấu xa, độc ác.
Như tác giả chia sẻ: “Nhớ về ký ức tuổi hoa niên hay một thời Văn khoa, chặng đường hơn 30 năm dấn thân nghề báo, cũng là cách để tôi tìm chiếc vé thông hành trở về bến sông xưa.
Trải qua những thăng trầm của cuộc đời với bao được - mất - buồn - vui, tôi vẫn tường minh, xin cảm ơn cuộc đời. Ngày đã qua, dù êm đềm hay giông bão đều cho ta những ký ức xanh tươi, là hành trang mang theo để còn có thể đi tiếp về phía cuối con đường…”.
Có lẽ, ngọn lửa ẩn trong cái mạch văn thủ thỉ, tâm tình ấy đã lôi cuốn người đọc, tạo dựng một sức hấp dẫn, dẫu cho những trang viết của Tứ đôi lúc còn nguyên sự thô tháp của đời sống, không hề cầu kỳ, gọt rũa…
Hà Nội, 4/2022