Lòng dân là điểm tựa vững chắc nhất

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 74 năm, thành công của Cách mạng tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2019) vẫn để lại nhiều bài học lịch sử quý giá. Bài học lớn nhất vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay chính là phải có những hành động cụ thể để củng cố niềm tin, tập hợp và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân.

Toàn cảnh cuộc mít tinh tại Nhà hát lớn tháng 8/1945. Ảnh tư liệu
Sức mạnh toàn dân
Những ngày mùa Thu tháng Tám của 74 năm về trước, từ Khu Giải phóng Tân Trào, lệnh Tổng Khởi nghĩa đã được truyền đi khắp cả nước. Từ Hà Nội cũng như cả nước, hơn 20 triệu người dân Việt Nam đã đứng lên khởi nghĩa, làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám, giành chính quyền về tay Nhân dân. Thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng tháng Tám đã thể hiện sức mạnh của lòng dân, sức mạnh đại đoàn kết, lấy dân làm gốc. Bài học này tiếp tục được vận dụng trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và xây dựng đất nước thời kỳ đổi mới, hội nhập.
Cần khẳng định ta làm hợp lòng dân thì dân tin và chế độ ta còn, Đảng ta còn. Ngược lại, nếu làm cái gì trái lòng dân, để mất niềm tin là mất tất cả.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng

Như GS.TS Mạch Quang Thắng (Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh) khẳng định, để đi đến Cách mạng tháng Tám, Đảng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng suốt 15 năm cả về đường lối với sự ra đời của Đảng năm 1930, cả tổng diễn tập 1930 - 1931, cao trào cách mạng Xô Viết - Nghệ Tĩnh, chuẩn bị cả khôi phục năm 1931 - 1935, chuẩn bị cả cao trào 1936 - 1939 và đặc biệt 1939 -1945. Chuẩn bị chớp thời cơ, nắm tình thế cách mạng, chuẩn bị chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, chuẩn bị các mặt, phát động phong trào, kết hợp sức mạnh dân tộc, sức mạnh quốc tế. Đó là sự chuẩn bị rất kỳ công.

Sau khi lệnh tổng khởi nghĩa được phát đi và được toàn thể Nhân dân đồng tình hưởng ứng. Sáng ngày 19/8, hàng chục vạn người tiến về Quảng trường Nhà hát Lớn Hà Nội. Cuộc mít tinh trở thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm Phủ Khâm sai Bắc Kỳ, trại lính bảo an và các cơ sở của chính phủ bù nhìn, đánh dấu một mốc son trong dòng chảy lịch sử.

Cách mạng tháng Tám thành công dẫn đến sự ra đời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa là thắng lợi vĩ đại của Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đồng thời là sự kiện có tầm vóc thời đại, có ý nghĩa quốc tế sâu sắc; là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với các dân tộc thuộc địa, Nhân dân bị áp bức, bóc lột trên thế giới vùng lên đấu tranh giành độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

Trong những bài học lịch sử từ Cách mạng tháng Tám, bài học lớn nhất, sau này chi phối toàn bộ tiến trình cách mạng, 30 năm kháng chiến, xây dựng chủ nghĩa xã hội, hơn 30 năm đổi mới, chính là bài học về phát huy sức mạnh của đại đoàn kết toàn dân, dựa vào dân, đúng như Bác Hồ đã nói: "Sự nghiệp cách mạng bắt đầu từ dân, cuối cùng cũng vì dân". Trên cơ sở lợi ích, nhu cầu, nguyện vọng của Nhân dân để tổ chức, tập hợp họ vùng lên đấu tranh “lấy sức ta giải phóng cho ta”.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) nhận định: Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước nồng nàn, bản lĩnh, trí tuệ và ý chí quật cường của dân tộc ta được kế thừa, phát huy lên tầm cao mới trong cuộc đấu tranh do Đảng ta tổ chức và lãnh đạo. Đây là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn, sự lãnh đạo sáng suốt, tầm nhìn chiến lược, sự nhạy bén tạo thời cơ và chớp thời cơ ngàn năm có một, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tiếp tục củng cố niềm tin

Trong thời đại ngày nay, những bài học của Cách mạng tháng Tám vẫn còn vẹn nguyên giá trị, trong đó có bài học về xây dựng Đảng. Theo phân tích của các nhà nghiên cứu, hiện chúng ta có khoảng gần 5 triệu đảng viên, gấp 10 lần so với năm 1945, người dân cũng có trình độ nhận thức cao hơn, vậy làm sao uy tín của Đảng thuyết phục người dân là vấn đề đặt ra. Chúng ta phải soi lại những bài học từ lịch sử, nhìn nhận trong bối cảnh hiện tại khi đất nước đang đổi mới và hội nhập, Đảng không những phải phát huy những kinh nghiệm đã có, mà còn phải luôn xây dựng và chỉnh đốn, giữ trong sạch, vững mạnh, đổi mới và sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, để xứng đáng với vai trò tiền phong. Khi dân đã tin, sẽ ủng hộ hết lòng, đó là điểm tựa vững chắc nhất để cùng với Đảng xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.

Bài học về huy động sức dân, tin dân, trọng dân cũng cần được coi trọng. Hiện nay, trong tiến trình xây dựng đất nước, nhiều vấn đề mới đã nảy sinh chưa được giải quyết kịp thời, khiến lòng tin của người dân đối với Đảng, chính quyền tại một số nơi đang bị thử thách, thậm chí giảm sút nghiêm trọng. Mà nguyên nhân chủ yếu là do một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thiếu gương mẫu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống. Để giải quyết tình trạng này, điều quan trọng là phải có những hành động cụ thể để người dân tin tưởng.

Trong những năm vừa qua, Đảng đã quyết tâm thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (Khóa XI, XII); đã ban hành hàng loạt Nghị quyết đỉnh đốn Đảng, chấn chỉnh chất lượng đội ngũ cán bộ, xử lý nghiêm minh những sai phạm. 5 năm qua, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật Đảng trên 77.600 đảng viên vi phạm. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự trên 70 cán bộ, đảng viên thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý. Như PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nhận định, có thể nói rằng, trong lịch sử xây dựng Đảng, chưa có giai đoạn nào chúng ta xử lý nhiều cán bộ kể cả cấp cao như thế. Điều đó mang lại niềm tin trong Nhân dân về việc xử lý tham nhũng, thoái hóa… không có vùng cấm. Đây là việc tích cực, Đảng quyết tâm rà soát, làm rốt ráo hơn nữa; xử lý kiên quyết hơn nữa những người vi phạm, thực sự làm trong sạch đội ngũ, từ đó, củng cố thêm niềm tin trong dân.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần