Lòng dân phương Nam luôn hướng về Đất Tổ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - 1 .Các Vua Hùng dựng nước. Cũng là lúc những đứa con của mẹ Âu Cơ tỏa đi:

KTĐT - 1 .Các Vua Hùng dựng nước. Cũng là lúc những đứa con của mẹ Âu Cơ tỏa đi:

Lên rừng, xuống biển…

Khi những thế hệ đầu tiên, những lớp lớp lưu dân Việt đầu tiên theo Chúa Nguyễn Hoàng Mang gươm đi mở cõi. Họ gạt nước mắt để lại phía sau lưng mình những mái rạ, bờ tre, những nương dâu, bể lúa… đau đáu những giàn trầu… đau đáu những hàng cau… đau đáu nhớ thương nơi chôn nhau cắt rốn mỗi lúc một xa mờ.

Họ ra đi. Nhẹ tênh hồn lãng tử:

Áo vá quàng túi rỗng

Hồn thơm nuôi chí bền

Đánh cược cùng số phận

Tiếng độc huyền chênh vênh.

Họ ra đi. Có xá chi thân phận, quan với quân lên đường, mang trên vai sứ mệnh:

Chẳng "Sắc phong bảo kiếm"

Phu tướng cũng lên đường

Tiếng độc huyền lưu lạc

Một khúc hành phương Nam.

(Trần Ngọc Hưởng)

Hành phương Nam, con đường thiên lý đi mở mang bờ cõi cứ trải dài, dài mãi... Trên những kênh rạch rậm rì lau sậy, trên những dòng sông lặng ngắt như tờ nhưng tiềm ẩn nhũng nguy cơ từ thuồng luồng, cá sấu. Trên những hoang đảo xa tít mù khơi tiềm ẩn bao hiểm nguy rình rập… Máu xương trải dài theo dấu chân những người đi khai phá…

" Tiền hiền khai nghiệp, hậu hiền khai cơ".Bao nhiêu thế hệ lưu dân mới có được vùng Thuận - Quảng? Phải trải qua bao đời mới tới được nơi chót vót Đất Mũi (Cà Mau)? Và bao công sức đã đổ xuống đất này để định hình giang sơn hình chữ S?.

Nơi trời Nam:

Ai ôm đàn cầm phảng

Hiểm nguy sá chi hề

Máu, mồ hôi thánh thót

Đất lạ đã thành quê.

Nơi trời Nam:

Mênh mông thời mở cõi

Ai "Dạ cổ hoài lang"

Tiếng độc huyền da diết

Một khúc tình phương Nam.

(Trần Ngọc Hưởng)

Khúc tự tình phương Nam - tiếng tơ lòng của những người đi khai phá. Lớp lớp Tiền Nhân xưa hỏi đã mấy ai trở lại? Khi công cuộc khẩn hoang và giặc dã liên miên. Song, dòng máu Lạc Hồng lúc nào cũng đong đầy trong huyết quản, nỗi nhớ thương quê cha đất tổ luôn đau đáu trong lòng và được truyền lại cho lớp lớp hậu duệ về sau.

Khúc tự tình phương Nam - tiếng tơ lòng của những người xa xứ, từ đó hun đúc lòng yêu nước thương nòi để làm nên một miền Nam Thành đồng bất khuất, nơi địa đầu của Đại thắng mùa Xuân, quét sạch ngoại xâm, non sông liền một dải.

2. Chúng tôi - lớp đàn em của thế hệ "Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước", đến lượt mình cũng tiếp nối lên đường theo dấu chân của người xưa thuở trước. Ông cha ta đã có công mở cõi thì lớp lớp con cháu sau này phải giữ cho được từng tấc đất quê hương.

Năm 1973, quân ta giải phóng một loạt ấp chiến lược vùng biên để mở rộng hành lang khu căn cứ. Chúng tôi tiến vào Trà Võ trong một buổi sáng đầu Xuân. Choáng ngợp! Đó là cảm giác đầu tiên đối với những đứa con miệt châu thổ sông Hồng xa nhà đi chiến đấu.

Có cảm tưởng nguyên mẫu một ngôi làng Bắc Bộ được phục dựng tại đây, dẻo đất hắthiu miền biên viễn, với những ngôi nhà ba gian hai trái dù lợp ngói, láhay tôn, những dãy nhà ngang chứa cối xay, cối giã, thúng mủng dần sàng và nông cụ, chuồng lợn, chuồng trâu, vườn rau, ao cá… và đặc biệt là cau, những vườn cau ngút ngàn vươn cao, tỏa bóng râm xuống những giàn trầu xanh ngắt…

Nghe chuyện của những bậc cao niên: "Tổ tiên chúng tôi đến lập nghiệp tại đất này đã bao đời đến nay không ai nắm rõ. Chỉ biết là, nếp làng đã được các cụ truyền lại từ đời nọ đến đời kia. Xưa, các cụ sống ra sao thì nay chúng tôi vẫn y nguyên như vậy…".

Ối! Nếp làng, nếp làng mà người xưa luôn ghi dấu trong tim, trong thăm thẳm những đêm dài đi mở cõi, vẫn luôn được kế thừa và gìn giữ cho đến tận hôm nay. Nếp làng! Ấy là từ cội nguồn dân Việt.

Sau giải phóng, tôi đã có dịp đi khắp miền châu thổ Cửu Long. Dấu ấn của người xưa vẫn in đậm trên mảnh đất này dù đã trải qua bao biến thiên của lịch sử, bao khói lửa đao binh...

Tôi đã bàng hoàng đứng giữa Đồng Tháp Mười, một kho báu hoang vu ngút ngàn con mắt, mảnh đất mà người xưa đã mở ra để nối tiếp các đời con cháu sau này ra công khai phá, để mấy chục năm qua ta đã có được một Đồng Tháp Mười vàng ươm màu lúa hôm nay.

Tôi đã có dịp ngồi ghe ngược xuôi kênh Vĩnh Tế nối ra tận biển Tây, bao máu xương, bao giọt mồ hôi của lưu dân đã đổ xuống kênh này để tứ giác Long Xuyên nặng hạt phù sa, một trong những vựa lúa lớn nhất của đồng bằng Nam Bộ.

Tôi đã đến điểm tận cùng Đất Mũi, nghe tiếng ào ạt của ba bề bốn bên là biển, để cảm nhận không gian hùng vĩ và cả độ đường của cuộc thiên di. Người dân Đất Mũi chân chất hiền hòa, cửa ngõ ngày đêm không bao giờ khóa, khách đường xa có thể ghé vô bất cứ lúc nào, những mái lá thật đơn sơ nhưng tình người thơm thảo. Ngang tàng, hào sảng, cái khí phách của Tiền Nhân thời mở cõi vẫn in dấu nơi đây.

Tôi đã đi qua bao làng mạc dọc hai bên bờ Sông Tiền, sông Hậu, những mái lá nép mình trong những vườn cây ngút ngát trải dài, bên cạnh những đình chùa, miếu mạo hương khói ngày đêm thờ Quốc Tổ, các vị anh hùng dân tộc, cùngcác vị Tiền Hiền đã có công thời khẩn hoang, lập ấp... Tôi xúc động đứng trước bàn thiên của mỗi gia đình, dù được đặt ở góc sân nào thì các bàn thiên cũng đều hướng về… phương Bắc…

3. Mấy bữa nay, con gái tôi cứ dóng dả: " Sở con tổ chức làm thứ bảy để dịp giỗ Quốc Tổ này được nghỉ hai ngày, mình sẽ đi picnic nghe cha!". Cái con bé này! Từ ngày tôi nghỉ hưu, nó cứ sợ cha buồn hay sao ấy, nên có dịp là tổ chức đưa cả đại gia đình đi chơi chỗ này chỗ nọ.

Tôi chỉ ậm ừ, nhưng đã định trong lòng: thành phố đã khánh thành ngôi Đền Hùng trong công viên lịch sử - văn hóa ở quận 9, và đã tổ chức lễ giỗ Quốc Tổ từ mấy năm nay, công việc lu bu nên tôi chưa có dịp...

Nay nhân dịp này tôi sẽ dẫn con cháu đến dâng hương trước vong linh Quốc Tổ, rồi kể lại cho chúng nghe về lịch sử bi hùng của dân tộc ta từ thời các vua Hùng dựng nước, kể lại cho chúng sự tích "Bọc trăm trứng" của mẹ Âu Cơ, kể lại cho chúng chặng đường dài của Tiền Nhân một thời đi mở cõi , kể lại cho chúng về cội nguồn đất Việt…

Và kể lại cho tôi, ôn lại cho tôi những bài học về nhân, nghĩa, trí, tiết của cha ông. Nhũng bài học làm người - những bài học ta phải học suốt cả một đời người ngắn ngủi.