70 năm giải phóng Thủ đô

Lồng ghép thực hiện quy ước, hương ước với quy tắc ứng xử

Quang Huy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại các quận, huyện, thị xã, việc kế thừa, phát huy giá trị quy ước, hương ước được chính quyền hết sức coi trọng, Nhân dân nhiệt tình hưởng ứng.

Điều đó thể hiện việc thường xuyên cập nhật nội dung QTƯX vào quy ước, hương ước của thôn, tổ dân phố; đan cài, lồng ghép các giá trị của quy ước, hương ước gắn với tiêu chí xây dựng nông thôn mới, trật tự văn minh đô thị; tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức chấp hành pháp luật; xây dựng nếp sống văn hóa; bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Tại huyện Mỹ Đức, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Văn hóa và Thông tin phối hợp với các xã, thị trấn chỉ đạo, hướng dẫn đưa nội dung đánh giá về xây dựng quy ước, hương ước trong công nhận danh hiệu Làng văn hóa, Tổ dân phố văn hóa; hướng dẫn các địa phương bổ sung nội dung thực hiện bộ QTƯX nơi công cộng, bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình, các biện pháp phòng chống dịch bệnh, phòng chống tác hại của thuốc lá… vào quy ước, hương ước. Ngoài ra, huyện còn tổ chức rà soát, kiểm tra quy trình bổ sung, chỉnh sửa, thực hiện quy ước, hương ước trên địa bàn.

Tương tự tại huyện Quốc Oai, Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng cho biết, hiện nay, 95/95 thôn, tổ dân phố thuộc 21 xã, thị trấn trên địa bàn huyện Quốc Oai đã xây dựng và thực hiện hương ước, quy ước văn hóa của địa phương. 100% các xã, thị trấn đã thực hiện xong sửa đổi, bổ sung quy ước để địa phương phát hành, đưa quy ước vào thực tiễn cuộc sống của Nhân dân.

Các hương ước, quy ước được sửa đổi, bổ sung đã lồng ghép các nội dung thực hiện QTƯX và chặt chẽ hơn trong quy định thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; ứng xử khi có dịch bệnh nguy hiểm; ứng xử trên môi trường mạng… phù hợp với tình hình và quy định mới.

Nội dung của hương ước, quy ước đã góp phần đảm bảo an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, phòng chống các tệ nạn xã hội, phát triển sản xuất, khuyến khích học tập, giải quyết các tranh chấp, vi phạm nhỏ trong Nhân dân; duy trì và phát huy thuần phong mỹ tục, đề cao các chuẩn mực đạo đức truyền thống tốt đẹp; góp phần thực hiện chính sách dân số; bài trừ các hủ tục và tệ nạn xã hội.

Hương ước, quy ước có vai trò là bộ phận hỗ trợ đắc lực pháp luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội tại cộng đồng dân cư đối với những vấn đề và nội dung mà pháp luật không điều chỉnh; đồng thời còn là công cụ thực hiện mở rộng, phát huy dân chủ ở cơ sở, giúp Nhân dân trong tiến trình giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước.

Theo báo cáo của UBND huyện Gia Lâm, việc thực hiện tuyên truyền QTƯX đã mang đến hiệu quả. Bên cạnh việc niêm yết các các nội dung của QTƯX, các cơ sở cũng có cách làm sáng tạo. Huyện cũng liên tục vận động Nhân dân thực hiện tốt nội dung QTƯX nơi công cộng cũng như nội quy, quy chế của tổ dân phố.

Việc thực hiện 2 bộ QTƯX dần trở thành thói quen, nếp sống của mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân. Việc nâng cao chất lượng thực hiện QTƯX nơi công cộng được huyện gắn với thực hiện hiệu quả quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện quy ước, hương ước.

Quá trình xây dựng và nhân rộng các mô hình tiêu biểu trong thực hiện QTƯX đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp, nhận được sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của Nhân dân; tạo ra những diện mạo mới, con người mới trong tiến trình xây dựng huyện Gia Lâm thành quận văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển toàn diện và bền vững.

Cùng với đó trong quá trình thực hiện QTƯX, UBND huyện Gia Lâm đã có những mô hình hay, sáng tạo, áp dụng riêng trên địa bàn huyện. Trong đó, có mô hình Thôn, tổ dân phố an toàn - văn minh - sạch đẹp; Khu dân cư thân thiện với môi trường và mô hình Phòng làm việc ngăn nắp - xanh tươi - sạch đẹp.