Dự buổi Lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân; nguyên Chủ tịch UB Trung ương MTTQ Việt Nam Phạm Thế Duyệt cùng nhiều đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành, cơ quan Trung ương; các đồng chí lão thành cách mạng, các mẹ Việt Nam anh hùng dự buổi Lễ.
Về phía lãnh đạo Thành phố Hà Nội có đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND Thành phố cùng các đồng chí lãnh đạo các sở, ban, ngành, 29 quận, huyện, thị xã.
Truyền thống hào hùng
Diễn văn kỷ niệm tại buổi lễ do Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Phạm Văn Châm nhấn mạnh, Đông Anh là vùng đất cổ “Địa linh, nhân kiệt”, có bề dầy truyền thông lịch sử hàng ngàn năm văn hiến, yêu nước, cách mạng và anh hùng. Nơi đây nổi tiếng với địa danh cổ Loa - mảnh đất từng hai lần được chọn là kinh đô nước Việt. Theo bộ Quốc sử triều Nguyễn: cuốn Đại Nam thực lục chính biên, huyện Đông Anh được thành lập vào tháng 9 năm Bính Tý (tức tháng 10 năm 1876) đời vua Tự Đức triều Nguyễn, tới nay vừa tròn 140 năm.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi lễ |
Đông Anh cũng là nơi có nhiều danh nhân, khoa bảng với các tiến sỹ được lưu danh trong sử sách; là quê hương của hai nhà văn Ngô Tất Tố, Nguyễn Huy Tưởng. Trên địa bàn huyện có 413 di tích lịch sử, văn hoá và cách mạng, 93 lễ hội dân gian đặc sắc, đến nay còn lưu truyền những sự tích, truyền thuyết về thần Kim Quy, nỏ thần, mối tình bi tráng Mỵ Châu - Trọng Thuỷ, tất cả đã tạo nên một bản sắc văn hoá tiêu biểu của Đông Anh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.
Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, nhân dân Đông Anh phải sống cơ cực dưới ách đô hộ của chế độ thực dân nửa phong kiến; Theo Đảng, Bác Hồ làm cách mạng, ngay từ những năm 1930, nhiều cơ sở cách mạng ở Đông Anh được thành lập và ngày càng lớn mạnh. Từ năm 1941 đến 1945 Đông Anh là An toàn khu của Trung ương Đảng, nơi đặt trụ sở và in báo “Cờ Giải phóng”, nơi đồng chí Trường Chinh khởi thảo Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Thực hiện lệnh tổng khởi nghĩa, ngày 21/8/1945 nhân dân Đông Anh đã nhất tề vùng lên giành chính quyền, góp phần vào thành công của cách mạng tháng 8 năm 1945.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, là địa bàn trọng điểm kết nối từ Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc, nhân dân Đông Anh đã anh dũng chiến đấu và phục vụ chiến đấu, đánh địch hơn 600 trận, những địa danh như: pháo đài Xuân Canh, đường Nguyên Khê du kích oai hùng, địa đạo kháng chiến Nam Hồng, ... đã đi vào lịch sử rất đỗi tự hào.
Trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, quân và dân Đông Anh tiếp tục đi đầu trong các phong trào Thi đua yêu nước của nhân dân Thủ đô, vừa xây dựng CNXH, chi viện “sức người sức của” cho công cuộc Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vừa đánh trả ngoan cường chiến tranh phá hoại của Đế quốc Mỹ. Những chiến công của Chi bộ thép Cường Nỗ, Tiểu đoàn 59 trận địa tên lửa Tó xã Uy Nỗ, bắn rơi chiếc máy bay B52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội, đã góp phần tạo nên trận Điện Biên Phủ trên không chấn động địa cầu tháng 12 năm 1972.
Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải trao Huân chương Lao động hạng Nhì cho huyện Đông Anh |
Trải qua 140 năm, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đông Anh đã không ngừng phấn đấu vươn lên, vượt qua mọi khó khăn thử thách, tạo ra bước phát triển vượt bậc về KT-XH theo hướng CNH-HĐH. Nhất là từ khi thực hiện nghị quyết 26 NQ/TW của BCH Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng NTM, từng bước nâng cao đời sống nông dân", kinh tế trên địa bàn tăng trưởng ổn định ở mức cao, bình quân hàng năm 8,5%; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tỷ trọng công nghiệp và thương mại dịch vụ ngày càng tăng, tỷ trọng nông nghiệp ngày càng giảm. Tổng thu ngân sách nhà nước trung bình hàng năm đạt 1.789 tỷ đồng.
Tổng nguồn vốn huy động đầu tư cho xây dựng NTM năm đạt 2.642 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 200,5 tỷ đồng và 380.000 ngày công, đặc biệt trên 2000 hộ dân đã tự nguyện hiến 1.792 m2 đất ở, 484.150 m2 đất nông nghiệp để mở đường và xây dựng các cồng trình công cộng. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội được đầu tư xây dựng đồng bộ từ Huyện tới các thôn làng, bộ mặt đô thị và nông thôn của Huyện thay đổi rõ nét, ngày càng văn minh hiện đại.
Văn hóa - Xã hội, giáo dục đào tạo, y tế, có bước phát triển mới. An sinh xã hội được bảo đảm. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh: 134/155 thôn làng đạt chuẩn về văn hóa, 22/23 xã đạt chuẩn về y tế theo tiêu chí mới, 51,16% trường công lập đạt chuẩn quốc gia; Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên rõ rệt, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 43 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,28%.
Đến năm 2015 toàn Huyện đã có 21/23 xã đạt chuẩn NTM, 02 xã còn lại đã trình thành phố xem xét để công nhận trong năm 2016. Do nỗ lực phấn đấu và có được những thành tích nổi bật nêu trên, đúng vào dịp kỷ niệm 140 năm thành lập huyện, nhân dân và cán bộ huyện Đông Anh vô cùng vui mừng, phấn khởi được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhì, Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng công nhận Huyện đạt chuẩn NTM.
Xây dựng Đông Anh thành đô thị nội đô, văn minh hiện đại
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo thành phố Hà Nội, đồng chí Hoàng Trung Hải, Bí thư Thành ủy nhiệt liệt biểu dương và chúc mừng những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh đã đạt được thời gian qua. Đồng chí nhấn mạnh: Lễ kỷ niệm 140 năm thành lập đơn vị hành chính Huyện; 55 năm Đông Anh trở thành một huyện của Thủ đô Hà Nội, niềm vui đó càng được nhân lên khi cũng nhân dịp này, Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Đông Anh vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng "Huân chương Lao động hạng Nhì" và Bằng công nhận "Huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010 - 2015". Đây không chỉ là ngày Hội lớn, niềm vinh dự, tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh mà còn là niềm vui chung của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô.
Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải cho rằng, thông qua Lễ kỷ niệm là dịp để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Đông Anh ôn lại truyền thống vẻ vang của chặng đường đã qua, khơi dậy niềm tự hào, tình yêu quê hương đất nước. Được đón nhận "Huân chương Lao động hạng Nhì" và Bằng công nhận "Huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2010 - 2015", là một vinh dự lớn, niềm vui lớn, đồng thời cũng gắn liền với trách nhiệm to lớn của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân huyện Đông Anh phải tiếp tục nỗ lực phấn đấu, giữ vững và có những thành tích mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Huyện đề ra.
Với những truyền thống rất đáng tự hào, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đề nghị huyện Đông Anh cần làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu về truyền thống, giá trị lịch sử vẻ vang của quê hương để từ đó kế thừa, phát huy và phát triển những giá trị, thành quả đạt được lên một tầm cao mới; đổi mới tư duy, rèn luyện bản lĩnh trong xây dựng và phát triển địa phương. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng nguồn nhân lực nhất là lao động có trình độ cao, thu hút nhân tài; quan tâm công tác quy hoạch, luân chuyển cán bộ để nâng cao năng lực quản lý.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải lưu ý, là địa phương đang trong quá trình phát triển với tốc độ đô thị hóa nhanh, Đông Anh cần quan tâm đến việc giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống, giá trị lịch sử, bảo tồn, tôn tạo và nâng cao giá trị văn hóa phi vật thể. Quan tâm chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần, giữ gìn thuần phong, mỹ tục và truyền thống tốt đẹp của địa phương; thực hiện tốt các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững. Tiếp tục huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển, để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Đông Anh sẽ trở thành một đô thị nội đô và là một trong những vành đai xanh theo Quy hoạch tổng thể của Thành phố.
Từ kinh nghiệm và cách làm của địa phương trong xây dựng NTM giai đoạn 2010 - 2015, huyện Đông Anh cần chủ động có giải pháp để khắc phục những hạn chế còn tồn tại trong xây dựng NTM, chủ động rà soát và có giải pháp để duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí đạt chuẩn trong giai đoạn tiếp theo. Huy động các nguồn lực cho xây dựng NTM; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, thực hiện mọi việc trong xây dựng NTM đều do dân bàn bạc, thảo luận và quyết định. Phấn đấu xây dựng huyện Đông Anh - Huyện NTM tiêu biểu của Thủ đô, phát triển bền vững, Bí thư Thành ủy yêu cầu.
Người đứng đầu Thành phố cũng đề nghị Đông Anh chú trọng công tác xây dựng Đảng, trọng tâm là nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh". Tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh. Phát huy dân chủ và vai trò giám sát, phản biện xã hội của MTTQ, các tổ chức chính trị xã hội trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương.
“Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ thành phố Hà Nội tin tưởng rằng, với truyền thống quê hương anh hùng lực lượng vũ trang, vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa, cách mạng, Đảng bộ, chính quyền, MTTQ và các tầng lớp nhân dân huyện Đông Anh sẽ phát huy truyền thống tốt đẹp và những thành tựu to lớn đã đạt được trong suốt bề dày lịch sử, với quyết tâm chính trị cao nhất Đông Anh sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị năm 2016, tạo tiền đề thuận lợi hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Đông Anh nhiệm kỳ 2015-2020, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại", Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.