Làng họa sĩ Nằm soi bóng bên dòng sông Hồng hiền hòa, từ lâu xã Cổ Đô (huyện Ba Vì, Hà Nội) nổi tiếng là nơi sản sinh ra những họa sĩ tài hoa. Chả thế, Cổ Đô được gọi là “làng họa sĩ”. Người đặt nền móng cho sự phát triển mỹ thuật nơi đây chính là họa sĩ Sỹ Tốt. Từ niềm đam mê cháy bỏng với hội họa mà lớp này qua lớp khác, con học của bố, em học của anh... để rồi sản sinh ra một thế hệ họa sĩ đầy tài năng như Giang Kích, Sỹ Luân, Trần Hòa, La Vuông… Không ai trong số họ không đạt những giải thưởng cao quý của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Vào đầu những năm 1990, những lớp học vẽ từ thiện được mở ra ngay tại nhà của các họa sĩ. Từ chiếc bút lông, hộp màu, bảng vẽ..., thậm chí cả những bữa ăn cho những em HS có hoàn cảnh khó khăn, tất cả đều được miễn phí. Những lớp học như thế không chỉ là một sân chơi dành cho những người yêu thích hội họa mà đây còn là tiền đề để Cổ Đô dần trở thành một làng nghề.
Sau những buổi phụ giúp bố mẹ công việc đồng áng, em Nguyễn Hoàng Việt - HS lớp 3B trường Tiểu học Cổ Đô lại cùng với các bạn trong làng đến lớp học vẽ miễn phí tại Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô. Với Việt, vẽ tranh đã trở thành niềm vui xóa tan những mệt nhọc sau những giờ lao động vất vả. Việt chia sẻ: “Em tham gia lớp học ngay từ những ngày đầu tiên. Được đến lớp học vẽ tranh, em rất vui vì em rất thích học vẽ. Từ ngày các thầy mở lớp, em chưa nghỉ buổi nào”. Khai giảng vào đầu tháng 6/2016, lớp học vẽ miễn phí tại xã Cổ Đô thu hút 52 em HS địa phương đăng ký theo học. Đều đặn 3 buổi/tuần, các thành viên trong CLB Mỹ thuật Cổ Đô truyền dạy cho các em những kiến thức về hội họa như: Ôn lại lịch sử mỹ thuật của làng Cổ Đô, lý thuyết màu sắc, luật xa gần, vẽ tranh bố cục, vẽ tranh phong cảnh, vẽ theo khối cơ bản, hình cơ bản, trang trí tự do, đề tài tự do... Điều đặc biệt, lớp học có 24/52 em thuộc diện gia đình có hoàn cảnh khó khăn, gia đình quân nhân, chính sách và trẻ tàn tật. Tham gia lớp học, các em hoàn toàn không phải đóng góp bất kỳ một khoản học phí nào mà còn được cung cấp đầy đủ đồ dùng học tập. Dù bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam dioxin khiến bàn tay phải bị tật bẩm sinh, nhưng em Nguyễn Ngọc Ánh - HS lớp 2A trường Tiểu học Cổ Đô vẫn vẽ được những bức tranh phong cảnh rất đẹp bằng tay trái. Ánh vui vẻ nói: “Em rất vui khi đến lớp học vẽ. Được tham gia lớp vẽ cùng các bạn đã giúp em tự tin hơn rất nhiều”. Khơi dậy niềm đam mê Ngoài thời gian học tập ở lớp, các thành viên trong CLB Mỹ thuật Cổ Đô còn tổ chức cho các em HS tham quan thực tế để vẽ tranh phong cảnh. Những bức tranh về làng quê mùa gặt, bãi nổi sông Hồng, làng chài Cổ Đô... qua những nét vẽ mộc mạc của các em thật giản dị, gần gũi. Từ các buổi vẽ tranh dã ngoại đã giúp các em HS nơi đây thêm hiểu biết, yêu mến quê hương - nơi các em được sinh ra và lớn lên. Lớp vẽ tranh miễn phí của CLB Mỹ thuật Cổ Đô đã nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các em HS và phụ huynh. Đây chính là nguồn động viên cổ vũ tinh thần cho các thành viên trong CLB tiếp tục duy trì lớp vẽ trong thời gian tới. Anh Nguyễn Trường Yên - Phó Chủ nhiệm CLB cho biết: “Việc tổ chức các lớp dạy vẽ miễn phí sẽ được các thành viên trong CLB duy trì trong thời gian tới. Qua lớp học vẽ nhằm phát hiện và bồi dưỡng các em có năng khiếu để các em có thể phát huy hết khả năng của mình”. Lớp dạy vẽ của CLB Mỹ thuật Cổ Đô đã tạo một sân chơi bổ ích, lý thú cho các em HS trong dịp Hè năm 2016, nhằm phát huy những tương lai mỹ thuật của làng. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống mỹ thuật của làng, tình yêu học vẽ trong mỗi em - những người chủ tương lai của làng họa sĩ Cổ Đô.
Thầy Nguyễn Trường Yên đang hướng dẫn các em vẽ tranh. |