KTĐT - Nhiều người đang trăn trở trước thực trạng thế hệ trẻ thờ ơ với dân ca, không biết thế nào là hát ca trù, là hát xẩm hay chèo, tuồng…
Nhưng gần đây, trên các sân khấu nghệ thuật truyền thống lại xuất hiện một số em nhỏ không những có năng khiếu mà còn say mê, yêu thích và thực sự tâm huyết với văn hoá dân gian. Có lẽ, trong lòng mỗi người trẻ, nghệ thuật truyền thống vẫn đang âm ỉ cháy.
Theo một công trình nghiên cứu về sự thưởng thức văn hóa nghệ thuật của giới trẻ cho thấy, trong số gần 500 người ở độ tuổi từ 11 đến 24 tuổi, người hâm mộ ca khúc cách mạng ở học sinh, sinh viên là 16,7%; ở thanh thiếu niên nông thôn là 37%; ở thanh thiếu niên nội thành là 19%; ở thanh thiếu niên ngoại thành là 24,6%. Yêu thích cải lương, tuồng chèo ở học sinh, sinh viên là 2,4%; thanh thiếu niên nông thôn là 12,9%; thanh thiếu niên nội thành là 4,1% và thanh thiếu niên ngoại thành là 9,4%. Như vậy, bức tranh về sự quan tâm tới âm nhạc truyền thống của thế hệ trẻ ngày nay là mờ nhạt. Trong khi đó sự bảo tồn và phát triển nền âm nhạc truyền thống trong tương lai lại phụ thuộc rất nhiều vào lớp trẻ.
Lý giải cho sự không quan tâm, nhiều ý kiến cho rằng các loại hình văn hóa nghệ thuật truyền thống không còn thu hút tầng lớp thanh niên là do thiếu sự định hướng và không có nhiều sân chơi bổ ích về loại hình văn hóa dân gian dành cho lớp trẻ. Một yếu tố khách quan khác, đó là do ảnh hưởng của trào lưu các loại hình văn hóa nghệ thuật hiện đại trong cộng đồng. Sự bùng nổ các phương tiện nghe nhìn hiện đại thời hội nhập với các loại hình nghệ thuật đương đại đang tác động mạnh đến nhận thức và thẩm mỹ của thế hệ trẻ. Mặt trái của cơ chế thị trường cũng đang tác động đến đời sống xã hội, trong đó có văn hóa nghệ thuật. Trong cuộc cạnh tranh không mấy cân sức giữa văn hóa nghệ thuật truyền thống và các loại hình nghệ thuật đương đại, văn hóa nghệ thuật truyền thống nói chung và âm nhạc truyền thống nói riêng đang ở thế yếu.
Tuy nhiên, nếu nói rằng thế hệ trẻ không có tình yêu với âm nhạc và các loại hình văn nghệ truyền thống là không đúng. Nhiều em nhỏ đã biết hát và hát rất hay những làn điệu chèo, làn điệu quan họ. Giữa một thế giới tràn ngập các loại hình giải trí mới và không thiếu những dòng nhạc trẻ sôi nổi, hấp dẫn như hiện nay thì rõ ràng, nếu không có tình cảm yêu say thực sự, khó lòng mà các em lại tìm đến với nghệ thuật truyền thống. Trong một lần đến đất quan họ, bên cạnh các lão nghệ nhân, anh hai, chị hai khắp nơi dốc lòng, dốc sức gìn giữ những giá trị tinh tuý của di sản Quan họ, còn có một lớp thế hệ liền anh, liền chị tuổi trăng rằm. Điều đáng quý là các em vừa háo hức, say mê, vừa nhiệt tình học hỏi với ý thức sẵn sàng tiếp bước, gìn giữ vốn văn hoá truyền thống quý báu của ông cha. Với ca trù, chèo cổ, việc tìm ra những người trẻ yêu thích, nguyện gắn bó tiếp lửa cũng không quá khó. Hiện đã xuất hiện những ca nương trẻ đầy triển vọng, quen mặt trên các chiếu ca trù từ khi mới hơn 10 tuổi và gặt hái rất nhiều Huy chương ở các liên hoan Ca trù. Có thể khẳng định, với nghệ thuật truyền thống nói chung, dân ca và nhạc cổ truyền nói riêng, thế hệ trẻ chỉ tạm quên trong một thời gian ngắn, đến lúc nào đó các em sẽ tìm lại.
Ngay tại đất Hà Nội, có một câu lạc bộ rất đặc biệt trong giới sinh viên, đó là câu lạc bộ quan họ Kinh Bắc, khởi nguồn từ trường ĐH Bách Khoa Hà Nội. Khởi đầu từ một nhóm các bạn sinh viên quê Bắc Ninh, thành lập chỉ với mục đích để chia sẻ vốn kiến thức về quan họ. Nhưng càng ngày số lượng thành viên đến tham gia câu lạc bộ càng đông. Hiện tham gia câu lạc bộ quan họ Kinh Bắc là các bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học khác nhau. Các bạn cùng có chung sở thích hát quan họ và tìm hiểu văn hoá Kinh Bắc. Nhiều người không có khả năng ca hát nhưng đến đây, được nghe các bạn hát và nghe thầy giảng về những nét văn hóa, phong tục của vùng quan họ cũng rất thú vị. Trong khi nghệ thuật truyền thống còn lúng túng trong việc tìm cach tiếp cận giới trẻ thì việc các bạn sinh viên tự tìm đến với văn hoá cổ truyền dưới hình thức câu lạc bộ là một điều đáng kể.
Hiện chính các nhà văn hóa, các trung tâm nghệ thuật dành cho giới trẻ ở Hà Nội cũng quan tâm hơn đến các chương trình nghệ thuật truyền thống. Từ năm 2009, Nhà văn hóa Học sinh, sinh viên Hà Nội phối hợp với Nhà hát Tuổi trẻ, Đoàn kịch II triển khai chương trình văn hóa nghệ thuật phục vụ quần chúng và giới trẻ. Rạp Thanh niên này công diễn các chương trình bao gồm: kịch, hài kịch, cải lương, múa truyền thống…đều đặn một tuần hai buổi vào tối thứ sáu, bảy. Các chương trình công diễn được treo băng rôn, áp phích rầm rộ, quảng cáo trên một số phương tiện truyền thông nhằm thu hút giới trẻ. Chương trình cũng xây dựng các tiểu phẩm rất gần gũi với giới trẻ. Tuy chưa thực sự thu hút được nhiều người trẻ, nhưng ít nhiều cũng góp thêm tiếng nói để nghệ thuật truyền thống đến gần hơn với thế hệ trẻ. Đồng thời từ đây các ngành chức năng và những người thiện tâm với âm nhạc truyền thống cũng cần nhận thức rõ hơn tác động của các yếu tố khách quan và chủ quan khiến âm nhạc truyền thống đang dần mất vị thế trong đời sống sinh hoạt văn hóa của thanh niên, cũng đưa ra nhiều giải phápthu hút lớp trẻ yêu mến những giá trị văn hóa cội nguồn.