Cổ phiếu cần quan tâm ngày 28/7

LPB được lòng khối ngoại, SAB "quay xe" ngoạn mục

Diệu Chi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều mã cổ phiếu đã tăng mạnh hoặc phục hồi ngoạn mục, nhờ thông tin tích cực của kết quả kinh doanh quý 2 cũng như 6 tháng đầu năm 2022, như LPB của Ngân hàng TMCP Liên Việt, Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn.

Cổ phiếu nhận tin vui từ kết quả kinh doanh

Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán ngày 27/7, VN-Index tăng 5,97 điểm (0,5%) lên 1.191,04 điểm, HNX-Index tăng 1,64 điểm (0,58%) đạt 284,52 điểm, UPCoM-Index tăng 0,46 điểm (0,52%) lên 88,87 điểm.

Sabeco có khoản lãi cao kỷ lục từ khi được tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabakdi mua lại.  
Sabeco có khoản lãi cao kỷ lục từ khi được tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabakdi mua lại.  

Mặc dù thanh khoản có phần cải thiện trong phiên chiều, nhìn chung dòng tiền vẫn chưa sẵn sàng nhập cuộc. Cụ thể, khối lượng mua/bán khoảng 522,3 triệu đơn vị, tương đương giá trị giao dịch trên 11.500 tỷ đồng.

Nhóm VN30 giao dịch khởi sắc là động lực tăng chính của thị trường. Kết phiên, cổ phiếu VN30 ghi nhận 18 mã tăng giá, 7 mã giảm giá và 5 mã đứng giá tham chiếu. Sự tăng giá của VCB, CTG, BVH tác động tích cực nhất đến đà tăng của chỉ số.

Trong phiên này, cổ phiếu ngân hàng, bất động sản lấy lại phong độ từ đó lan rộng sắc xanh sang hầu hết nhóm ngành. Nhiều mã ngân hàng khác cũng kết phiên trong sắc xanh như CTG (1,7%), VCB 91,5%), SHB (1,4%), HDB (1,3%),…

Trong đó, LPB là cổ phiếu ngân hàng tăng giá mạnh nhất, đóng cửa ở mức giá cao nhất trong phiên là 15.300 đồng/cổ phiếu, tăng 4,1%. Thanh khoản của LPB cũng đứng đầu ngành với hơn 13,6 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, giá trị hơn 206 tỷ đồng. LPB cũng được khối ngoại gom mạnh khi mua ròng gần 1,9 triệu đơn vị.

Nguyên nhân khiến cổ phiếu LPB có đà tăng khá tốt trong ngày 27/7, cũng bởi tín hiệu tốt từ kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm của Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt (LIenVietPostBank). Theo đó, lợi nhuận quý 2 và 6 tháng của LPB khả quan. Cụ thể, trong quý 2, LPB báo lãi trước thuế hơn 1.793 tỷ đồng, tăng 94% so với cùng kỳ năm trước, dù tăng đến 57% chi phí dự phòng rủi ro tín dụng.

Như vậy, so với với kế hoạch 4.800 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm 2022, LPB đã thực hiện được 75% sau nửa đầu năm. Tuy nhiên, điểm trừ trong bức tranh tài chính của ngân hàng này là tổng nợ xấu tăng 11,2%, và tỷ lệ nợ xấu cũng tăng từ mức 1,37% lên 1,4%. Riêng nợ có khả năng mất vốn tăng 37,8%.

Một mã cổ phiếu cũng gây chú ý trong phiên giao dịch ngày 27/7 chính là SAB. Theo đó, toàn bộ thời gian giao dịch trong phiên SAB đều chìm trong sắc đỏ. Chỉ đến 15 phút cuối phiên, khi lượng tiền lớn đổ vào mua mã này với khối lượng lên tới 10.300 cổ phiếu mới kéo SAB về được sắc vàng. Nhờ đó cổ phiếu này giữ được mốc tham chiếu với thị giá 167.700 đồng/cổ phiếu.

Cũng tương tự như LPB, hôm nay có tin vui với cổ phiếu này khi Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco - SAB) công bố báo cáo tài chính cùng doanh thu thuần tăng 25% so với cùng kỳ lên 9.000 tỷ đồng, còn lợi nhuận sau thuế tăng 67% lên 1.793 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa doanh số bình quân mỗi ngày trong giai đoạn này lên đến 100 tỷ đồng, còn lợi nhuận xấp xỉ 20 tỷ đồng.

Kết quả kinh doanh được cải thiện, theo nhận định của lãnh đạo Sabeco, nhờ không còn giãn cách xã hội như cùng kỳ, mở cửa đón khách du lịch quốc tế và nhu cầu tiêu dùng hồi phục. Ngoài yếu tố bên ngoài, báo cáo tài chính còn cho thấy kiểm soát tốt chi phí giúp đơn vị này có khoản lãi cao kỷ lục từ khi được tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabakdi mua lại.

Thị trường có thể tăng điểm

Dự báo ngày 28/7, nhiều công ty chứng khoán nhận định thị trường có thể tăng điểm, và VN-Index kiểm định lại ngưỡng kháng cự 1.204 điểm.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, thị trường vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn, nhưng có thể sớm kết thúc giai đoạn tích lũy này trong 1 - 2 phiên giao dịch tới. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm nhẹ cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng với diễn biến hiện tại.

“Điểm tích cực là dòng tiền ngắn hạn có dấu hiệu dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng diễn biến này cần theo dõi thêm trong vài phiên tới. Xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại và chưa nên mua mới” - MBS nhận định.

Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (FSC) cũng cho rằng, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục giảm nhẹ cho thấy các nhà đầu tư vẫn còn thận trọng với diễn biến hiện tại. Điểm tích cực là dòng tiền ngắn hạn có dấu hiệu dịch chuyển vào nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, nhưng diễn biến này cần theo dõi thêm trong vài phiên tới.

FSC nhận định, xu hướng ngắn hạn của thị trường chung vẫn duy trì ở mức trung tính. Do đó, các nhà đầu tư ngắn hạn có thể tiếp tục nắm giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức hiện tại và chưa nên mua mới.