GS.TS Vũ Trọng Hồng - nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho rằng, việc miền Trung chịu thiệt hại lớn từ mưa lũ là do các hồ thủy điện xả lũ bất ngờ, công tác dự báo thời tiết nhận định sai tình hình. Đài Khí tượng thủy văn chỉ dựa theo lượng mưa, nắng, nhiệt độ để dự báo các nguy cơ. Còn việc xả lũ là do các hồ thủy điện.
Theo GS.TS Vũ Trọng Hồng, hiện nay, đang có một bất cập, đó là mạng lưới thủy điện thiếu tính kết nối với hệ thống thủy văn. Luật Phòng chống thiên tai không có quy định nào quy định các đập thủy điện phải có trách nhiệm khi có thiên tai xảy ra.
Trong khi các hồ thủy lợi có chức năng cấp nước cho hạ du vào mùa hạn và chứa vào mùa mưa, thì các hồ thủy điện lại có quy trình ngược lại. Các hồ này có nhiệm vụ tích nước để sản xuất điện, đến khi mực nước lên cao thì sẽ xả để đảm bảo an toàn hồ đập. Do đó, GS.TS Vũ Trọng Hồng cho rằng, các hồ thủy điện cần xem lại quy trình vận hành, chủ động hạ nước trước mùa mưa bão.
Liên quan đến việc xây dựng thủy điện Rào Trăng 3, TS Trịnh Xuân Hòa - Phó Viện Trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản cho biết, tại khu vực thủy điện Rào Trăng 3, đề án nghiên cứu của Viện này cũng chỉ rõ yếu tố nguy hiểm về địa hình như: Hai bên bờ sông dốc và hẹp; mặt cắt thung lũng dạng chữ V, kéo dài theo phương án vĩ tuyến... Khu vực trọng điểm nhà máy thủy điện A Lin 1 - Rào Trăng 3 đã được đề án cảnh báo là khu vực có nguy cơ trượt lở đất đá cao và đề xuất điều tra hiện trạng trượt lở chi tiết ở tỷ lệ 1:25.000.
Trước đó, đại diện Viện Tài nguyên, Môi trường và Phát triển bền vững TP Huế từng nêu ra về bất cập trong xây dựng và vận hành các công trình thủy điện tại Thừa Thiên Huế. Đơn vị này từng khuyến nghị, đối với môi trường tự nhiên, cần xem xét đánh giá kỹ lưỡng tác động của một số dự án trong quy hoạch thủy điện nhỏ, như dự án thủy điện cụm Rào La, Rào Trăng 3, 4 do ảnh hưởng đến khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền.
Ngoài ra, có một nguyên nhân sâu xa, trực tiếp để trở thành tác nhân chính làm cho thiệt hại lớn hơn vẫn là tình trạng phá rừng. Nhiều vùng rừng trơ trọi phần thảm thực bì, phơi ra những đồi trọc không thể giữ được nước nên khi có mưa, nước từ thượng nguồn đổ thẳng xuống gây nên lũ, sạt lở đất. Rừng còn bị phá để xây thủy điện trên nhiều sông suối. Những khi mưa kéo dài với lượng nước lớn, các hồ chứa thủy lợi và thủy điện điều tiết xả lũ thì cư dân ở vùng hạ du chịu hậu quả.