Theo đó, người già trong xã được tập hợp lại và một nhóm người tư vấn cho họ, ai cũng được “khám” bằng mắt thường rồi “lĩnh” bệnh này, bệnh nọ… Nhóm tư vấn cho biết, nếu theo xe của họ lên bệnh viện X, Y gì đấy sẽ chỉ bỏ ra 2,5 triệu đồng tiền khám; khám ra bệnh sẽ được điều trị…
Tìm hiểu thêm, có một bệnh viện (hình như) đã thuê một nhóm chuyên đi tìm khách hàng là người cao tuổi ở các huyện vùng ven, nơi khá xa các bệnh viện lớn để dụ dỗ họ đi khám bệnh. Thông thường, người già nào mà chả có bệnh! Chiêu dụ dỗ của bệnh viện này (nếu có) và nhóm người kia đánh đúng nhu cầu của mỗi người già.
Chúng tôi được biết, việc tư vấn khám chữa bệnh là việc của người có chuyên môn, bằng cấp (y sĩ, bác sĩ) và có chứng chỉ hành nghề. Người không có chuyên môn, như nhóm người nói trên, không thể tư vấn về bệnh tật cho người khác được.
Bởi, khám và tư vấn nếu không có chuyên môn, nhiều khi gây hại cho người được tư vấn, bởi triệu chứng có khi giống nhau nhưng bệnh là khác nhau, có khi cấp, khi mãn… Thật nguy hiểm, nếu người được khám bị dọa là mang bệnh trọng, lúc đó sẽ suy sụp tinh thần, sức khỏe từ khá sang yếu và đổ bệnh thật.
Đã đến lúc, chính quyền thôn và xã cần ngăn chặn những nhóm đi tư vấn dạo kiểu như vậy. Chính quyền địa phương và các hội người cao tuổi, cựu chiến binh, phụ nữ… nếu lo cho sức khỏe người già thì nên kết hợp với trạm y tế xã để thăm khám cho các cụ, sau đó giới thiệu lên bệnh viện huyện (thường là gần nhà) để được điều trị, tư vấn tiếp nếu bệnh cần được can thiệp chuyên môn sâu. Bệnh viện huyện cũng sẽ gửi bệnh nhân lên tuyến trên nếu thấy cần thiết, khi bệnh vượt khả năng chuyên môn.
Y, bác sĩ của trạm y tế biết rõ người dân trong làng, trong xóm, do đó họ hiểu rõ tình hình gia cảnh cũng như sức khỏe của từng người già. Họ cũng hiểu những đồng tiền của những nông dân, thợ hồ… kiếm ra được là khó khăn để từ đó thông cảm, sẻ chia.
Ngoài chuyện bị lôi kéo lên TP khám chữa bệnh, người già thôn xóm vùng ven còn bị nhiều chiêu trò lừa đảo khác. Trong đó, nghiêm trọng nhất là chiêu cho người già đi du lịch miễn phí, nửa đường dừng xe lại và bán hàng cho mọi người.
Chúng tôi từng nghe và biết chuyện đau lòng về cụ già cơm còn chưa đủ ăn bị bọn lừa đảo “mua hàng trả lại tiền” lừa mất gần chục triệu đồng. Cụ thấy mọi người mua hàng (nồi niêu, bát đĩa…) cứ bao nhiêu tiền thì được trả lại bấy nhiêu (nghĩa là được cho không), liền vay tiền của các cụ khác để mua. Khi cụ cùng mọi người mua những món hàng đắt tiền (giá rất cao so với thông thường) thì bọn bán hàng chuồn mất. Cụ già mất gần mười triệu đồng đã khóc tức tưởi…
Để làng xã, người già bình yên, chúng tôi mong chính quyền thôn, xã và lực lượng công an để mắt, chú ý những nhóm người lạ đến địa phương mình để có biện pháp can thiệp kịp thời. Trong thôn, xã thường có loa thông báo, chính quyền nên loa lên để bà con cùng cảnh giác.