Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

“Lựa chọn Đỗ Hải Yến không phải vì tiền!”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vì chơi với Hải Yến lâu, tôi quan sát thấy ở Yến có những nét rất hay mà chưa bao giờ thấy lên phim, và tôi nghĩ sẽ khai thác đưa vào phim sẽ thú vị. Trong phim, Yến sẽ vào vai vũ nữ, và có ngôn ngữ cơ thể khác. Chọn Hải Yến không phải vì tiền!

Gặp Phan Đăng Di lần nào cũng thú vị, vì bao giờ anh cũng có chuyện để nói với một góc nhìn riêng và độc đáo. Lần này, biết tin nữ diễn viên Đỗ Hải Yến vào dự án phim mới của anh “Cha và con và...” với hai vai trò thì tôi lại muốn gặp Di.
 
- “Cha và con và…” đã nhận được số tiền hỗ trợ 40.000 euro của World Cinema Fund - Quỹ Điện ảnh thế giới (thuộc LHP Berlin, Đức), còn nhận thêm sự hỗ trợ tài chính của Quỹ Hubert Bals Fund - LHP quốc tế Rotterdam (Hà Lan) và Trung tâm Hỗ trợ phát triển văn hóa Việt Nam (A&C). Như thế đã đủ tiền để làm phim chưa anh?

- Chưa. Tôi vẫn phải làm việc tiếp với những nhà đầu tư trong nước. Là dự án phim độc lập, nhưng bối cảnh vào cuối những năm 1990 ở TPHCM mà TPHCM lại thay đổi nhanh, vì thế kinh phí cho bối cảnh, trang phục, đạo cụ không nhỏ. Tính sát lắm cũng phải hơn 10 tỉ đồng... Phải xin thêm tiền để quay, vả lại tiền nước ngoài thường đến rất chậm, lấy được cũng rất lâu, thường để làm hậu kỳ.

- Sao anh xin tiền giỏi thế?

- Vì chất lượng dự án. Trong thư của hội đồng xét tài trợ dự án có nhận xét : “Cha và con và...” có sự độc đáo trong việc tìm kiếm ngôn ngữ điện ảnh, nó không tập trung vào kể chuyện, mà dựng phim. Nếu dựng hỏng thì dự án hoàn toàn thất bại, còn nếu không sẽ là một tác phẩm tuyệt vời (fantastic).

- Tại sao anh không chú ý vào kể chuyện?

- Vì tôi muốn sự trừu tượng. Đây không phải là một câu chuyện tình yêu, mà là những cảm giác đặt cạnh nhau. Nếu kể ra thì không mới. Nhưng cảm giác khi tôi viết kịch bản và hình dung ra cách dựng phim, thì thấy thú vị...


 Đạo diễn Phan Đăng Di: “Lựa chọn Đỗ Hải Yến không phải vì tiền!”
 

Khi nghĩ về tình yêu, đó là những giây phút bất chợt trong ký ức, nhiều khi một cảm giác mà nhớ cả đời. Tôi muốn tạo những giây phút tình yêu, “đóng đinh” vào ký ức người xem.

- Anh chọn Đỗ Hải Yến vì khả năng cô ấy, hay còn để dễ xin thêm tiền?

- Vì tôi muốn dựng lại không khí của phim “Chơi vơi” ở một trạng thái khác mà Yến dễ nối cảm xúc của phim cũ với phim mới. Vì chơi với Hải Yến lâu, tôi quan sát thấy ở Yến có những nét rất hay mà chưa bao giờ thấy lên phim, và tôi nghĩ sẽ khai thác đưa vào phim sẽ thú vị. Trong phim, Yến sẽ vào vai vũ nữ, và có ngôn ngữ cơ thể khác. Chọn Hải Yến không phải vì tiền!

- Còn Kiều Trinh đã đóng “Bi, đừng sợ”, anh lại chọn vì không muốn liều lĩnh với gương mặt mới?


- Thực ra diễn viên VN không kém, họ luôn có thể làm đạo diễn bất ngờ, vấn đề phải cho họ thời gian để nghĩ về kịch bản, đừng bắt họ làm nhanh quá, còn đạo diễn phải dành thời gian để quan sát họ. Kiều Trinh lần này sẽ vào một vai khác hẳn: Một nữ cán bộ phường phụ trách kế hoạch hóa gia đình. Bà ta có lòng tốt, sự thương cảm với những đứa trẻ đi thắt ống dẫn tinh để kiếm tiền mà không ý thức được sự nghiêm trọng của nó.

- Nhân vật đó có cá tính và... sexy không?

- Không cá tính mạnh, và ăn mặc kín đáo từ đầu đến cuối. Nhưng nhân vật có chất oái ăm và buồn cười...

- Liều lượng sex thường khá đậm đặc trong phim anh vì với anh sex là chủ đề lớn, còn lần này?

- Có, nhưng không dày đặc, và chỉ với những nhân vật trẻ. Trong tình yêu có tình dục, nhưng không ai đo đếm được bao nhiêu phần trăm tình yêu, tình dục...

- "Cha và con và..." sẽ khác nhiều so với “Bi, đừng sợ”?


- “Bi, đừng sợ” hơi nhiều biểu tượng. Phim này giản dị, có chất hài hước, trộn bi hài, cái hài rất rõ. Khán giả sẽ có cơ hội được cười nhiều, dù cũng phải khóc nhiều chỗ.

- Khi xem một phim nước ngoài quá hay, có khi nào Di có cảm thấy chán và bất lực vì mình sẽ không thể làm được một tác phẩm như thế? Có thể vì tài, vì điều kiện ở VN khó đủ thứ?


- Điều kiện ở VN không níu kéo, mà cái níu kéo nằm sâu trong cơ thể mình. Có những phim nước ngoài làm rất đơn giản, rất hay, họ như có “căn tính” để làm chuyện đó. Cứ làm tự nhiên, lấy hết năng lượng ra, cố gắng đi hết lựa chọn, suy nghĩ của mình đi. Hãy buông xả thoải mái, để đạt tới trạng thái thản nhiên thay vì ganh đua, nếu có sự ganh đua là với chính mình. Điện ảnh không phải là sản xuất xe hơi hàng loạt, mỗi cá nhân có một tiếng nói riêng và khi mình nói hết biết đâu lại là sự ngạc nhiên cho mọi người? Sự phức tạp, thông minh của đạo diễn không làm tôi ngạc nhiên, mà chỉ có tiếng nói nhỏ bé được cất lên đầy tự tin làm tôi hiểu thêm vể con người, khiến tôi xúc động...

Khi làm phim, đừng quan tâm người khác nghĩ về mình như thế nào, kệ nó. Điều cốt yếu là mình đã nói xong điều muốn nói... Không có gì ý nghĩa bằng cuộc sống của mình. Sự trưởng thành là đạt đến trạng thái đó.

- Tôn giáo với Di có ý nghĩa như thế nào?


- Tôn giáo có 1 cái vỏ nào đó, vì nó nằm trong một tiến trình xã hội. Tôn giáo hiểu sâu sắc là hành trình đi tìm lại mặt mình. Tìm cái thật nhất của mình, không gắn niềm tin vào người nào, mà gắn với chính mình. Nó nằm ngoài khái niệm.

Đức Phật nói: Phật ở trong anh, anh phải tìm khuôn mặt của anh, tôi không giúp anh được.

Mỗi con người sinh ra, quá trình lớn lên là mất đi... Nhưng đừng để bị giam hãm bởi các khái niệm.

- Di có quan tâm tới chiến lược phát triển điện ảnh VN và theo anh, phải bắt đầu từ đâu?

- So sánh nền điện ảnh VN với các nền điện ảnh khác, thấy họ được xây dựng trên nền tảng vững chắc hơn. Tác động của chính sách là một phần, cái chính là các cá nhân nghệ sĩ có phông văn hóa vững chắc, hòa nhập vào thế giới. Chúng ta đã làm gì để đầu tư cá nhân? Chưa làm gì cả!

Muốn đầu tư cá nhân, phải đi tìm tài năng, nuôi nó và tạo nền tảng học vấn hàn lâm cho họ. Hãy đọc hệ thống giáo trình điện ảnh Hoa Kỳ cực kỳ hàn lâm, chính xác. Những đạo diễn thành công của Thái Lan, Philippines... gặt hái thành công tại các LHP danh giá thế giới đều thấm đẫm trong văn hóa đỉnh cao phương Tây lâu rồi...