Lựa chọn duy nhất là cải cách, đổi mới hơn nữa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam vui mừng và tự hào về thành tựu 30 năm đổi mới nhưng chưa thể thỏa mãn, khát vọng về nền kinh tế thịnh vượng, người dân có cuộc sống ấm no, đòi hỏi phải đổi mới hơn nữa.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ công bố Báo cáo “Việt Nam 2035, Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ” ngày 23/2.

Hối thúc trách nhiệm giám sát giải trình
Sáng 23/2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tiếp Chủ tịch WB Jim Yong Kim. Tại buổi tiếp, Thủ tướng mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, đồng hành của WB trong thực hiện thành công các mục tiêu phát triển của Việt Nam, nhất là trong hỗ trợ nguồn lực; tìm kiếm, tiếp cận các nguồn tài trợ ưu đãi; tư vấn chính sách, hỗ trợ kỹ thuật… nhằm giúp Việt Nam giữ vững thành quả phát triển cũng như tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
6 đột phá để hiện thực hóa khát vọng 2035 mà Báo cáo đưa ra gồm: Xây dựng thể chế hiện đại; hiện đại hóa nền kinh tế và phát triển khu vực tư nhân trong nước có năng lực cạnh tranh cao; phát triển năng lực đổi mới sáng tạo; thúc đẩy hòa nhập xã hội; tăng trưởng có khả năng chống chọi với khí hậu; chuyển dịch không gian phát triển.
Kiến nghị trong Báo cáo sẽ được Chính phủ nghiên cứu đưa vào các chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là 5 năm tới, đồng thời, tiếp tục nghiên cứu sâu hơn và cập nhật kiến nghị quan trọng với tiến trình phát triển.
Phó Thủ tướng Chính phủ

Vũ Đức Đam

Nhà nước phải thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, tạo ra môi trường thuận lợi... nhằm tạo ra một làn sóng khởi nghiệp mạnh mẽ trong khối DN. Trong 3 trụ cột đề cập trong Báo cáo, trụ cột thứ ba cũng là trụ cột quan trọng nhất đó là nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước. Mức tăng trưởng cao 7% là đầy thách thức nếu không tiến hành cải cách hàng loạt các rào cản thể chế với nền kinh tế hiện nay.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT

Bùi Quang Vinh

Tại bản báo cáo công phu dày 130 trang này, các chuyên gia nhận định, với mục tiêu đặt ra tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt 7%/năm, Việt Nam có cơ hội trở thành nước có thu nhập trung bình cao vào năm 2035 như Malaysia hiện nay và Hàn Quốc vào giữa thập niên đầu của thế kỷ XXI. Lựa chọn duy nhất của Việt Nam là thực hiện cải cách dựa trên 3 trụ cột: Thịnh vượng về kinh tế đi đôi với bền vững về môi trường, thúc đẩy công bằng và hòa nhập xã hội, tăng cường năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước.

“30 năm đổi mới, thu nhập bình quân tăng gần 4 lần. Tuy nhiên, Việt Nam hiện vẫn còn là nước nghèo. Ta chưa bằng lòng, thỏa mãn với những gì đạt được, nhất là nhìn trong tương quan với các nước khu vực và thế giới có cùng điều kiện. Dư địa tăng trưởng nhờ lao động giá rẻ, khai thác tài nguyên không còn nhiều. Chấp nhận hội nhập tức là kinh tế Việt Nam chấp nhận cạnh tranh. Nâng cao năng lực cạnh tranh là đòi hỏi sống còn. Đây là tiền đề để Chính phủ Việt Nam cùng Ngân hàng Thế giới (WB) xây dựng Báo cáo Việt Nam 2015” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu.

Chủ tịch Nhóm WB, ông Jim Young Kim chia sẻ, Báo cáo khuyến nghị một chương trình cải cách hàng loạt rào cản thể chế với nền kinh tế hiện nay để cải thiện môi trường kinh doanh. Trước mắt phải nâng cao năng lực cạnh tranh của DN trong nước thông qua hoàn thiện, củng cố nền tảng của kinh tế thị trường. Đặc biệt là quyền sở hữu tài sản, các chính sách cạnh tranh công bằng, lành mạnh trong tiếp cận vốn, đất đai, tài nguyên và thông tin... "Không chỉ phải giảm số lượng và đầu tư, thực hiện quyết liệt cổ phần hóa, tăng cường quản trị DN Nhà nước mà Nhà nước còn phải chấm dứt ưu đãi cho những DN này cũng như các DN tư nhân thân hữu" - ông Kim nhấn mạnh.

Theo ông Kim, đổi mới kinh tế của Việt Nam phải được gắn với đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ. Tự do kinh tế được đảm bảo bởi thể chế thị trường mạnh, với những cơ chế chặt chẽ nhằm ràng buộc trách nhiệm giải trình của Chính phủ. Chính phủ Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ thực hiện cải cách này và hối thúc người dân tham gia giám sát trách nhiệm giải trình của Nhà nước thông qua sử dụng điện thoại thông minh, trao đổi thông tin qua mạng Twitter, Facebook...

Tập trung đầu tư vào con người

Việt Nam phải có mức tăng trưởng cao và ổn định liên tục trong 20 năm tới, với mức tăng GDP đầu người khoảng 7%/năm, và đến năm 2035 đạt mức 15.000 - 18.000 USD/người. Để đạt mục tiêu này, theo Nhóm nghiên cứu, con đường duy nhất là tăng năng suất lao động. Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh thừa nhận, năng suất lao động về lâu dài sẽ là tất cả. Một quốc gia có khả năng nâng được thu nhập bình quân đầu người hay không phụ thuộc vào việc có nâng được năng suất lao động hay không.

Liên tục sụt giảm từ cuối những năm 1990 đến nay đang khiến năng suất lao động Việt Nam ở mức gần thấp nhất trong khu vực. “Ngành công nghệ hiện đang bùng nổ, chúng ta phải hiểu Việt Nam cần đầu tư vào con người tới mức nào?" - Nhóm nghiên cứu đặt vấn đề. Trong tương lai, Việt Nam cần tập trung vào chất lượng của y tế, giáo dục và giáo dục đại học nhằm chuẩn bị cho nền kinh tế 15 - 20 năm tới để hòa nhập kịp trong một thế giới số hóa để tăng trưởng.

"Tăng năng suất lao động nhanh, bảo vệ môi trường và đổi mới sáng tạo trong hoạt động kinh tế sẽ giúp Việt Nam tăng trưởng nhanh. Đầu tư vào chất xám, con người cũng là phá bỏ rào cản giàu nghèo hướng tới một xã hội văn minh, giúp Việt Nam giữ vững thành tích ấn tượng về bình đẳng và hòa nhập xã hội" - ông Kim cho biết và khẳng định, thời gian tới, WB sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam theo nhiều cách khác nhau. Trong đó sẽ tập trung vào việc huy động nguồn vốn, chuyển giao tri thức và nhất là sẽ tập trung đầu tư vào con người để Việt Nam thực hiện định hướng đến năm 2035 trở thành một xã hội công bằng, thịnh vượng, dân chủ. 
Kể từ khi tiến hành Đổi mới đến nay, tỷ trọng khu vực Nhà nước luôn dao động ở mức 33% GDP. Mặc dù đã tiến hành cải cách song Nhà nước vẫn tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế trực tiếp qua các DN Nhà nước và gián tiếp thông qua sự gắn kết chặt chẽ với một nhóm đặc quyền trong khu vực tư nhân trong nước. Điều đó có nghĩa là Việt Nam cần có những nỗ lực có ý nghĩa hơn nhằm tái cơ cấu DN Nhà nước (bao gồm mở rộng cổ phần hóa) và khuyến khích khu vực tư nhân phát triển hơn nữa.
Trong ngành nông nghiệp, năng suất lao động tăng trưởng vững chắc nhưng vẫn ở mức thấp hơn rõ rệt so với hầu hết các quốc gia thu nhập trung bình trong khu vực. Bên cạnh nâng cao năng suất, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng hiện đại, Việt Nam có thể triển khai song song hướng tới phát triển ngành dịch vụ.
Chủ tịch WB Jim Yong Kim

Là một nền kinh tế thương mại quy mô nhỏ và ngày càng mở cửa, Việt Nam sẽ đạt được nhiều lợi ích từ tự do hóa thương mại, ước tính ban đầu cho thấy, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có thể giúp GDP của Việt Nam tăng trưởng thêm tới 8%. Trong khi Việt Nam đã sẵn sàng để phát triển nhanh chóng, đất nước sẽ đối mặt với những thách thức và nút thắt để phát triển bền vững, đòi hỏi cấp thiết phải có những cải cách tổng thể về cơ sở hạ tầng và môi trường kinh doanh.
Chuyên gia kinh tế trưởng của WB tại Việt Nam Sandeep Mahajan

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần