Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lừa đảo dạng đa cấp: Bình mới, rượu cũ

Bài, ảnh: Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Cơn bão” lừa đảo dạng bán hàng đa cấp tưởng như đã đi qua khi cơ quan chức năng vạch trần hàng loạt phương thức, thủ đoạn, tuy nhiên, lợi dụng thị hiếu kinh doanh mới, các đối tượng lừa đảo vẫn âm thầm hoạt động và lừa đảo thành công hàng nghìn người dân.

Cuối tuần qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an phối hợp với Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50, Bộ Công an) bắt khẩn cấp các đối tượng Nguyễn Hữu Tiến (SN 1984, trú tại TP Hồ Chí Minh) cùng 2 đồng phạm để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, lực lượng chức năng triệu tập hàng chục người khác có liên quan. Theo điều tra ban đầu, 6.000 người đã ký kết đầu tư với nhóm lừa đảo chuyên nghiệp này với tổng số tiền lên đến 200 tỷ đồng.
 Đối tượng Nguyễn Hữu Tiến.
Tài liệu điều tra thể hiện, Nguyễn Hữu Tiến thành lập và điều hành Công ty Thiên Rồng Việt vào năm 2015; Công ty CP OTCMAX vào năm 2016 hoạt động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Theo giấy phép, hai công ty này hoạt động kinh doanh đa ngành nghề nhưng trong thực tế thì không sản xuất, kinh doanh bất cứ hàng hóa, dịch vụ gì cụ thể. Hoạt động chính của nhóm đối tượng là lấy pháp nhân để huy động vốn, chiếm đoạt tài sản. Cũng như mọi đối tượng lừa đảo khác, Tiến cùng đồng bọn không tiếc tiền quảng cáo bằng nhiều hình thức, thu hút sự chú ý của người dân. Nắm được lượng lớn người quan tâm, các đối tượng tung đòn lừa đảo quyết định. Theo đó, tại các cuộc hội thảo được thuê ở những địa điểm sang trọng, nhóm đối tượng giới thiệu những dự án “ma” như mua lại Quỹ Tín dụng Nhân dân cơ sở Quảng Phú (Thanh Hóa); đầu tư khai thác mỏ cát nước ngọt tại tỉnh Bình Thuận; hợp tác đầu tư với các tập đoàn uy tín để xây dựng trung tâm thương mại…

Nhóm đối tượng phân tích thị trường, dự tính lợi nhuận “ảo” hàng trăm tỷ đồng từ các dự án “ma” và không quên mời chào đầu tư với lãi suất không tưởng. Khi nhà đầu tư góp vốn, công ty pháp nhân của Tiến sẽ ký hợp đồng thỏa thuận hợp tác, cam kết trả lợi nhuận theo các gói đầu tư liên tục. Cụ thể, trong thời gian 90 ngày làm việc, mức lợi nhuận lên đến 1,8%/ngày. Nhà đầu tư được cấp mã code cá nhân (mã đầu tư) có giá từ 2,5 - 250 triệu đồng. Trước “hiệu ứng đám đông”, hàng nghìn người đã nộp tiền tham gia đầu tư.

Thực tế, lợi nhuận mà nhà đầu tư được hưởng là lấy từ nguồn vốn góp của chính họ hay lấy của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước. Ngoài ra, mức lợi nhuận “khủng” này chỉ được trả tương ứng theo một thời gian ngắn nhất định. Sau thời điểm này, nhà đầu tư được khất lần với đủ mọi lý do nhằm kéo dài. Sau thời gian 4 tháng lôi kéo, không còn nhà đầu tư mới, nhóm đối tượng đánh sập hệ thống, xóa mọi dấu vết phạm pháp…

Nằm im một thời gian dài, nhận thấy một số người dân quan tâm, đầu tư vào tiền ảo vcoin, đối tượng Tiến âm thầm chuẩn bị thực hiện một hệ thống lừa đảo mới. Theo đó, tháng 9/2017, Tiến làm thủ tục đổi tên Công ty CP OTCMAX thành Công ty CP VNCOIN. Các đối tượng tiếp tục dùng thủ đoạn cũ nhằm thu hút giới đầu tư tiền ảo thì bị lực lượng chức năng bắt giữ. Hiện, cơ quan công an đang củng cố căn cứ để làm rõ việc lừa đảo người dân thông qua đầu tư tiền ảo vcoin…

Từ thực tế của rất nhiều vụ án trước đó, cơ quan công an tiếp tục khuyến cáo người dân nên thận trọng, tìm hiểu kỹ trước khi đầu tư hợp tác kinh doanh. Bởi lẽ, khi các đối tượng lừa đảo đánh sập hệ thống, tẩu tán tài sản thì khả năng thu hồi lại được tiền là rất nhỏ.