Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lừa đảo đất đai nhìn từ vụ địa ốc Alibaba

Thái San
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vẽ dự án “ma”, mua đất trên giấy là chiêu lừa không mới trong ngành bất động sản nhiều năm qua, nhưng nó vẫn xảy ra. Vụ việc Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba mới đây lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của hơn 6.700 khách hàng tiếp tục rung hồi chuông cảnh báo cho những người thiếu hiểu biết, nhẹ dạ, cả tin vào các dự án trên giấy.

Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện các quyết định khởi tố, bắt giam đối với lãnh đạo Công ty Alibaba.
Chiếm đoạt tài sản từ những dự án "ma"
Ngày 15/10, Công an TP Hồ Chí Minh đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam bà Huỳnh Thị Ngọc Như (29 tuổi) - nguyên Phó Tổng Giám đốc phụ trách đối ngoại và đào tạo của Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba cùng 5 người khác về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. Công an TP Hồ Chí Minh cáo buộc bà Huỳnh Thị Ngọc Như và đồng phạm giúp sức cho cho Nguyễn Thái Luyện - Chủ tịch HĐQT Địa ốc Alibaba trong việc lừa đảo khách hàng, chiếm đoạt tài sản. Cụ thể, vai trò của bà Như tại Địa ốc Alibaba là đào tạo hàng nghìn nhân viên cách thức bán dự án "ma", giúp Luyện ký hợp đồng với hơn 3.000 người, thu được 1.800 tỷ đồng. Tháng 9/2019, khi Luyện bị bắt, hàng trăm người kéo đến công ty đề nghị lấy lại tiền, bà Như cho người livestream trấn an rằng tiền của họ “an toàn" vì đang được công an giữ, Luyện không phạm tội.

Địa ốc Alibaba được thành lập năm 2016, ngành nghề kinh doanh chính là môi giới, kinh doanh bất động sản. Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thái Luyện góp vốn khoảng 80%, 2 cổ đông còn lại là Nguyễn Thái Lĩnh và Nguyễn Thái Lực (đều là anh em ruột của Luyện). Tháng 10/2019, Công an TP Hồ Chí Minh đã khởi tố bị can, bắt giam Nguyễn Thái Luyện, Nguyễn Thái Lĩnh, Nguyễn Thái Lực về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Ngoài ra, Lực còn bị khởi tố về tội rửa tiền. Đến tháng 3/2020, Công an TP Hồ Chí Minh khởi tố thêm 14 bị can khác về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong đó, 11 người bị bắt tạm giam là giám đốc và tổng giám đốc các công ty con của Địa ốc Alibaba. Một người liên quan là vợ của Luyện (được cho tại ngoại). Cơ quan điều tra xác định Luyện chủ mưu, cầm đầu vụ án khi chỉ đạo và cùng Lĩnh thành lập Địa ốc Alibaba và các công ty thành viên, quy mô hơn 2.600 nhân viên.

Từ đó, công ty thu gom mua số lượng lớn đất nông nghiệp với tổng diện tích khoảng hơn 600ha, giao cho các cá nhân (người thân) đứng tên, tự vẽ ra hơn 40 dự án không có thật tại các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, chưa làm thủ tục pháp lý, chưa được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, cấp phép. Sau đó, nhóm này quảng cáo là đất nền dự án để bán cho khách hàng. Tính đến ngày 30/6/2019, Địa ốc Alibaba đã ký hợp đồng bán đất nền cho hơn 6.700 khách hàng, thu hơn 2.650 tỷ đồng. Các đối tượng hoạt động với phương thức, thủ đoạn tinh vi, núp bóng hoạt động kinh doanh bất động sản nhưng thực chất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức huy động vốn theo phương thức đa cấp. Cơ quan điều tra xác định tất cả các dự án do Địa ốc Alibaba tự vẽ ra đều không có thật và không thể tách thửa, chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang đất ở như thông tin quảng cáo.

Tự dựng lên những dự án "ma" trên đất nông nghiệp để phân lô rao bán nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, ngoài Địa ốc Alibaba, các DN như Công ty Angel Lina, Hoàng Kim Land, Hưng Thịnh Phát… thời gian qua cũng đã lừa đảo hàng nghìn tỷ đồng của khách hàng. Lợi dụng tâm lý thích đất nền, cam kết khả năng tăng giá trị đất chỉ trong một thời gian ngắn, các DN này đã thuyết phục được người mua xuống tiền nhanh chóng.

Người dân có quyền tiếp cận thông tin về đất đai

Từ vụ địa ốc Alibaba, các chuyên gia pháp lý cho rằng, cần thận trọng xác định tính pháp lý của dự án. Đất đai vốn là tài sản thuộc sở hữu quốc gia, dự án hợp pháp bao giờ cũng phải có đầy đủ giấy tờ được nhà nước công nhận. Một điểm đáng lưu ý khác, việc triển khai cơ sở hạ tầng luôn phải có văn bản chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền, cần kiểm tra các văn bản này để đánh giá tính hợp pháp của dự án. Cùng đó, phải kiểm tra kỹ hợp đồng trước khi ký. Trong một thương vụ mua bán đất nền, có rất nhiều loại hợp đồng với tên gọi khác nhau, như: Hợp đồng đặt cọc, hợp đồng nguyên tắc, hợp đồng hợp tác, hợp đồng mua bán... Nhiều khách hàng hầu như đều bỏ qua bước kiểm tra hợp đồng vì quá lằng nhằng. Ngoài ra, phải xem xét, tìm hiểu rõ uy tín chủ đầu tư, “chọn mặt gửi vàng”…

Liên quan vụ việc, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông nhận định, bà Huỳnh Thị Ngọc Như - nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba cùng những người khác bị khởi tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự với vai trò đồng phạm giúp sức cho bị can Nguyễn Thái Luyện. Phương thức thực hiện hành vi lừa đảo của các đối tượng không mới, tuy nhiên do hám lợi nên nhiều người đã tin vào quảng cáo, nghe theo lời dụ dỗ của các đối tượng với mức lãi khủng 38% năm. Rất ít lĩnh vực kinh doanh hợp pháp nào mà có mức lợi nhuận cao như vậy. Khách hàng cần tỉnh táo để không nghe những lời quảng cáo “có cánh, rót mật vào tai”.

“Để không xảy ra các vụ việc tương tự, những nhà đầu tư, những người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất cần tìm hiểu kỹ hồ sơ pháp lý của các dự án đầu tư bất động sản xem tình trạng pháp lý của các lô đất mình sẽ nhận chuyển nhượng có được phép giao dịch hay không? Đó là đất nông nghiệp hay phi nông nghiệp, có thuộc đất nhà nước thu hồi để xây dựng công trình công cộng hay không?... Nếu hồ sơ pháp lý của dự án không đầy đủ thì không nên nhận chuyển nhượng. Nhà đầu tư và khách hàng có thể liên hệ với cơ quan Nhà nước như UBND cấp huyện, Phòng TN&MT cấp huyện để tìm hiểu về tình trạng pháp lý của các lô đất mà mình dự kiến mua để tránh mua phải lô đất không hợp pháp” - luật sư Nguyễn Hữu Toại nêu quan điểm.

Đồng quan điểm, trao đổi với báo Kinh tế & Đô thị, GS-TS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, Văn phòng Đăng ký đất đai cần mở cửa tiếp nhận ý kiến người dân hỏi về hồ sơ đất đai đó, việc chuyển nhượng có hợp pháp, vướng quy hoạch không, bởi đây là nơi nắm giữ toàn bộ hồ sơ pháp lý về đất đai, phải có trách nhiệm trả lời ý kiến cho người dân. Theo Luật Tiếp cận thông tin năm 2016, người dân có thể đến hỏi, Văn phòng Đăng ký đất đai phải trả lời, tuy nhiên, sau khi Luật Tiếp cận thông tin được ban hành, phải có hướng dẫn thi hành Luật, Bộ TN&MT phải có Thông tư hướng dẫn trách nhiệm của Văn phòng Đăng ký đất đai trả lời về thông tin đất đai, tuy nhiên hiện nay chưa có hướng dẫn đó, trong khi người dân có quyền tiếp cận thông tin về đất đai. Nhiều văn phòng không trả lời, không nhận trách nhiệm trả lời, khiến khách hàng chỉ biết gửi gắm niềm tin vào chủ đầu tư. Nếu chủ đầu tư gian dối, lừa đảo sẽ khiến khách hàng phải chịu thiệt thòi, mất tiền…
Nếu hồ sơ pháp lý của dự án không đầy đủ thì không nên nhận chuyển nhượng. Nhà đầu tư và khách hàng có thể liên hệ với cơ quan Nhà nước như UBND cấp huyện, Phòng TN&MT cấp huyện để tìm hiểu về tình trạng pháp lý của các lô đất mà mình dự kiến mua để tránh mua phải lô đất không hợp pháp.

Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông - luật sư Nguyễn Hữu Toại