Bình cũ, rượu mớiTrong thời gian qua, nhiều bạn đọc đã phản ánh tới báo Kinh tế & Đô thị về việc mình đã nhận được những tin nhắn có liên quan đến nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN của BHXH Việt Nam. Tuy nhiên, những tin nhắn dạng này lại có nhiều dấu hiệu khác thường, tương tự với nội dung lừa đảo đã từng xuất hiện trước đây. Cụ thể, các tin nhắn phản ánh được gửi tới từ các đầu số lạ, không thuộc về bất kỳ cơ quan nào của BHXH Việt Nam như +84563…; +84528…; +84582… Nội dung tin nhắn thường có dạng: “[T.B] BHXH: Ong (Ba) da du d!eu k!en NHAN T1EN h0 tro tu quy BH-TN. Bam vao www.mvndc.icu de lay. QUA HAN SE KH0NG_DUOC CHAP NHAN! oZGa” hoặc “Ban da du d!eu k!en NHAN TIEN h0 tro tu quy BH-TN. Bam vao N85k.smkbid.icu) de lay. QUA HAN SE KHONG_DU0C CHAP NHAN!”…
Không dừng lại ở đó, một số bạn đọc còn nhận được các cuộc gọi từ những đầu số như +4841900… hoặc mạng xã hội Zalo với yêu cầu làm theo hướng dẫn để nhận được tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN.
Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, khi truy cập vào liên kết được gửi kèm qua tin nhắn hoặc Zalo nói trên, người dùng sẽ tới một website có giao diện giống như một trang giao dịch của ngân hàng. Tại đó, người dùng được yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã OTP tài khoản ngân hàng để đáp ứng yêu cầu được nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN. Tuy nhiên, ngoại trừ thông báo đã đăng ký thành công thì sẽ không có bất kỳ thông tin gì khác phản hồi tới người dùng.
Nói về tình trạng trên, BHXH Việt Nam khẳng định, cơ quan này không gửi bất kỳ tin nhắn hoặc thực hiện cuộc gọi nào có nội dung như trên. Những tin nhắn, cuộc gọi như vậy là của đối tượng lừa đảo, lợi dụng thông tin về chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 116/NQ-CP của Chính phủ đối với NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 từ Quỹ BHTN nhằm trục lợi.
BHXH Việt Nam cũng cảnh báo người dân không nên tin bất kỳ tin nhắn nào được gửi đến nếu tổng đài gửi không có chữ "BHXHVN" hoặc “BHXH HA NOI” (các địa phương khác trên toàn quốc sẽ có tên tương tự như BHXH Hà Nội) hiển thị tại phần số điện thoại của người gửi tin nhắn. Bên cạnh đó cũng không được thực hiện các yêu cầu truy cập vào những đường dẫn như tin nhắn lừa đảo đưa ra để tránh lộ thông tin cá nhân và bị truy cập tài khoản ngân hàng chiếm đoạt tiền.
Đáng lưu ý, trong thời gian qua đã ghi nhận được tại một số địa phương như Hà Nội, Hưng Yên đã có người dân mất cảnh giác, truy cập các liên kết lừa đảo nói trên và bị kẻ xấu chiếm đoạt thành công tiền trong tài khoản ngân hàng cá nhân. Có trường hợp đã bị lừa tới 35 triệu đồng. BHXH Việt Nam khuyến nghị thêm, khi nhận được các tin nhắn như trên, người dân có thể thông báo đến số hotline 1900.9068 để được tư vấn, hỗ trợ và giải đáp kịp thời. Ngoài ra, người dân có thể chủ động tra cứu thông tin hưởng hỗ trợ từ Quỹ BHTN tại Cổng Thông tin điện tử BHXH Việt Nam tại địa chỉ baohiemxahoi.gov.vn .
Người lao động cần cảnh giácTrên thực tế, trong vòng 2 năm trở lại đây, tình trạng lợi dụng đại dịch Covid-19 khiến cuộc sống của người dân khó khăn để trục lợi qua hình thức nhắn tin, gọi điện, gửi email… là khá phổ biến. Tuy có khác nhau về nội dung thực hiện nhưng về cách thức và mục đích đều tương tự.
Cách đây không lâu, nhiều ngân hàng trong nước đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng nhiều khách hàng là nạn nhân của những email, tin nhắn mạo danh ngân hàng gửi thông báo về gói hỗ trợ Covid-19. Thậm chí là giả mạo cả Bộ Y tế hay Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đều dụ người dùng khai báo thông tin cá nhân nhằm được hưởng khoản tiền hỗ trợ Covid-19 từ những cơ quan này. Và đích đến cuối cùng của những nạn nhân nhẹ dạ là tiền trong tài khoản ngân hàng của mình bị “bốc hơi”.
Nói về tình trạng lừa đảo mạng lợi dụng đại dịch Covid-19, Giám đốc Trung tâm An toàn không gian mạng quốc gia Trần Quang Hưng cho biết, đại dịch đã khiến cho nhu cầu làm việc qua điện thoại, internet của người dùng tăng mạnh và cũng chính từ đó tình trạng lừa đảo cũng bùng phát rõ rệt. Tuy vẫn là những thủ đoạn quen thuộc thường thấy nhưng hiện tại lừa đảo qua mạng đã có nhiều thay đổi lớn về quy mô cũng như mức độ tinh vi. Trong đó giả mạo các cơ quan Nhà nước như Bộ Y tế, BHXH… là khá phổ biến.
Một trong những cách dễ nhận ra lừa đảo nhất là người dùng sẽ bị kẻ gian dụ dỗ cài đặt một phần mềm không rõ nguồn gốc hoặc truy cập vào website trong đó bắt buộc phải cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản truy cập của Zalo, Facebook hay ngân hàng. Đặc biệt, việc yêu cầu cung cấp mã OTP để thực hiện chuyển/gửi tiền thì chắc chắn là giả mạo.
Đề cập đến việc xuất hiện nhiều đầu số lừa đảo nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN, bà Dương Thị Minh Châu – Trưởng phòng Truyền thông và phát triển đối tượng, BHXH TP Hà Nội nêu rõ, NLĐ không nên vội vàng nghe điện thoại từ người lạ, nhất là với những thông tin mập mờ, không chính xác về việc nhận hỗ trợ từ Quỹ BHTN vì thời gian nhận hỗ trợ là đến ngày 31/12/2021. “Nếu người dân nhận được tin nhắn từ các đầu số +84563…; +84528…; +84582… thì không kê khai, trả lời, click vào đường link lạ, không cung cấp mã OTP” – bà Châu lưu ý.
Trước đó, BHXH TP Hà Nội đã cảnh báo NLĐ đề phòng các tin nhắn có đầu số +52... nhằm trục lợi, lừa đảo tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN của NLĐ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Đến nay, trên địa bàn TP lại bắt đầu xuất hiện các số điện thoại có đầu số +4841900.... gọi điện trực tiếp yêu cầu NLĐ làm theo hướng dẫn để nhận tiền hỗ trợ. Thủ đoạn này thường đánh vào tâm lý người nghe rồi kê khai tài sản, tiền có trong tài khoản ngân hàng. Do đó, NLĐ cần nâng cao cảnh giác ở mức tối đa, cũng như bình tĩnh xác minh, tránh bị lợi dụng đối với các cuộc gọi đến từ số điện thoại lạ, số điện thoại quốc tế tự xưng là cơ quan BHXH.
Liên quan đến việc chi trả các đối tượng thực hiện theo Nghị quyết 116/NQ-CP, bà Châu cũng cho biết thêm, nhận tiền hỗ trợ từ Quỹ BHTN, NLĐ không phải làm bất cứ thủ tục nào. Hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết 116 có 2 đối tượng. Thứ nhất là đối tượng đã chấm dứt hợp đồng lao động, thủ tục NLĐ tự làm. Thứ hai là đối tượng do đơn vị sử dụng lao động quản lý, ngành BHXH đã gửi danh sách về cho các đơn vị. Sau khi đã làm đợt 1, hiện vướng mắc ở đợt 2 là những NLĐ lệch quá trình thời gian đóng BHTN, chưa khớp với cơ quan BHXH, phải nhanh chóng lập mẫu 02 đề nghị lên để đơn vị, cơ quan BHXH rà soát giúp NLĐ sớm được hưởng quyền lợi. Tuy nhiên, hiện nay, còn khoảng 8% các đơn vị chưa gửi lại mẫu 01. Ngành BHXH Hà Nội đề nghị các đơn vị đã nhận được mẫu 01 nhanh chóng phối hợp với cơ quan BHXH, trả lại mẫu 02 để thực hiện hỗ trợ người lao động.
Kết quả thực hiện Nghị quyết 116/NQ-CP, tính đến ngày 15/11, BHXH TP Hà Nội đã hỗ trợ chi cho 1.511.666 lao động, trong đó 1.434.781 lao động đang tham gia BHTN và 76.885 lao động đã dừng tham gia BHTN (bảo lưu). Số tiền chi hỗ trợ 3.687 tỷ đồng, trong đó chi cho người đang tham gia BHTN là 3.530 tỷ đồng, người dừng tham gia BHTN (bảo lưu) là 157 tỷ đồng. |
Bên cạnh việc tự trang bị các kiến thức, kỹ năng cơ bản nhằm tránh khỏi tình trạng mất an toàn thông tin trên mạng, người dùng có thể truy cập tới các hệ thống cảnh báo website có dấu hiệu lừa đảo hoặc giả mạo tại địa chỉ canhbao.ncsc.gov.vn hoặc hệ sinh thái Tín nhiệm mạng - tinnhiemmang.vn. Tại đây, người dùng sẽ được cung cấp thông tin đã được kiểm chứng về những website, DN có uy tín hay không.Giám đốc Trung tâm An toàn không gian mạng quốc gia Trần Quang Hưng |