Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lừa đảo qua điện thoại: Chiêu cũ vẫn nhiều người mắc

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mặc dù cơ quan công an đã cảnh báo thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại “xưa như trái đất” của tội phạm giả danh nhân viên bưu điện, công an, viện kiểm sát… nhưng không ít nạn nhân sập bẫy với số tiền bị lừa lên đến hàng tỷ đồng.

Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, luật sư Nguyễn Hữu Toại - Giám đốc Công ty Luật Hừng Đông cho hay, mới đây anh nhận được cuộc điện thoại từ số lạ +884243956xxx. Đầu dây bên kia là giọng của người đàn ông rất đanh thép: “Anh có phải là anh Toại không?
Tôi là Tuấn - điều tra viên của cơ quan cảnh sát điều tra. Chúng tôi nhận được đơn của Công ty CP Tài chính tố cáo anh nợ công ty 150 triệu đồng không chịu trả. Yêu cầu anh chuyển tiền vào tài khoản của chúng tôi để trả khoản nợ kia, nếu không chúng tôi sẽ thi hành lệnh bắt anh”.
 Ảnh minh họa.
Luật sư Nguyễn Hữu Toại rất ngạc nhiên vì mình không nợ tiền bất cứ công ty nào. Đồng thời cho biết mình hành nghề luật sư, thường xuyên làm việc với cơ quan điều tra. Nghe thấy thế, “điều tra viên” phía đầu dây bên kia vội vàng tắt máy.
“Khi nhận được các cuộc điện thoại thế này, nhiều người không đủ bình tĩnh, không am hiểu pháp luật để có thể đánh giá đây là hành vi lừa đảo của tội phạm. Do đó, người dân cần phải đề cao cảnh giác bọn lừa đảo nhân danh các cơ quan tố tụng” – luật sư Toại chia sẻ.
Bản thân phóng viên viết bài này cũng từng nhận được điện thoại giả danh nhân viên bưu điện báo có bưu phẩm quan trọng, đề nghị được mở hộ bưu phẩm. Sau khi đã mở hộ, đầu giây bên kia đọc lệnh triệu tập của tòa án vì nợ ngân hàng một số tiền “khủng”, khiến phóng viên hoang mang mất một lúc mới kịp thời trấn tĩnh, bình tĩnh, nhận diện thủ đoạn lừa đảo qua điện thoại của các đối tượng mà cơ quan công an đã cảnh báo.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã thụ lý, điều tra vụ "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Theo đó, bà Trương Mỹ P. (SN 1981, ở quận 11, TP Hồ Chí Minh) bị một người lạ gọi điện cho biết cơ quan công an thông báo bà có liên quan đến đường dây mua bán ma túy.
Sau đó, người này yêu cầu bà P. chuyển tiền vào số tài khoản "lạ" để xác minh, giám định nguồn gốc tiền, nếu xác định không liên quan đến hành vi phạm tội sẽ trả lại. Lo sợ, bà P đã chuyển hơn 3,2 tỷ đồng vào 3 số tài khoản lần lượt mang tên Đặng Đình Mạnh, Lỡ Phước Lĩnh và Nguyễn Quý Sang…
Với thủ đoạn tương tự, các đối tượng đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 1,6 tỷ đồng của bà Lại Thị Mười Tư (trú tại quận Bình Tân, TP Hồ Chí Minh) và gần 1,3 tỷ đồng của bà Ngô Thanh Hà (ở quận 11, TP Hồ Chí Minh). Các đối tượng lừa đảo sau đó đã chuyển toàn bộ số tiền này sang các tài khoản khác để chiếm đoạt.
Liên quan các đối tượng lừa đảo qua điện thoại mạo danh cơ quan chức năng đang diễn biến phức tạp như hiện nay, Công an TP Hà Nội khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin về thẻ ngân hàng, số tài khoản, thông tin internet banking cho các đối tượng.
Ngoài ra, không có việc điều tra viên, lực lượng công an gọi điện thoại thông báo như hình thức trên. Nếu gặp phải các đối tượng này, người dân có thể ghi lại thông tin của các đối tượng như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng... để cung cấp cho lực lượng chức năng điều tra truy bắt các đối tượng lừa đảo.

Ngày 3/3, Bộ TT&TT đã đưa ra cảnh báo về hiện tượng lừa đảo qua điện thoại. Đồng thời, khuyến cáo người dân nâng cao cảnh giác, không chuyển tiền hoặc cung cấp thông tin cá nhân cho người lạ qua điện thoại. Nếu phát hiện ra hiện tượng trên, người dân cần trình báo ngay cho cơ quan công an để xử lý. Số điện thoại trực ban hình sự của Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) là: 0692348560.