Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lừa đảo qua mạng: Người cao tuổi và sinh viên đang là nạn nhân chính

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo ông Trần Quang Hưng- Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, thời gian qua các nhóm người dùng bị lừa đảo trực tuyến đang có sự dịch chuyển mạnh sang đối tượng là người cao tuổi và sinh viên.

Lừa đảo trực tuyến- hiểm họa rình rập

Thời gian vừa qua, các vụ lừa đảo trực tuyến đã và đang diễn biến phức tạp trên môi trường số. Thống kê của Cục An toàn thông tin cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2023, lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng tới 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 37,82 % so với 6 tháng cuối năm 2022.

Bộ Công an cho biết, có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam, nhắm vào các nhóm đối tượng: Người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng...

Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi khiến nhiều người sập bẫy
Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi khiến nhiều người sập bẫy

Chị N.T.N - sinh viên năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền (Hà Nội) chia sẻ: Năm nhất, chị N có tìm việc trên hội nhóm Facebook và có để lại bình luận. Sau đó, một người nhắn tin cho chị N muốn tuyển cộng tác viên với mức lương rất hời. Nghĩ vừa được làm online, lương lại cao nên chị N liền đồng ý.

Trong số các chiêu trò lừa đảo, số người bị mắc bẫy nạp tiền qua mạng là rất cao. Mặc dù rất nhiều phương tiện truyền thông đã cảnh báo, song số người bị lừa, đặc biệt là sinh viên vẫn không có dấu hiệu dừng lại.

Thời gian đầu, nhiệm vụ đơn giản là like và bình luận vào video quảng cáo sản phẩm theo yêu cầu; sau 3 lần thực hiện thì sẽ được nhận thù lao. Sau đó, nhóm lừa đảo bắt đầu yêu cầu chị N chèn thêm các lệnh đặt hàng.

Sau khi khách hàng chuyển khoản, bên lừa đảo yêu cầu chị N. đăng ký một tài khoản qua website của họ, lấy lý do đối tác giải ngân qua đó. Bước tiếp theo là yêu cầu liên kết ngân hàng để rút tiền.

“Thời gian đầu, các đối tượng sẽ để tôi rút được tiền về tài khoản ngân hàng thành công. Sau đó, các đối tượng rút sạch tiền từ tài khoản ngân hàng của tôi do có liên kết với website từ trước. Lần đó tôi bị mất khoảng 6 triệu” - chị N. nhớ lại.

Bên cạnh sinh viên, người cao tuổi cũng là đối tượng mà lừa đảo qua mạng hướng tới.

Mới đây, ngày 4/7/2023, Công an phường Thạch Bàn tiếp nhận đơn trình báo của bà P. (SN 1951, ở quận Long Biên, Hà Nội) về việc bà P. có nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ Công an. Đối tượng nói bà P. có liên quan đến đường dây mua bán ma túy và yêu cầu bà phải chuyển tiền để phục vụ điều tra. Do lo sợ nên bà P. đã chuyển gần 200 triệu đồng vào tài khoản của đối tượng. Sau đó bà phát hiện bị lừa nên đã đến cơ quan Công an trình báo.

Trên đây chỉ là một trong số ít trường hợp là sinh viên hay người cao tuổi bị lừa. Lợi dụng việc nhẹ dạ cả tin của sinh viên (việc nhẹ, lương cao, không tốn thời gian), các đối tượng đánh vào tâm lý người già (liên lụy con cái, ảnh hưởng gia đình..) để chiếm đoạt, lừa đảo tài sản.

Cần thận trọng để không rơi vào bẫy

Theo ông Trần Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin: Lừa đảo trực tuyến tăng mạnh trong thời gian gần đây một phần là do các đối tượng lừa đảo đã tận dụng được các tiện ích, công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, hiệu quả, giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn.

Mặt khác, Cục An toàn thông tin cũng nhận thấy, các nhóm lừa đảo trực tuyến hiện nay không còn chỉ giới hạn tại Việt Nam mà phần lớn đã hình thành các tổ chức lừa đảo ở các nước lân cận như Campuchia, Lào, Philippines. Những nhóm này cũng tập hợp được nhiều người Việt tham gia, tập trung tại các cơ sở ở các nước.

Trên cơ sở nhận định lừa đảo trực tuyến vẫn diễn ra mạnh còn là người dùng chưa được cập nhật đầy đủ và sớm về các hình thức lừa đảo, Cục An toàn thông tin cho rằng, ngoài việc xử lý về công nghệ, biện pháp kỹ thuật, một việc quan trọng không kém là làm sao thúc đẩy, tuyên truyền những thông tin về các hình thức lừa đảo trực tuyến đến được càng nhiều người càng tốt.

“Khi mỗi người dân, mỗi đối tượng yếu thế biết được cách nhận diện các hình thức lừa đảo, họ sẽ cảnh giác hơn, giúp cho câu chuyện lừa đảo trực tuyến sẽ giảm trong thời gian tới”, ông Trần Quang Hưng chia sẻ.

Công an TP Hà Nội cũng như các cơ quan chức năng khuyến cáo, kẻ lừa đảo sẽ dùng thêm phần mềm hỗ trợ để có thể chuyển hình ảnh từ video call đến với bước định danh - KYC. Sau khi tài khoản ngân hàng được kích hoạt, các đối tượng sẽ sử dụng để lừa đảo, nạn nhân sẽ không chứng minh được sự vô can của mình.

Không chỉ vậy, trong các cuộc gọi có hình, các đối tượng lừa đảo sẽ xuất hiện trong hình ảnh mặc quần áo công an, ngồi trong phòng được thiết kế y như phòng làm việc của cơ quan công an với bảng tên, phù hiệu, ảnh Bác Hồ, bằng khen; lời nói của các đối tượng cũng rất đanh thép, chuyên nghiệp y như công an thật.

Lực lượng công an đã nhiều lần khuyến cáo, cơ quan công an không làm việc online, không mời, triệu tập, làm việc qua điện thoại và tất cả được giải quyết tại trụ sở.

Bộ TT&TT cũng đã thực hiện nhiều biện pháp quyết liệt bảo vệ người dân trên không gian mạng như phát triển các trang thông tin, xử lý tin nhắn rác, lừa đảo (chongthurac.vn); trang cảnh báo an toàn thông tin Việt Nam (canhbao.khonggianmang.vn); cung cấp công cụ nhận diện lừa đảo trực tuyến, kỹ năng phòng, chống lừa đảo (congcu.khonggianmang.vn)…

Mỗi người dân cần tự nâng cao nhận thức của bản thân, tuyên truyền để người thân, bạn bè nắm được thông tin tránh để kẻ xấu lợi dụng gây thiệt hại về tài sản.