Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lừa góp vốn kinh doanh thiết bị y tế, nẫng hơn 7,8 tỷ đồng

Bảo Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TAND TP Hà Nội vừa đưa ra xét xử bị cáo Lâm Hồng Nhung, SN 1991, trú tại quận Long Biên, Hà Nội, về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Tuy nhiên, do vắng mặt một số bị hại và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan nên phiên tòa phải trì hoãn.

Theo cáo trạng, do cần tiền chi tiêu cá nhân và trả nợ, khoảng tháng 6/2021, Lâm Hồng Nhung nảy sinh ý định lừa đảo. Nhung đưa ra các thông tin gian dối là bản thân đang kinh doanh các thiết bị y tế như: khẩu trang, cồn, máy đo nồng độ oxy máu… với Bệnh viện Thu Cúc, Tập đoàn Hương Sen và có khách hàng ở nhiều tỉnh, TP khác. Từ đó, bị cáo rủ nhiều người quen góp vốn kinh doanh.

Ngoài ra, Nhung còn sử dụng 2 sim điện thoại, tự lưu danh bạ là “A Hậu khẩu trang”, “A Tuấn kho Bắc Ninh”, lập tài khoản Zalo mang tên “A Công HN”, rồi tự liên lạc, nhắn tin giữa các số điện thoại này với số điện thoại của Nhung. Sau đó, bị cáo chụp lại hình ảnh các cuộc gọi, tin nhắn trên điện thoại và gửi cho các nhà đầu tư để họ tin tưởng.

Bị cáo Nhung tại tòa.
Bị cáo Nhung tại tòa.

CQCA làm rõ, từ tháng 6/2021 đến tháng 6/2022, Nhung đã chiếm đoạt số tiền hơn 7,8 tỷ đồng của 10 bị hại. Trong số các bị hại có chị Lưu Thị Hồng T (SN 1983, ở quận Long Biên). Nhung rủ chị T góp vốn để kinh doanh thiết bị y tế, đồng thời hứa hẹn sau 7 ngày góp vốn, bị cáo sẽ trả tiền vốn và lợi nhuận theo tỷ lệ 50/50 trên số tiền góp vốn. Nhung đảm nhận việc kinh doanh, còn chị T chỉ việc góp vốn và hưởng lợi nhuận.

Trong thời gian từ ngày 2/6/2021 đến ngày 13/9/2021, chị T chuyển khoản 26 lần cho Nhung số tiền hơn 1,4 tỷ đồng. Để chị T tin việc kinh doanh là thật, trong các ngày 4/6/2021 đến ngày 19/10/2021, bị cáo trả cho chị T 784 triệu đồng.

Số tiền còn lại 634 triệu đồng, Nhung sử dụng cho mục đích cá nhân và trả nợ. Đến thời hạn trả lãi tiếp theo, chị T liên hệ thì Nhung hứa hẹn và gửi cho chị T các cuộc nói chuyện do Nhung tự tạo với “A Tuấn kho Bắc Ninh”, “A Hậu khẩu trang”…

Ngoài ra, Nhung còn chiếm đoạt 450 triệu đồng của anh Trần Tuấn A, SN 1985, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội. Theo đó, Nhung quen anh Tuấn A qua quan hệ xã hội. Đầu tháng 9/2021, bị cáo gọi điện cho anh này, rủ kinh doanh máy đo nồng độ oxy máu với giá mua vào 200.000 đồng/chiếc; bán ra 250.000 đồng/chiếc. Anh Tuấn A sau đó rủ thêm bạn góp vốn làm ăn với Nhung. Nhưng thực chất, bị cáo không có hoạt động kinh doanh.

Quá trình điều tra, Nhung khai nhận, sau khi nhận tiền, bị cáo sử dụng tiền để chi tiêu cá nhân và mua Bitcoin. Tương tự, anh Nguyễn Công H, SN 1984, quê Bắc Giang, cũng vì tin tưởng mà bị “nữ quái” chiếm đoạt hơn 1,4 tỷ đồng. Lần này, Nhung hứa hẹn trả vốn và lợi nhuận từ 15% - 20%. Nếu anh H rủ thêm bạn bè, người thân góp vốn thì sẽ được chia lợi nhuận tỷ lệ 70% cho người góp vốn, còn Nhung và anh H mỗi người hưởng 15%.

Anh H vì thế đã rủ thêm bạn bè cùng góp vốn. Bị cáo sau đó sử dụng tiền để mua bitcoin và trả tiền vốn, lợi nhuận cho những nhà đầu tư khác.

Với cách thức trên, Nhung cũng đã chiếm đoạt hơn 2,6 tỷ đồng của anh Đồng Xuân V, SN 1990, trú tại quận Ba Đình, Hà Nội. Quá trình điều tra, Nhung khai nhận thực hiện hành vi lừa đảo và không có người giúp sức. Lần theo lời khai của Nhung, CQCA cũng xác minh việc bị cáo đầu tư mua bitcoin.

Đối với số tiền mua bán bitcoin, Nhung không yêu cầu gì và chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các bị hại nên CQCA không có căn cứ làm rõ việc này thêm. Hiện, bị cáo đã trả cho các bị hại hơn 3,2 tỷ đồng và còn chiếm đoạt hơn 4,6 tỷ đồng.