Hai năm sau, khu vực này vẫn chưa có một ngày bình yên với nguy cơ những đốm lửa tàn có thể bùng phát thành ngọn lửa bất ổn vào bất cứ lúc nào.
Sau khi phong trào "Mùa xuân Ả Rập" lan tới Libya, nhà lãnh đạo M.Gaddafi bị lật đổ, Chính phủ mới với sự hậu thuẫn của phương Tây được thành lập đã buộc hàng trăm chiến binh người Tuareg bỏ chạy và tập hợp tại Mali dưới sự lãnh đạo của mạng lưới khủng bố al-Qaeda chi nhánh Bắc Phi.
Tổng thống Pháp Francois Hollande trong chuyến thăm Mali.
Những tàn dư của cuộc đảo chính quân sự hồi tháng 3/2012 đã biến Mali từ một nước ổn định và được coi là một hình mẫu dân chủ ở châu Phi trở nên hỗn loạn. Tình hình trở nên cấp bách đến mức, Pháp đã quyết định can thiệp vào "cựu thuộc địa" và chuyến thăm bất ngờ tới Mali hôm 2/2 của Tổng thống Fracois Hollande đã mang theo thông điệp khẳng định sẽ tiếp tục hiện diện tại đây cho đến khi Chính phủ nước này tái lập quyền kiểm soát tại miền Bắc.
Không đơn thuần chỉ là một cuộc "úy lạo" tinh thần của các binh sĩ Pháp đang chiến đấu tại châu Phi xa xôi, chuyến thăm Mali của ông Hollande còn được cho là để phô trương thanh thế, nhằm củng cố vị thế ngoại giao của Tổng thống Pháp sau 8 tháng nắm quyền.
Trong khi Pháp đang lâm vào một tình thế mà nhiều nhà quan sát gọi là bị "trói chân" ở Mali - Afghanistan của châu Phi, việc 2 người thiệt mạng trong vụ Đại sứ quán Mỹ tại Thổ Nhĩ Kỳ bị đánh bom đã phát đi hồi chuông cảnh báo về một làn sóng tấn công nhằm vào các mục tiêu là công dân của các quốc gia phương Tây.
Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên cơ quan đại diện ngoại giao Mỹ tại nước ngoài bị tấn công. Hồi tháng 9/2012 đã xảy ra một vụ tấn công nhằm vào Lãnh sự quán Mỹ ở thành phố Benghazi của Libya, làm Đại sứ Mỹ tại nước này cùng 3 quan chức ngoại giao khác của Mỹ thiệt mạng. Dù diễn ra từ đêm 29/1 nhưng những "dư chấn" của vụ không kích ở khu vực biên giới giữa Syria và Lebanon do không lực Israel thực hiện đã khiến cộng đồng quốc tế lo ngại. Tổng Thư ký Liên Hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về vụ việc và kêu gọi tất cả các bên liên quan ngăn chặn leo thang xung đột trong khu vực.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Syria đã chính thức đệ đơn kiện Israel lên LHQ với cáo buộc Israel đã oanh tạc một trung tâm nghiên cứu quân sự gần Thủ đô Damascus. Giữa lúc tình hình tại Syria đang diễn biến phức tạp, hành động tấn công có chủ đích trên của Tel Aviv hoàn toàn có thể trở thành mồi lửa thổi bùng một cuộc chiến trên bình diện khu vực.
Đó là điều cộng đồng quốc tế không mong muốn vì nó sẽ tác động đến không chỉ cuộc sống của người dân các quốc gia Trung Đông mà còn tác động tiêu cực đến toàn bộ khu vực vốn đang lâm vào bất ổn.