Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Lụa Vạn Phúc - thưa dần tiếng thoi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ những năm 1930, làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) đã được đánh giá là "đệ nhất tinh ...

Kinhtedothi - Từ những năm 1930, làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông) đã được đánh giá là "đệ nhất tinh xảo Đông Dương", nhưng nay lại đang phải “gồng mình” trước những khó khăn để bảo tồn, gìn giữ nghề truyền thống. Phía sau cổng làng khang trang người ta không khỏi giật mình bởi sự vắng vẻ đìu hiu của một làng nghề vốn đã từng rất sầm uất.

Ngậm ngùi lụa ế, tơ cao…

Trong dân gian vẫn truyền tụng câu "The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng/Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn" để nói về sản phẩm nổi tiếng lụa Vạn Phúc. Thế nhưng, những năm gần đây, Vạn Phúc ngày càng tắt dần tiếng lách cách thoi đưa. Mặc dù hiện nay, rất nhiều cửa hàng lụa tơ tằm được mở, nhưng lượng khách chỉ đếm trên đầu ngón tay. Chị Nga, một chủ cửa hàng lụa có tiếng cho biết, việc làm ăn buôn bán đồ lụa không chỉ riêng nhà chị mà hầu hết các hộ gia đình trong làng đều gặp khó khăn. Khách đến mua đã ít, đầu ra tiêu thụ cũng không có nên đời sống những người làm nghề rất bấp bênh.

 
Nhiều cửa hàng vắng khách.
Nhiều cửa hàng vắng khách.
Ông Phạm Khắc Hà - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề dệt lụa Vạn Phúc cho biết, có rất nhiều lý do về sự đi xuống của làng nghề, nhưng chủ yếu do thiếu đầu ra, thiếu vốn... Đặc biệt, làng lụa đang rất thiếu nguyên liệu. Theo ông Hà, toàn bộ vùng Đồng bằng Bắc Bộ khi xưa có rất nhiều khu nuôi tằm ươm tơ, thì đến nay, chỉ lác đác vài vùng rất nhỏ trồng dâu nuôi tằm, nên không đủ cung ứng tơ để sản xuất. Rồi sự cạnh tranh mạnh của hàng Trung Quốc với mẫu mã đa dạng, màu sắc bắt mắt, giá thành rẻ hơn rất nhiều nên dễ dàng chiếm lĩnh thị trường. Giá một mét vải lụa tơ tằm Vạn Phúc chính gốc có loại lên tới cả triệu đồng do hoàn toàn làm thủ công. Thêm nữa, lụa Vạn Phúc lại trung thành với các mẫu hoa văn truyền thống như hoa cúc, hoa mai, lá trúc…, màu sắc đậm, đơn sắc, chỉ phù hợp với những người có tuổi. Việc đào tạo theo kiểu "cha truyền con nối" và tự học nên các kiến thức về pha màu, dệt họa tiết đều theo lối thủ công, dẫn đến chậm cập nhật mẫu mã. Để tạo ra một khuôn dệt họa tiết rất tốn kém, cần nhiều công sức, tiền bạc, trí lực mà tính rủi ro lại cao nên ít ai dám làm.

Một thực trạng đáng buồn nữa là hiện nay, nhiều người lợi dụng danh tiếng của làng nghề để trục lợi. Họ mua bán, trà trộn những sản phẩm hàng tơ lụa kém chất lượng, không phải hàng tơ lụa Vạn Phúc vào để bán cho người tiêu dùng. Nếu cách đây 10 năm, đó là điều cấm kỵ thì giờ đã chẳng còn ai có thể can thiệp được. Chính quyền cũng như Hiệp hội Làng nghề chỉ biết khuyến khích, động viên bà con không hám lợi mà bán hàng giả, hàng kém chất lượng cho khách. Vì những hành vi này mà danh tiếng làng nghề bị ảnh hưởng, nhiều khách hàng khi nhắc tới lụa Vạn Phúc cũng không khỏi nghi ngờ về "vàng thau lẫn lộn".

Chung tay giữ nghề

Khách vắng, người bỏ nghề ngày càng nhiều. Cả làng Vạn Phúc nay còn khoảng 160 gia đình gắn bó với nghề dệt lụa. Làng có Hiệp hội làng nghề, nhưng chỉ có chức năng tập trung các hộ làm nghề lại và phát triển về nghề chứ không có chức năng quản lý, quy hoạch phát triển về quy mô.

Vài năm gần đây, những người trong làng nghề có cơ hội ra nước ngoài tham dự các hội thảo về lụa tơ tằm ngày một nhiều. Vì thế, ông Hà hy vọng đây là dịp đưa lụa Vạn Phúc vươn ra thị trường quốc tế dù có không ít thách thức. Theo ông Hà, trong các cuộc hội thảo và trao đổi, lụa tơ tằm Vạn Phúc ngày càng được đánh giá cao về mặt chất lượng. Tuy nhiên, để ra thị trường lớn còn rất nhiều việc phải làm. Những năm gần đây, các cấp chính quyền từ quận đến TP Hà Nội đã có những chính sách giúp làng nghề như mở lớp đào tạo chuyên môn cho những người trẻ, nâng cao tay nghề cho thợ lâu năm, mời các chuyên gia nước ngoài giảng dạy, đầu tư các trang thiết bị hiện đại… để giữ vững và phát triển làng nghề. Tuy nhiên, cũng rất cần có biện pháp mạnh ngăn chặn sự trà trộn của hàng kém chất lượng vào làng nghề, đẩy mạnh hướng thực hiện các mẫu mã, màu sắc mới đa dạng, phù hợp với thị hiếu thị trường, nghiên cứu và học tập sự phát triển của các nước láng giềng…

Với hướng phát triển làng nghề - du lịch, hy vọng làng lụa Vạn Phúc sẽ tiếp tục nâng cao vị thế truyền thống lâu đời, tạo ra những sản phẩm độc đáo, đa dạng và chất lượng. Và Vạn Phúc sẽ thực sự là điểm đến của du khách trong nước và quốc tế, là một làng nghề - làng du lịch - một điểm sáng của Thủ đô.