Kinhtedothi - Chiều 11/6, sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đăng đàn trả lời chất vấn tập trung vào các nhóm vấn đề triển khai thực hiện Hiến pháp 2013; việc ban hành và thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật; chất lượng văn bản pháp luật; các văn bản hướng dẫn để các luật được thực thi trong cuộc sống; thi hành án dân sự.
Theo chương trình phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường sẽ trả lời chất vấn các đại biểu Quốc hội trong cuối giờ chiều nay và đầu giờ sáng mai (12/6).
ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng), đặt câu hỏi, dư luận phản ánh có hiện tượng cài đặt lợi ích nhóm, lợi ích riêng của bộ, ngành trong một số văn bản quy phạm pháp luật. Bộ trưởng cho biết có hay không việc này?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay theo Luật ban hành văn bản pháp luật, Bộ được giao thẩm định các loại văn bản từ quyết định của Thủ tướng Chính phủ trở lên, còn lại thông tư và thông tư liên tịch của các Bộ được giao cho pháp chế của các Bộ thẩm định. Bộ tư pháp muốn nói rằng, văn bản quy phạm pl của chúng ta là thể chế hóa đường lối chính sách của Đảng.
|
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trả lời chất vấn các đại biểu QH. |
Thông tư và Thông tư liên tịch của các Bộ được giao cho các Ban pháp chế tự quyết định và được dư luận quan tâm. Trong nhiệm kỳ này, Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng phụ trách trực tiếp Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý và hiện đang xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) chung...
Từ những điều trên, Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, với chức năng được giao phải kiểm tra văn bản pháp luật của các bộ, cơ quan ngang bộ và thực tế cho thấy chưa có vấn đề gì nổi lên về lợi ích nhóm trong ban hành văn bản. Vì theo quy trình, trước khi xây dựng VBQPPL chúng ta phải tiến hành tổng kết thực tiễn. Và khi tổng kết thực tiễn, chúng ta sẽ phát hiện quan điểm chỉ đạo đó ra làm sao, chính sách mới đó ra sẽ như thế nào. Tuy vậy, trên vấn đề kĩ thuật không phải không có. Các nước khác họ làm chính sách rất kỹ, lần này chúng tôi sẽ trình cho Chính phủ Luật phát hành VBQPPL mới với giai đoạn làm chính sách và giai đoạn kỹ thuật, soạn thảo văn bản.
ĐB Trần Du Lịch ( TP HCM): Qua phản ánh của cư tri, không có nơi nào mà thủ tục bán tài sản, thế chấp tài sản lại nhiêu khê như ở Việt Nam. Với tư cách là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về pháp luật, Bộ trưởng cho biết giải pháp tháo gỡ?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Khi bản án tuyên về giá cả của nhà đất khác, ngày thi hành án khác, giá cả thực tế khi thi hành lại khác... Việc đánh giá tài sản này để bán đấu giá như thế nào cũng là một câu chuyện. Chúng ta chưa xã hội hóa hoàn toàn đánh giá để đấu giá tài sản như thế nào. Vì tài sản của người dân, tổ chức, doanh nghiệp nên chúng ta cũng rất thận trọng trong việc thi hành luật dân sự. Thế nên, mới có chuyện đánh giá đi, đánh giá lại. Giải pháp trước mắt theo hướng người chủ sở hữu chỉ có quyền bán đấu giá lại một lần. Nếu trong điều kiện xã hội hóa thì để các công ty định giá làm việc này chứ không phải Sở Tài chính.
Trả lời tiếp câu hỏi của ĐB Du Lịch, Bộ trưởng đánh giá, đây là hỏi vĩ mô. Khi chúng ta bắt tay vào xây dựng pháp luật nhiều lên có trường hợp luật "mẹ" chưa có nhưng luật "con" đã có rồi. Nhưng hiện nay, chúng ta đã cơ bản có đường hướng, chiến lược khi có nghị quyết của đại hội Đảng, nhất là nghị quyết của đại hội Đảng lần thứ 11 vừa qua.
Bộ trường Hà Hùng Cướng cho biết, hệ thống văn bản pháp luật nước ta phức tạp nhất thế giới. Nhiều loại văn bản của một chủ thể, rất nhiều chủ thể ban hành khác nhau nên hệ thống pháp luật của chúng ta rất phức tạp, rất khó tuân thủ. Đi vào cụ thể của từng dự án luật, chồng chéo hay không chồng chéo, Bộ Tư pháp đang rà soát; Bộ luôn kiểm điểm, nhận quyết điểm để có sự chồng chéo, ngay những dự án luật trình Quốc hội đợt này nhìn lại cũng có...
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đặt câu hỏi, tình trạng nợ đọng văn bản hiện nay không những giảm mà còn tăng. Đề nghị Bộ trưởng cho biết trách nhiệm của các bộ ngành có tình trạng này như thế nào, vấn đề thưởng phạt ra làm sao? Công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGD PL) không tốt, không đi vào cuộc sống mặc dù đã ban hành Luật GDPB PL. Đề nghị Bộ trưởng cho biết nguyên nhân và cách khắc phục?
|
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) đặt câu hỏi chất vấn. |
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, trong báo cáo mới nhất Bộ gửi đại biểu Quốc hội (ĐB QH), tính đến ngày 10/6, kể cả hai luật vừa có hiệu lực là Luật Phòng chống Thiên tai (1/5) và Luật Thi đua khen thưởng (1/6) vừa có hiệu lực, thì tổng số nợ là 50 văn bản. Như vậy số nợ là 19,9%, số ban hành từ đầu nhiệm kỳ đến nay, so với báo cáo tại kỳ họp thứ 6 của Quốc là tiến bộ (22,4%).
Ngoài ra, ngân sách cho việc GDPB PL với các tỉnh có thu ngân sách chưa đủ lại cần ngân sách Trung ương hỗ trợ chi. Bộ đã đề nghị giải pháp nhưng thông qua dự toán ngân sách 2014 lại chưa có mục đó. Vì vậy, Bộ đã thống nhất với Bộ Tài chính trong hỗ trợ cho địa phương cũng phải có kinh phí GDPB PL. Thế nên, nhiều địa phương chưa có đầu tư được như các tỉnh tự cân đối được ngân sách.
Trả lời ĐB Kim Thúy về việc nhiều văn bản ra có cài vấn đề tổ chức, bộ máy, Bộ trưởng Cường khẳng định có những câu chuyện khi xây dựng pháp luật một số cơ quan muốn cài bộ máy vào đó. Để hạn chế việc này, Chính phủ sẽ xem xét ra một nghị định nếu không có sự đồng ý của Bộ chính trị thì không được đưa vào những việc trên vào văn bản.
Về câu hỏi thêm của ĐB Trần Du Lịch, Bộ Tư pháp hoàn toàn đồng ý với ĐB. Trong thẩm định, Bộ cũng rút kinh nghiệm trong nhiệm kỳ này. Trong việc thẩm định này, Bộ đều thành lập hội đồng mang tính liên ngành để đảm bảo mang tính khách quan. "Nhưng chúng ta cũng chưa đánh giá được giá trị pháp lý của văn bản thẩm đinh luật đến đâu. Tới đây, trong luật sửa đổi chúng tôi cũng định hướng phải có giải trình đầy đủ ý kiến thẩm định của hội đồng thẩm định, những gì tiếp thu, không tiếp thu trước khi đưa ra dự án luật thẩm định" - Bộ trưởng Cường nói.
ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình): Theo NQ 49 của Bộ Chính trị về việc xây dựng cán bộ tư pháp trong sạch, vững mạnh, trách nhiệm của Bộ Tư pháp về việc đào tạo cán bộ... Theo Bộ trưởng Hà Hùng Cường, đến năm 1986 Việt Nam mới đào tạo cử nhân luật nên bước vào công cuộc đổi mới có một đội ngũ chuyên gia có kiến thức pháp luật. Hiện nước ta đang tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ có kiến thức pháp luật. Năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã thông qua hai đề án: Xây dựng hai trường đại học lớn về luật ở HN và TP.HCM đào tạo cán bộ pháp luật có trình độ cử nhân trở lên, thành lập ban chỉ đạo liên ngành để thực hiện hai đề án này để cố gắng làm sao hai trường ĐH luật lớn của đất nước chúng ta có thể xếp hạng trong khu vực. Đề án xây dựng Học viện tư pháp. Đây là trường đào tạo nghề rất đặc biệt cho hệ thống tư pháp. Bộ cũng đã bắt tay vào thực hiện đề án này.
Theo đánh giá của Bộ Tư pháp, nguồn nhân lực phục vụ cho hệ thống tư pháp hiện nay chưa đáp ứng được. Hiện Bộ đang cần đào tạo chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu trong nước và hội nhập quốc tế hiện nay.
Về câu hỏi của ĐB Lê Thị Minh Hiền (Khánh Hòa): Tại Khánh Hòa, bộ phận tổ chức pháp chế đã được triển khai nhưng hoạt động hiện nay còn rất nhiều khó khăn, xin Bọ trưởng cho biết, nguyên nhân và giải pháp đột phá gì cho tình trạng trên?
|
ĐB Lê Thị Minh Hiền (Khánh Hòa) chất vấn Bộ trưởng Hà Hùng Cường. |
Cách đây 3 năm chúng ta có ban hành văn bản tổ chức pháp chế các bộ. Sau đại hội lần thứ 11 của Đảng, chúng ta đẩy tới xây dựng nhà nước pháp quyền và đảm bảo tính pháp quyền của pháp luật thì chính phủ đã có tổng kết, xây dựng và thông qua nghị định về tổ chức pháp chế.
Ở Trung ương thì mọi việc đã tương đối ổn định. Thậm chí có nơi đề nghị thành cục pháp chế, có nơi có tổ chức pháp chế rất mạnh như ngành Công an. Ở địa phương thì không được đồng bộ, 11/63 tỉnh thành lập đủ 14 tổ chức pháp chế nhưng ngược lại 25 tỉnh chưa thành lập được phòng nào. Có nơi mới thành lập đươc 1 phòng như tỉnh Lai Châu. Có nhiều nguyên nhân như: Nguồn nhân lực ở nơi đó chưa đủ tiêu chuẩn, nhiều lần đề xuất chính phủ cho phụ cấp ưu đãi nghề để thu hút cử nhân về luật nhưng chưa sắp xếp được, Thủ tướng đã yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu.
Như vậy, có thể thấy rất cần chính sách thu hút nhân lực. Bộ trưởng Cường hứa sẽ cùng Bộ Nội vụ làm sao để đồng bộ trong các tỉnh, thành phố, hoặc cần thiết có thể giảm tiêu chí ở một số nơi khó khăn về nguồn nhân lực tư pháp, báo cáo chính phủ quyết định.
ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng): Tiêu cực ở khâu thực thi pháp luật, Bộ trưởng có quan điểm như thế nào về nhận định này? Bộ trưởng tham mưu gì cho Chính phủ để không còn tiêu cực ở khâu thực thi pháp luật?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, cuối năm 2012, QH lần đầu tiên ra nghị quyết về công tác tư pháp, trong đó có công tác thi hành án. Nên lấy chỉ tiêu, nhiệm vụ của 2012 cộng vào để đưa ra chỉ tiêu cho năm 2013, Có những chỉ tiêu rất khắc nghiệt (thi hành án đảm bảo 100%) nhưng chưa đạt được chỉ tiêu QH giao kể cả về việc, kể cả về tiền. Nhưng đứng về con số tuyệt đối của 2013 rất cao vì số việc ở 2013 thi hành cao, tiền tăng đột biến cao tới tận 58%. Nhưng chỉ tiêu lại không đạt.
Trong đó, chỉ tiêu phân loại án phải chính xác, có điều kiện thi hành và không có điều kiện thi hành, riêng năm 2013 việc phân loại thi hành án có tiến bộ hơn. Việc chuyển án từ kỳ này sang kỳ khác cũng cao hơn năm 2012. Án tồn đọng này có tới trên 350.000 việc chuyển sang kỳ sau. Nhưng đến năm 2014 đã giảm hơn 100.000 việc. Công việc thi hành án rất áp lực.
Về vấn đề kỷ luật của thi hành án, năm 2013 nhiều hơn năm 2012, 6 tháng đầu năm 2014 cũng nhiều hơn 2013. quyết tâm của chúng tôi là kiên quyết xử lý cán bộ sai phạm cán bộ không giữ gìn đạo đức nghề nghiệp ở thi hành án. Riêng ở Lai Châu, chúng tôi kỷ luật 14 cán bộ, kể cả giáng chức Cục trưởng. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức, nhiều chỉ tiêu cơ bản triển vọng thực hiện được. Về vấn đề chuyển án cao, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp báo cáo Thường vụ QH để xin giảm 50.000 vụ việc từ 20-30 nghìn/năm. Có nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp phối hợp với các đơn vị, và đến giờ Bộ đã cơ bản giải quyết xong các nơi yếu kém. Bộ Tư pháp đang nghiên cứu trình cho Bộ Chính trị nếu được sẽ đưa ra QH khóa tới nội dung khâu tổ chức thi hành án pháp luật. Thực tế hiện nay công tác hành án pháp luật rất yếu kém.
Trả lời câu hỏi của ĐB Ngô Đức Mạnh (Bình Thuận), bao giờ trình độ luật sư của Việt Nam đáp ứng yêu cầu họi nhập quốc tế quốc tế hiện nay, nhất là tham gia vào tổ chức tài phán quốc tế. Bộ trưởng cho biết thật sự là một bức tranh rất buồn.
Riêng giới luật sư mà ĐB Trương Trọng nghĩa vừa chất vấn, trong 10-15 năm trở lại đây, đội ngũ luật sư có bước trưởng thành, có những công ty luật đạt giải thưởng khu vực và thế giới. Và những luật sư trưởng thành đang dẫn dắt luật sư trẻ trưởng thành hơn. Chúng tôi quyết định thành lập trung tâm đào tạo luật sư với việc phối hợp với luật sư quốc tế. Đánh giá vừa rồi của liên đoàn luật sư thì chỉ có 0,03% luật sư có thể đạt trình độ tư vấn luật cho các nhà đầu tư nước ngoài bằng ngoại ngữ...
ĐB Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình): Có tình trạng một số dự án luật chưa phù hợp với tinh thần của hiến pháp? Việc thành lập hội đồng tư vấn thẩm định có chồng chéo cơ quan thẩm định thực hiện dự án luật có hay không?
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, có tình trạng các nơi hiểu khác nhau về tinh thần của hiến pháp. Vì thế TT CP đã ra hội đồng tư vấn thẩm định để giải quyết vấn đề này. Hội đồng này không làm thay cho cơ quan thẩm định quy phạm pháp luật mà chỉ cho quan điểm có phù hợp hay không phù hợp với tinh thần của hiến pháp.
Trả lời câu hỏi của ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh): Luật tạo ra hành lang, tạo ra mẫu đơn, giấy phép con, quy định hướng dẫn lại tạo ra bẫy đối với DN, muốn nhanh phải “bôi trơn”… Văn bản này không làm tròn hướng dẫn mà lại làm cản trở Luật, vô hiệu hóa hành lang pháp lý cho phép, gây nhũng nhiễu trong giải quyết cho nhân dân? Tình trạng ra các văn bản hướng dẫn sai rồi lại rút lại, sửa chữa, thu hồi nên đôi khi tốn kém tới hàng trăm tỷ. Vậy xử lý ra sao, làm thế nào để hạn chế tối đa tình trạng này?
Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết, về nguyên tắc, văn bản cấp bộ kể cả mẫu mã không được trái với luật, pháp lệnh, nghị định của Chính phủ, Hiến pháp, Chúng tôi sẽ kiểm tra cụ thể lĩnh vực mà đại biểu nêu và sẽ gửi kết quả kiểm tra cho đại biểu hiểu.
ĐB Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước): Trong số các văn bản lưu hành đảm bảo quy định có hiệu lực cùng với thời điểm có hiệu lực, còn lại có 312 văn bản được khảo sát chưa đảm bảo chất lượng, thiếu tính khả thi, có dấu hiệu không hợp hiến, hợp pháp. Điều này làm các ĐB không yên tâm nhưng chưa làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và người đứng đầu... Vậy sự chậm trễ sai sót trên đã và sẽ có ảnh hướng đến mức độ nào đến kinh tế - xã hội của đất nước, ảnh hướng thế nào đến lập hiến, lập pháp, Bộ trưởng có giải pháp nào mang tính đột phá để giải quyết tình trạng trên? Tình hình trên bao giờ sẽ khắc phục được?
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, văn bản ra chậm ảnh hưởng đến quyền lợi cụ thể của người dân, nếu thuộc về chính sách, chế độ, đặc biệt là lĩnh vực lao động thương binh xã hội, người có công, người nghèo, Bộ thi hành ngay, chậm nhưng phải đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Tới đây, Bộ Tư pháp phải kiểm điểm rõ hơn ở những vụ việc cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu. Kiểm tra, đôn đốc, cảnh báo luôn được Bộ làm thường xuyên, không có phiên họp Chính phủ nào không đưa ra các vấn đề này. Bao giờ mới khắc phục, vấn đề này, trước QH, và nhân dân không dám hứa gì chắc chắn. 10 văn bản và 2 luật có hiệu lực và tới đây là 8 luật trong tháng 7 và 11 luật sau kỳ họp này, với khối lượng luật và văn bản khổng lồ, Bộ hứa quyết tâm đảm bảo tới mức cao nhất. Không có nước nào mà luật ban hành ra phải chờ đợi nghị định, nghị định phải chờ đợi thông tư, mà thậm chí có cho phát triển được án lệ để hạn chế một cách căn cơ các thông tư, thông tư liên tịch… Nếu QH giao hội đồng tòa án tối cao có thể ra 1 án lệ thì 1 án lệ đó có thể giải quyết được rất nhiều vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị Bộ trưởng Hà Hùng Cường trả lời 312 văn bản sai, phải sửa, có những văn bản vi phạm hiến pháp và pháp luật đã gây hậu họa gì chưa? Nếu người ta căn cứ vào 312 văn bản này để thực hiện thì như thế nào? Nếu người ta không thực hiện 312 văn bản này thì vi phạm Hiến pháp và pháp luật, có thể xử lý kỷ luật và hình sự?...
"Tôi thấy vấn đề này rất là nghiêm trọng. Nhưng Bộ trưởng trả lời chưa kỹ. Ngày mai (12/6), đề nghị Bộ trưởng giải thích kỹ hơn" - Chủ tịch Quốc hội đề nghị.