Luật Đất đai cần cụ thể về đánh thuế cao với người có nhiều nhà, đất

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đề nghị đưa vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) các quy định cụ thể về đối tượng sẽ bị áp dụng mức thuế cao khi có nhiều nhà, đất; trường hợp miễn giảm; trường hợp áp dụng thuế bình thường.

Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam vừa có báo cáo kết quả lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trong hệ thống mặt trận.
Theo Báo cáo, dự thảo Luật lần này cơ bản đã thể chế hóa những chính sách lớn tại Nghị quyết số 18-NQ/TW (ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao). Song, qua nghiên cứu, tập hợp, tổng hợp ý kiến của Nhân dân, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhận thấy vẫn còn một số nội dung chưa thật sự phù hợp hoặc thể chế chưa đầy đủ Nghị quyết số 18, thậm chí nhiều điều luật không mang tính quy phạm mà diễn đạt lại nội dung của Nghị quyết, chưa quy định rõ quyền, trách nhiệm của từng chủ thể trong quan hệ pháp luật về đất đai.
Cụ thể, một trong những nhiệm vụ đưa ra tại Nghị quyết 18 là “có cơ chế hữu hiệu để nâng cao chất lượng công tác định giá đất, bảo đảm tính độc lập của hội đồng thẩm định giá đất, năng lực của tổ chức tư vấn xác định giá đất, năng lực và đạo đức của các định giá viên”. Đối chiếu với mục tiêu này, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho rằng, tại dự thảo, hội đồng thẩm định giá đất, bảng giá đất quy định tại Điều 156 chưa thể coi là độc lập với các cơ quan liên quan trong việc xác định và quyết định giá đất cụ thể khi UBND vừa là cơ quan có thẩm quyền lập, quyết định và cũng là chủ trì Hội đồng thẩm định bảng giá đất.
Thành phần của Hội đồng thẩm định giá đất chỉ có 1 tổ chức độc lập là “Tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất, chuyên gia về giá đất và các thành viên khác” nhưng lại do UBND cấp tỉnh, cấp huyện quyết định. Các thành viên còn lại hầu hết đều là sở ngành, là đại diện của các cơ quan thuộc UBND. Nhất là vai trò của MTTQ Việt Nam trong hội đồng này khá mờ nhạt, nên không thể bảo đảm tính độc lập của hội đồng.
Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức
Quang cảnh Hội nghị lấy ý kiến góp ý Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) do Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội tổ chức
Đáng chú ý, một trong những quan điểm chỉ đạo khác tại Nghị quyết 18 là "quy định mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà ở, đầu cơ đất, chậm sử dụng đất, đất bỏ hoang". So với Luật Đất đai năm 2013, Khoản 1 Điều 147 Dự thảo quy định các khoản thu tài chính từ đất đai bổ sung thêm khoản thu mới là tiền sử dụng đất trong trường hợp sử dụng đất đa mục đích.
Đối chiếu những quan điểm, mục tiêu của Nghị quyết 18, Ban Thường trực cho rằng, dự thảo vẫn chưa giải quyết thỏa đáng vấn đề thuế sử dụng đất chưa được quy định cụ thể, không thể hiện điểm mới, chưa đáp ứng yêu cầu mức thuế cao hơn đối với người sử dụng nhiều diện tích, nhiều nhà ở… Quan điểm này được đông đảo nhân dân quan tâm nhưng hiện nay vẫn chưa được cụ thể hóa bởi quy định pháp luật trong dự thảo Luật.
Từ đó, cơ quan này đề nghị đưa vào dự thảo luật các quy định cụ thể về đối tượng sẽ bị áp dụng mức thuế cao, đối tượng được áp thuế bình thường, các trường hợp miễn giảm, xây dựng một hệ thống để thông báo cho người dân biết số tiền thuế họ đóng vào được dùng vào những việc gì, tạo điều kiện cho người dân tham gia vào công tác giám sát việc sử dụng thuế của nhà nước. Cùng đó là những khoản thu nhằm điều tiết hiệu quả chênh lệch địa tô, nhất là phần giá trị tăng thêm không do người sử dụng đất đầu tư.
Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm trực tuyến ''Góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên Báo Kinh tế & Đô thị''
Báo Kinh tế & Đô thị tổ chức Tọa đàm trực tuyến ''Góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên Báo Kinh tế & Đô thị''
Bên cạnh đó, về bảo vệ lợi ích người sử dụng đất, dự thảo Luật đã quy định phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương chuyển mục đích đối với các dự án có sử dụng vào đất trồng lúa theo tiêu chí, điều kiện do Chính phủ quy định.
Đây là nội dung đúng đắn, phù hợp thực tiễn vì quy định trước đây Dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất trồng lúa trên 10ha phải báo cáo Thủ tướng, gây kéo dài thời gian triển khai các dự án phát triển KTXH, nhất là tại khu vực ĐB sông Cửu Long nơi có phần lớn diện tích trên giấy tờ đều là đất trồng lúa, trong khi thực tế người dân đã sử dụng với mục đích khác từ hàng chục năm về trước.
Do đó, bên cạnh việc phân cấp cho HĐND cấp tỉnh, Ban Thường trực cho rằng, cần có chính sách hỗ trợ cho các địa phương, khu vực có diện tích đất trồng lúa lớn, phải ưu tiên thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực có quốc gia vì thu ngân sách và thu nhập của người dân trong lĩnh vực nông nghiệp vẫn thấp hơn nhiều so với các địa phương có các dự án phát triển KTXH và người lao động làm việc trong những lĩnh vực khác.
Ngoài ra, về quy định “Nhà nước điều tiết nguồn thu từ đất của các tỉnh, thành về ngân sách Trung ương để phân bổ cho các địa phương thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh lương thực, bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học, bảo đảm AN-QP...” (điều 148) trong dự thảo Luật, Ban Thường trực cho rằng, chỉ điều tiết ngân sách thôi chưa đủ, điều quan trọng là cần tạo cơ chế, động lực để người nông dân có thể tự tăng gia sản xuất, cải thiện thu nhập trên đất của mình.
 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần