Luật Đất đai không còn phù hợp thực tiễn, cấp thiết cần sửa đổi, bổ sung

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 8/10, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong (Thành ủy Hà Nội) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cộng đồng nông thôn (CCRD) tổ chức hội thảo Chính sách đất đai trong nông nghiệp - Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Luật hiện hành bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế

Phát biểu khai mạc hội thảo, PGS.TS Phạm Minh Anh - Hiệu trưởng Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong đánh giá, sau 8 năm được Quốc hội thông qua, Luật Đất đai 2013 đã giúp công tác quản lý đất đai đạt được nhiều kết quả quan trọng; tạo hành lang pháp lý đồng bộ, chặt chẽ và khả thi cho việc khai thác và hợp lý, tiết kiệm và có hiệu quả đất đai.

PGS.TS Phạm Minh Anh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lâm Nguyễn.
PGS.TS Phạm Minh Anh phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Luật Đất đai 2013 đã góp phần khuyến khích tập trung và tích tụ đất nông nghiệp. Thực hiện tốt chính sách giá đất nông nghiệp, thu hồi đất và đền bù đất nông nghiệp; tạo tiền đề phát triển khu dân cư nông thôn, góp phần xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, thiết chế hạ tầng kinh tế - văn hóa - xã hội…

Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, Luật Đất đai 2013 cũng bộc lộ nhiều hạn chế, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội nói chung, phát triển nông nghiệp nói riêng. ThS Nguyễn Văn Tốn - Phó Vụ trưởng Vụ NN&PTNT (Ban Kinh tế Trung ương), cho rằng thời gian qua quá trình tích tụ, tập trung đất đai diễn ra còn chậm. Việc thực hiện chưa thực sự gắn với tính công bằng, bền vững, hiệu quả và còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cùng với khó khăn trong tích tụ, tập trung ruộng đất, TS Nguyễn Bá Long - Viện trưởng Viện Quản lý đất đai và PTNT (Trường Đại học Lâm nghiệp) cho rằng Luật Đất đai hiện hành cũng còn những tồn tại, hạn chế ảnh hưởng đến công tác điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp. Đặc biệt, chính sách tài chính đất đai cũng còn bất cập khi khung giá đất chưa phù hợp, chưa sát với thực tế giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất trên thị trường, nhất là khu vực ven đô.

Nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý đồng tình rằng sau 8 năm đi vào thực tiễn, Luật Đất đai 2013 đang bộc lộ rõ những bất cập, chồng chéo dẫn đến khó khăn trong quá trình tổ chức, thực hiện. Chính vì vậy, việc sửa đổi Luật Đất đai 2013 là yêu cầu cấp thiết, nhằm khai thác hợp lý, hiệu quả và tiết kiệm tài nguyên đất, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các thành phần kinh tế - xã hội.

Các chuyên gia, nhà quản lý tham dự hội thảo.
Các chuyên gia, nhà quản lý tham dự hội thảo.

Khuyến nghị sửa đổi Luật Đất đai 2013

Với ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật Đất đai, trên cơ sở 8 năm đi vào thực tiễn, tại Hội nghị lần thứ năm, Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”.

Ngoài nhiệm vụ thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và Nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm Nghị quyết số 18-NQ/TW đề ra là sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện luật Đất đai 2013 và các văn bản quy phạm khác có liên quan, bảo đảm đồng bộ, thống nhất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới.

Đại biểu tham luận tại hội thảo.
Đại biểu tham luận tại hội thảo.

Theo PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến (Trường Đại học Luật Hà Nội), dự thảo Luật Đất đai sửa đổi đã có nhiều điểm mới. Tuy nhiên, một số vấn đề vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, cần tiếp tục được thảo luận, xin ý kiến. Đơn cử như các trường hợp Nhà nước thu hồi đất; mở rộng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân; cơ chế tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để thực hiện các dự án đô thị, nhà ở thương mại…

“Bổ sung quy định về cho phép chuyển nhượng, thế chấp ‘quyền thuê trong hợp đồng thuê đất trả tiền hàng năm’, và thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai cũng là hai vấn đề hiện vẫn đang được có nhiều ý kiến khác nhau, đòi hỏi cơ quan lập pháp nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng…” - PGS.TS Nguyễn Quang Tuyến đề xuất.

Quang cảnh hội thảo do Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong phối hợp tổ chức sáng 8/10.
Quang cảnh hội thảo do Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong phối hợp tổ chức sáng 8/10.

Liên quan đến vấn đề tích tụ, tập trung ruộng đất, ThS Bùi Thị Phương Liên (Khoa Nhà nước và pháp luật, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong) cho rằng, việc xác định rõ nội hàm khái niệm cùng với chính sách tích tụ, tập trung đất đai là rất cần thiết trong dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Điều này nhằm xác định rõ định hướng quản lý, sử dụng đất đai ở Việt Nam trong thời gian tới và thể chế hóa chủ trương của Đảng về chính sách đất đai.

Ở khía cạnh khác, ThS Trương Quốc Cần (Viện Tư vấn phát triển kinh tế xã hội nông thôn và miền núi), cho rằng các quy định về quyền giám sát cần được lồng ghép xuyên suốt. Các quy định giải quyết về vấn đề đất đai cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số cũng cần chi tiết hơn. Đặc biệt, việc mở rộng đối tượng và hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp cần phải đi kèm các điều kiện, quy định hạn chế nhằm bảo vệ quyền với đất đai của các nhóm yếu thế.

Tại hội thảo, các chuyên gia, nhà quản lý đã tham góp ý kiến liên quan đến bất cập, hạn chế và đưa ra nhiều khuyến nghị sửa đổi Luật Đất đai. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong sẽ tổng hợp, trình các cấp có thẩm quyền nhằm hoàn thiện chính sách pháp luật về đất, đáp ứng mục tiêu Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

 

“Luật Đất đai sửa đổi cần bổ sung, hoàn thiện chủ trương, chính sách, pháp luật và phát triển cơ chế khuyến khích, hỗ trợ tích tụ, tập trung đất đai; hoàn thiện thể chế về đất đai, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với đó là nâng cao năng lực hoạt động quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đất đai…”.

ThS Nguyễn Văn Tốn - Phó Vụ trưởng Vụ NN&PTNT (Ban Kinh tế Trung ương).