Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Luật Đất đai (sửa đổi): Mở thêm quyền cho cá nhân, tổ chức nước ngoài

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Tại dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này với nhiều điểm mới được sửa đổi, bổ sung mở rộng thêm quyền của các tổ chức kinh tế được thuê đất trả tiền hàng năm thì được quyền cho thuê và chuyển nhượng quyền thuê đất trong hợp đồng thuê đất.

Bộ TN&MT đang tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi góp ý về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), với nhiều điểm mới, như: quy định cụ thể hơn quyền, trách nhiệm của Nhà nước với vai trò là đại diện chủ sở hữu, thống nhất quản lý đối với đất đai và quyền, nghĩa vụ của công dân đối với đất đai bảo đảm tuân thủ chặt chẽ các quy định của Hiến pháp về sở hữu đất đai, quyền con người; Đổi mới, nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; Quản lý chặt chẽ đất đai về số lượng, chất lượng đất; Tăng cường công khai, minh bạch, bình đẳng trong giao đất, cho thuê, thu hồi đất; Tăng cường các công cụ kinh tế trong quản lý, điều tiết quan hệ đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường. Đồng thời, hoàn thiện quy định để thúc đẩy phát triển lành mạnh thị trường BĐS...

Một trong những điểm đáng chú ý là dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quy định cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế của vốn đầu tư ở nước ngoài được Nhà nước Việt Nam cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm, có quyền và nghĩa vụ như các tổ chức kinh tế trong nước quy định tại Điều 204 và 208 của dự thảo. Đây là nội dung được các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp và người dân đặc biệt quan tâm.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) vừa làm nhưng và phải thận trọng.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến cho rằng Luật Đất đai (sửa đổi) vừa làm nhưng và phải thận trọng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Mạnh Tiến: Vừa làm phải vừa thận trọng

Thời gian gần đây, thực tiễn đòi hỏi tính cấp thiết cần phải sửa đổi Luật Đất đai, người Việt kiều có rất nhiều đề xuất, kiến nghị liên quan. Hội nghị T.Ư 5 đã ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW, là cơ sở chính trị quan trọng để sửa đổi luật lần này. Trong quá trình nghiên cứu để ban hành Nghị quyết 18-NQ/TW, Chính phủ cũng đã giao Bộ TN&MT cơ quan chủ trì để tổng kết, đánh giá việc tổ chức thực hiện Luật Đất đai năm 2013. Qua đó, cho thấy quá trình thực hiện luật đạt nhiều thành tựu, kết quả lớn nhưng cũng chỉ ra nhiều vấn đề bất cập, tồn tại, hạn chế, vướng mắc, thiếu đồng bộ với các luật khác.

Ủy ban Đối ngoại tiếp cận Luật Đất đai sửa đổi luật lần này theo hướng tiệm cận với các nước phát triển trên thế giới để phát huy tối đa nguồn lực đất đai. Đồng thời cũng lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con Việt kiều trong và ngoài nước liên quan đến dự án luật này. Có thể khẳng định, đây là luật khó, nhưng lần này Quốc hội khóa XV quyết tâm sửa đổi, vì vậy vừa làm phải vừa thận trọng, nghiên cứu xem xét qua 3 kỳ họp, để phù hợp với điều kiện thực tế và tương thích với các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam là thành viên.

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Đào Trung Chính, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ mở thêm cơ hội cho các tổ chức kinh tế.
Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai Đào Trung Chính, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ mở thêm cơ hội cho các tổ chức kinh tế.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đất đai (Bộ TN&MT) Đào Trung Chính: Mở thêm cơ hội cho các tổ chức kinh tế

Đối với nội dung chính sách quản lý, sử dụng đất liên quan đến nước ngoài không được nêu trong Nghị quyết 18-NQ/TW, do đó dự thảo luật cơ bản kế thừa các quy định của Luật Đất đai hiện hành đối với đối tượng có yếu tố nước ngoài. Tuy nhiên, từ những vấn đề vướng mắc đặt ra trong thực tiễn, dự thảo đã rà soát, chỉnh lý một số nội dung về người sử dụng, giao đất, cho thuê đất; hạn chế tiếp cận đất đai theo đối tượng sử dụng đất liên quan đến quốc phòng, an ninh; quyền, nghĩa vụ của tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.

Điều 6 của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) tiếp tục quy định chủ thể sử dụng đất liên quan đến yếu tố nước ngoài gồm: Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch; tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Quy định này kế thừa Điều 5 của Luật Đất đai hiện hành, việc phân định đối tượng sử dụng đất liên quan đến yếu tố nước ngoài một cách ràng mạch sẽ là căn cứ để quy định quyền, nghĩa vụ tương ứng tại các điều tiếp theo. Đồng thời, để đảm bảo thống nhất với cách dùng thuật ngữ Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài như quy định của Luật Đầu tư, dự thảo Luật đã sửa đổi thuật ngữ “Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.”

Bên cạnh đó, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã rà soát, sửa đổi một số nội dung liên quan đến quy định về giao đất, cho thuê đất đối với các đối tượng sử dụng đất có yếu tố nước ngoài. Cụ thể, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được giao đất ở do được bồi thường hoặc hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định của luật này. Tiếp tục quy định trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được giao đất để thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc bán kết hợp cho thuê như pháp luật hiện hành (Điều 58).

Lần này về cơ bản chúng ta chuyển sang cho thuê đất trả tiền hàng năm, trong dự thảo luật cũng mở rộng thêm quyền của các tổ chức kinh tế được thuê đất trả tiền hàng năm thì được quyền cho thuê và chuyển nhượng quyền thuê đấy trong hợp đồng thuê đất. Như vậy, giữa tổ chức kinh tế trong nước và tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, đều có quyền như nhau.

Riêng đối với nội dung các tổ chức cá nhân nước ngoài đang sở hữu nhà ở tại Việt Nam có liên quan đến chính sách thu hút đầu tư, phát triển thị trường bất động sản do đó cơ quan soạn thảo tiếp tục xin ý kiến để đưa vấn đề người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam cũng có quyền được cấp quyền sử dụng đất ở vào trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến để xuất bổ sung đối tượng là người nước ngoài được sở hữu nhà ở.
Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến để xuất bổ sung đối tượng là người nước ngoài được sở hữu nhà ở.

Phó Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Luật Hà Nội, PGS. TS Nguyễn Quang Tuyến: Nên bổ sung đối tượng là người nước ngoài được sở hữu nhà ở

Luật Đất đai liên quan đến Luật nhà ở, Luật đầu tư, Luật quy hoạch… nếu sửa đổi Luật Đất đai mà không xem xét đạo luật khác thì chưa chắc tìm được ra nguyên nhân của những bất cập cho nên đây là câu chuyện cần phải sửa tổng thể. Việc sửa luật lần này cần làm rõ nội hàm, vai trò của Nhà nước trong vấn đề sở hữu, Nhà nước hiện nay đóng 3 vai trò: Đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; người quản lý đất đai; người sử dụng đất. Trong Luật đất đai 2013 đề cập Nhà nước có vai trò chủ sở hữu và quản lý đất đai cũng đã rõ, nhưng vai trò của Nhà nước với tư cách người sử dụng đất thì chưa được rõ.

Đặc biệt, tiêu cực liên quan đến đất công, đất giao cho các doanh nghiệp, tổ chức của Nhà nước hiện nay sử dụng rất lãng phí, còn đất giao cho hộ gia đình, cá nhân thì cơ bản ổn định. Việc chuyển nhượng, tham nhũng, tiêu cực xuất hiện chủ yếu ở loại đất này. Do đó, sửa đổi Luật Đất đai lần này cần thể chế bằng được vai trò của Nhà nước với tư cách là người sử dụng đất. Nhà nước cũng phải công bằng, bình đẳng như các đối tượng sử dụng đất khác.

Đối với vấn đề liên quan đến người nước ngoài, theo quan điểm của tôi thì dự thảo Luật Đất đai nên bổ sung một đối tượng người sử dụng đất đó là người nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật. Pháp luật đã cho phép họ được sở hữu nhà ở tại Việt Nam thì cớ sao họ lại không được quyền sử dụng đất? Công nhận cho người ta quyền sử dụng đất trên đấy có nhà trong thời hạn 50 năm?