Luật Dầu khí sửa đổi: Làm rõ quyền, nghĩa vụ để Petrovietnam hút đầu tư

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều khả năng trong tháng 10 Quốc hội sẽ thông qua Luật Dầu khí. Luật Dầu khí được thông qua kỳ vọng tăng sức hút các nhà đầu tư lớn hơn, nhưng cũng cần làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Petrovietnam...

Đó là những chia sẻ của các chuyên gia, nhà quản lý tại Hội thảo về Luật Dầu khí sửa đổi: Chức năng, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) do Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tổ chức, sáng 1/10/2022.

Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên
Toàn cảnh Hội thảo. Ảnh: Khắc Kiên

Cần rõ phân cấp, phân quyền

Thực tế cho thấy, đang có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm Việt Nam. Chủ tịch Hội dầu khí Việt Nam Nguyễn Quốc Thập cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện có một số phát sinh như: Phía đầu tư nước ngoài nhận định rằng, Petrovietnam chỉ đứng ra ký kết, nhưng mọi tranh chấp lại kéo Chính phủ vào. Chính phủ không tách ra được khỏi trách nhiệm của các hợp đồng dầu khí.

“Tôi cho rằng Petrovietnam là doanh nghiệp Nhà nước 100%, làm được nhiều thì Chính phủ giao nhiều, làm được ít thì Chính phủ giao ít. Về phía thực thi ổn không vấn đề gì, tuy nhiên về mặt pháp lý, nếu Chính phủ không muốn liên quan đến tranh chấp, kiện tụng nên cân nhắc trong phần phân cấp, phân quyền ở bản sửa đổi mới nhất. Chúng tôi kiến nghị kế hoạch đại cương thông thường vẫn giao cho Petrovietnam” – ông Nguyễn Quốc Thập nói.

Mỏ Bạch Hổ về đêm. Ảnh; Hoàng Anh
Mỏ Bạch Hổ về đêm. Ảnh; Hoàng Anh

Bởi, trong điều tra cơ bản về dầu khí khác với điều tra cơ bản bên địa chất. Các nhà đầu tư tư nhân rất ít, trong số nhà đầu tư nước ngoài chiếm đến 80%. Trong điều tra cơ bản hiện Dự thảo Luật đang giao cho Bộ TN&MT với những định mức cụ thể, nhưng tôi cho rằng sẽ rất khó khả thi vì hoàn toàn do nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thu nổ địa chấn.

Do đó, cần cân nhắc, bổ sung chính sách ưu đãi, chẳng hạn như bổ sung thêm khoản trường hợp kết thúc giai đoạn tìm kiếm thăm dò, nhà đầu tư thấy cần ưu đãi cao hơn để chuyển sang giai đoạn khai thác, nhà đầu tư sẽ trình hồ sơ xin thay đổi, Bộ Công Thương thẩm định. Nếu bổ sung điểm này, luật ra đời sẽ thể hiện tính bao quát, ưu đãi cho nhà đầu tư, đảm bảo hài hòa lợi ích.

Đánh giá cao Dự thảo Luật Dầu khí (sửa đổi) và kỳ vọng những vướng mắc còn tồn tại sẽ tiếp tục được chỉnh lý trong Dự thảo, hoặc trong Thông tư hướng dẫn thi hành Luật, ông Nguyễn Quốc Thập mong muốn Luật Dầu khí sửa đổi với những điểm mới, tiến bộ sẽ sớm được thông qua và thực thi, đáp ứng kỳ vọng của của Đảng, Nhà nước, xã hội và doanh nghiệp.

TS Võ Trí Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh tóm tắt nội dung ông Thập theo 4 ý chính.

Thứ nhất, Dự thảo mới cách thể hiện rõ hơn nhiều, nhưng đại diện vai trò Nhà nước trong những tình huống phát sinh tranh chấp cần phải rõ ràng. Trong chương 10 về quản lý Nhà nước chỉ ghi chung chung về việc quản lý thống nhất.

Thứ hai, mỏ đại cương cần tách ra làm hai. Các mỏ liên quan nhiều chuỗi cần sự quản lý của các cấp cao hơn, còn đối với mỏ thông thường thì giao cho PVN.

Thứ ba, khoản 2 Điều 65, Bộ Công Thương là không đủ sức đảm bảo để thực hiện. Thứ tư, Điều 47 về điều tra cơ bản cần có cái nhìn ưu đãi hơn và đảm bảo tính linh hoạt trong quá trình triển khai.

Quy định chi tiết đẩy nhanh tiến độ dự án

Bàn về vấn đề, theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy, Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi mới đã đưa một số nội dung của Nghị định 95, nâng cấp được chức năng nhiệm vụ của Petrovietnam. Dự thảo có thể coi như là luật mới cần 2 nghị định để hướng dẫn thực hiện chi tiết hơn.

Các chuyên gia thẳng thắn góp ý cho Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi. Ảnh; Khắc Kiên
Các chuyên gia thẳng thắn góp ý cho Dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi. Ảnh; Khắc Kiên

Cụ thể, ông Nguyễn Văn Vy đưa ra một số ý kiến về chương IX trong vấn đề điều tra cơ bản. Giai đoạn đầu về điều tra sơ bộ do Petrovietnam thực hiện. Giai đoạn 2 nhà thầu giao thầu, khoan thăm dò, phương pháp điều tra có quy định về các định mức, theo ông Vy thì vẫn cần định mức để kiểm soát được chi phí.

Về hợp đồng dầu khí có quy định Petrovietnam cần báo cáo Bộ Công Thương trình Chính phủ phê duyệt hợp đồng dầu khí. Khi có điều tra cơ bản mới dự thảo hợp đồng chào thầu để kí hợp đồng rất là sơ bộ, chưa đi vào chi tiết. Về thẩm quyền phê duyệt của Chính phủ, cố gắng phân cấp thêm cho Petrovietnam để đẩy nhanh tiến độ các dự án.

Về quy định phát triển mỏ, có thể phân cấp cho Chính phủ, đặc biệt là đối với các dự án mỏ khí, liên quan đến chuỗi thì thẩm quyền Bộ Công Thương chưa được đảm bảo, sợ chưa đủ thẩm quyền.

Đặc biệt, về vai trò của Petrovietnam, sau này có bước phát triển ngoài lĩnh vực truyền thống có thể phát triển điện gió, hydro, công nghệ năng lượng tái tạo theo định hướng COP26, phải nâng cao vai trò của Petrovietnam trong các lĩnh vực này.Về vấn đề thẩm định chất lượng, ông Vy cho rằng, giao cho Bộ Công Thương thẩm định liệu có đảm bảo về chuyên môn hay không. Hiện tại, về vấn đề này có hội đồng thẩm định trữ lượng quản lý quốc gia và Bộ TN&MT quản lý. “Nên cân nhắc giao cho hội đồng thẩm định trữ lượng quản lý quốc gia để đảm bảo chuyên môn thẩm định” - ông Nguyễn Văn Vy đề nghị.

Hiện vai trò của Petrovietnam vẫn còn yếu, các đơn vị thuộc Petrovietnam phát triển hơi bị chậm mặc dù thuộc ngành mũi nhọn. Do đó, từ luật này có thể mở rộng phát triển thêm các điều luật khác hỗ trợ tốt hơn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực dầu khí để tạo điều kiện phát triển lớn mạnh.

Tạo làn sóng thu hút đầu tư

PGS.TS Nguyễn Thế Vinh – Trưởng khoa Dầu khí, Đại học Mỏ - địa chất cho rằng: Tôi đã xem qua bản mới nhất của Dự thảo Luật thấy có thêm 1 số điều cơ bản là làm rõ ý, chặt chẽ hơn, quy trình hồ hơ tài liệu rõ ràng hơn. Đối với Luật Dầu khí này chủ yếu tập trung khâu thượng nguồn. Trong luật quy định cho rất nhiều tổ chức, cá nhân.

Hạ thuỷ Khối thượng tầng giàn BK19. Ảnh: Hoàng Anh
Hạ thuỷ Khối thượng tầng giàn BK19. Ảnh: Hoàng Anh

Tuy nhiên, Petrovietnam là doanh nghiệp duy nhất đóng vai trò thay mặt Nhà nước kí các hợp đồng. “Chúng ta cũng phải xem như Petrovietnam cũng là một đơn vị quản lý Nhà nước, do đó phải nâng cao quyền hạn, vai trò của Petrovietnam” – ông Vinh đề nghị.

Ủng hộ dự thảo mới, TS Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế đề nghị quán triệt sâu hơn 2 vấn đề: Tăng phân cấp cho Petrovietnam và tạo làn sóng mới thu hút đầu tư.

Về vấn dề chính sách ưu đãi, phải chú ý các chính sách ưu đãi cao hơn đối với các vùng biển nhạy cảm. Bên cạnh đó, ông ủng hộ vai trò kép của PVN. Tuy nhiên cần chú ý một số vấn đề để tránh tình trạng “vừa đá bóng, vừa thổi còi”, tình trạng tranh công đổ tội, liên quan đến các vấn đề kiện tụng.

Do đó ông đưa ra đề xuất: Một là, bổ sung thêm quy định về sự kiện toàn tổ chức bộ máy Petrovietnam trong nghị định. Hai là, hiện tại trong Dự thảo đang quá đề cao vai trò của Bộ Côn Thương. Cần tăng thêm vai trò Bộ TN&MT, Bộ Quốc phòng. Điển hình trong Khoản 4, 5, 6 Điều 24, liên quan an ninh quốc phòng phải có ý kiến của Bộ Quốc phòng.

Ba là, cần đa dạng hóa mẫu của các hợp đồng, phù hợp đối tượng từng mỏ, từng đối tác tham gia, từng thời điểm, đảm bảo được sự linh hoạt, không gây cứng nhắc. Cuối cùng, trong Khoản 3, Điều 61 về vai trò của Petrovietnam. Tập đoàn phê duyệt đủ thứ, giữ cả vai trò kiểm toán, quyết toán, tức làm từ “A đến Z”. Do đó, cần tách kiểm toán ra khỏi chức năng cua Petrovietnam, đưa ra kiểm toán Nhà nước độc lập trước khi trình Chính phủ.

Người lao động Vietsovpetro trên công trình biển. Ảnh: Hoàng Anh
Người lao động Vietsovpetro trên công trình biển. Ảnh: Hoàng Anh

Đưa quan điểm, ông Nguyễn Quốc Thập có ý kiến: Về việc đưa nhiều bộ vào Dự thảo Luật sẽ gây nặng nề. Thực tế, trước khi đưa ra một quyết định cũng đã thông qua rất nhiều sự tham khảo của các bộ liên quan để đảm bảo tính khả thi. “Vấn đề kiểm toán, trước khi đưa vào dự thảo Luật đã nâng lên đặt xống rất nhiều lần. Quy trình thực tế vẫn đảm bảo quá trình kiểm toán độc lập đảm bảo chất lượng” – vị này chỉ ra.

Do đó, ông Võ Trí Thành cho rằng, về vai trò kiểm toán của Petrovietnam có thể làm rõ hơn về câu chữ, đảm bảo được việc thực hiện kiểm toán dựa trên sự tham gia của các cơ quan kiểm toán độc lập chuyên nghiệp đảm bảo yêu cầu.

Luật hóa để thực hiện

Chuyên viên Vụ Pháp chế (Bộ KHCN) Phạm Thanh Trà, khi rà soát tôi cũng có chung quan điểm với các đại biểu, đó là quyền hạn và nghĩa vụ của Petrovietnam đang được mở rộng, nhiều điểm mới.

Phát hiện dòng dầu công nghiệp tại giếng BH- 5, Bạch Hổ. Ảnh: Hoàng Anh
Phát hiện dòng dầu công nghiệp tại giếng BH- 5, Bạch Hổ. Ảnh: Hoàng Anh

Ngay từ khái niệm Petrovietnam là doanh nghiệp Nhà nước, như vậy với vai trò đó có chức năng quản lý Nhà nước hay không? Cần xem xét và nên rõ ràng trong góc độ giúp Chính phủ và trong góc độ hoạt động kinh tế nên phân rõ ràng.

Một số luật tôi đã tham gia đến bây giờ không có luật nào ghi cụ thể là "chức năng”. Bản thân trong Khoản 1, Điều 61 lại lặp lại. Về câu từ, cách viết làm sao để người đọc nhìn thấy luôn chủ thể. Cần có sự tách bạch, hoạt động nào giúp chính phủ, hoạt động nào với vai rò hoạt động kinh tế.

TS Nguyễn Văn Tuân (Hội Luật gia Việt Nam), chúng tôi nhận thức rằng Luật Dầu khí sửa đổi phải loại bỏ rào cản tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho nhà đầu tư. Khi sửa đổi đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất và tính khả thi. Phải nhận diện được cái đặc thù của ngành để đưa vào Luật hóa.

Trong tờ trình có nói đến 2 vai của Petrovietnam. Theo tôi cần quy định rõ ràng, chứ thực hiện ủy quyền của Chính phủ là không đúng. Trong tờ trình chưa thấy toát lên được lý luận thực tiễn, chưa có lập luận. Dự thảo mới đã sáng ý và gọn nhưng nhưng vẫn còn nhiều vấn đề.

Đơn cử, trong chương IX chưa rõ đc vai trò của Petrovietnam. Chức năng nhiệm vụ cần rõ ràng, đề nghị trong bản giải trình cần thuyết minh rõ hơn địa vị pháp lý của tập đoàn.

Làm rõ vấn đề này, TS. Nguyễn Ngọc Anh (Khoa Pháp luật Kinh tế trường Đại học Luật Hà Nội) đặt vấn đề, tại sao nhà đầu tư nước ngoài không khởi kiện Petrovietnam mà kiện Chính phủ? Bởi vì liên quan đến việc đặt tên cho doanh nghiệp. Trong tờ trình của ban soạn thảo có nhắc vướng mắc của công ty mẹ. Công ty mẹ được phép ký hợp đồng với công ty mà nó góp vốn.

Chuyên viên chính Viện Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thảo nhất trí với nội dung Dự thảo sửa đổi Luật Dầu khí mới. Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ có 64 điều, số điều còn ít. Nhiều quy định, nguyên tắc vẫn còn chung chung, chưa chi tiết, khi đưa vào triển khai có thể sẽ gây xung đột với các luật khác.

Về vai trò của Petrovietnam, sau khi tham khảo mô hình các nước, việc tiếp tục thực hiện với 2 chức năng là phù hợp với thực tiễn của Việt Nam. Song, việc phân định vai trò Petrovietnam cho chức năng cần làm rõ, tránh tình trạng không rõ ràng.

Vấn đề quyền quản lý Nhà nước, Điểm b, Điều 65 quy định về vai trò của Bộ Công Thương “Nghiên cứu xây dựng, ban hành, hướng dẫn về định mức chi phí, định mức kinh tế, kỹ thuật cho điều tra cơ bản về dầu khí và hoạt động dầu khí” bà đồng ý với quan điểm của ông Thập là bỏ quy định đề các định mức.

 

Hai vai trò của Petrovietnam chưa làm rõ khía cạnh về dịch vụ công. Về khía cạnh ưu đãi, cần mở rộng trên nhiều phương diện để thu hút, đặc biệt về cơ chế chia sẻ rủi ro còn kém hiệu quả. Những vấn đề nhạy cảm, địa chính trị thì càng phải ưu đãi hơn.

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Lê Xuân Sang