70 năm giải phóng Thủ đô

Luật Di sản văn hóa: bảo đảm thống nhất với Luật Đất đai, Luật Xây dựng

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tham gia đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đề nghị tạo sự thống nhất giữa Luật Di sản văn hóa với Luật Đất đai, Luật Xây dựng, thể hiện rõ quy định về chức năng sử dụng, khoanh vùng bảo vệ...

Chiều 23/10, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi).

Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu tham dự Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: Quochoi.vn

Đề xuất quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa

 

 Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 8 gồm 9 chương, 100 điều, giảm 2 điều so với dự thảo trình tại Kỳ họp thứ 7.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho biết, về phạm vi điều chỉnh, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉ đạo rà soát, bỏ cụm từ “di sản tư liệu” tại phạm vi điều chỉnh dự thảo Luật. Tuy nhiên, dự thảo Luật vẫn quy định cụ thể cơ chế, biện pháp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị của loại hình di sản này.

Dự thảo Luật đã chỉnh lý các quy định về chính sách của Nhà nước trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính đặc thù của từng loại hình di sản văn hóa. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề xuất quy định Quỹ bảo tồn di sản văn hóa tại dự thảo Luật, đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ về sự cần thiết, cơ sở pháp lý và thực tiễn. Rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện theo hướng: Quỹ chỉ hỗ trợ kinh phí cho một số hoạt động trọng tâm, trọng điểm.

Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Ảnh: Quochoi.vn

Đồng thời, bổ sung quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh căn cứ vào tình hình thực tế về yêu cầu, khả năng huy động nguồn lực, tính hiệu quả, khả thi để thành lập Quỹ bảo tồn di sản văn hóa ở địa phương…

Về thanh tra di sản văn hóa, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản gửi Chính phủ có ý kiến, đề xuất phương án về sự cần thiết thành lập thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo Luật hay quy định tại Nghị định về cơ quan thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, nếu có thành lập thanh tra chuyên ngành về di sản văn hóa.

Ngày 22/10/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhận được Công văn số 695/CP-PL của Chính phủ về tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Chính phủ đề nghị quy định về thanh tra di sản văn hóa tại dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo, rà soát quy định này để bảo đảm tính thống nhất với quy định của pháp luật về thanh tra.

Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh) tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh) tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Bổ sung quy định cấm hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất di tích hỗn hợp

Tham gia đóng góp ý kiến tại phiên họp, đại biểu Trần Đình Gia (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh) cho biết, khoản 8 Điều 9 quy định cấm các hành vi lấn chiếm, hủy hoại đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh. Quy định này cần bổ sung cụm từ “di tích hỗn hợp” để đảm bảo phù hợp với Điều 21 quy định về loại hình di tích hỗn hợp.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết, về hoạt động phát huy giá trị di tích, khoản 4 Điều 26 chỉ quy định về việc tổ chức hoặc liên kết tổ chức hoạt động du lịch, dịch vụ phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu, học tập tại di tích. Theo đại biểu, quy định như vậy là chưa đầy đủ, vì hoạt động này cần có sự tham gia của một số thành phần kinh tế với nhiều hình thức khác như hợp tác công tư, liên doanh liên kết.

Đại biểu đề nghị bổ sung vào khoản 4 Điều 26 của dự thảo Luật nội dung về liên kết hợp tác hoặc hợp tác công tư đối với hoạt động du lịch, dịch vụ phục vụ công chúng tham quan, nghiên cứu, học tập tại di tích.

Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế) phát biểu thảo luận. Ảnh: Quochoi.vn

Đối với khu vực bảo vệ di tích, nguyên tắc xác định và cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích, điều chỉnh khu vực bảo vệ di tích, di sản thế giới, đại biểu nhận định, một điểm mới trong dự thảo Luật lần này là có quy định về cải tạo, sửa chữa, xây dựng công trình nhà ở riêng lẻ trong khu vực bảo vệ I và II, nhất là với khu vực II.

Thực tế, các hoạt động kinh tế xã hội trong khu vực này rất khó khăn, do sau khi khoanh vùng khu vực bảo vệ II di tích trên bản đồ địa chính theo Luật Di sản văn hóa, thì bắt buộc trong quy hoạch sử dụng đất ghi chức năng sử dụng là đất di tích, nên khi triển khai, quy hoạch chi tiết xây dựng cũng sẽ thể hiện là đất di tích. Vì thế, các hoạt động sửa chữa, cải tạo, xây dựng, sửa chữa nhà cửa trở nên rất khó khăn, chưa kể đến việc xác lập các quyền thừa kế, chuyển nhượng, sở hữu, triển khai các dự án phát triển kinh tế, xã hội...

Đại biểu đề nghị khắc phục triệt để tình trạng trên, tạo sự thống nhất giữa Luật Di sản văn hóa với Luật Đất đai, Luật Xây dựng, thể hiện rõ quy định về chức năng sử dụng, khoanh vùng bảo vệ đối với khu vực bảo vệ II.